Kỹ sư trẻ về vườn lập nghiệp

03:10, 20/10/2016

Ông Nguyễn Văn Tấn (thường gọi Ba Tấn, ở ấp Phú Mỹ 1, xã Đồng Phú- Long Hồ) vừa bỏ ra tiền tỷ để đầu tư dây chuyền sản xuất thức ăn cho cá. Đây là tâm huyết của bản thân ông và cũng là thành quả mà 2 người con của ông ăn học thành tài với quyết định về vườn lập nghiệp.

 

Dây chuyền sản xuất thức ăn chăn nuôi được đầu tư gần 3 tỷ đồng.
Dây chuyền sản xuất thức ăn chăn nuôi được đầu tư gần 3 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Văn Tấn (thường gọi Ba Tấn, ở ấp Phú Mỹ 1, xã Đồng Phú- Long Hồ) vừa bỏ ra tiền tỷ để đầu tư dây chuyền sản xuất thức ăn cho cá. Đây là tâm huyết của bản thân ông và cũng là thành quả mà 2 người con của ông ăn học thành tài với quyết định về vườn lập nghiệp.

Dây chuyền sản xuất thức ăn cho cá tiền tỷ

Con đường đan hun hút len lỏi dưới những tán nhãn đưa chúng tôi đến ngọn Bà Phú- nơi mà dự án đê bao ngoài kết hợp đường giao thông phát triển hạ tầng du lịch 4 xã cù lao huyện Long Hồ đi ngang qua.

Chú Ba Tấn là một trong những người đã hiến khoảng 1 công đất vườn để thi công dự án này. Nhà của chú Ba Tấn nằm ngay đầu cầu Bà Phú, hơn một nửa mặt tiền nhà hướng ra sông Cổ Chiên. Trên bờ trồng nhãn, dưới nước chú đầu tư nuôi cá bè.

Tính ra chú gắn bó với nghề này cũng gần chục năm. Tuy nhiên, ý tưởng về việc đầu tư một dây chuyền sản xuất thức ăn cho cá thì chỉ xuất hiện khi người con trai lớn của chú quyết định về vườn cùng cha lập nghiệp.

Đó là Nguyễn Lê Trung- một kỹ sư trẻ tốt nghiệp ngành kỹ thuật điều khiển và tự động hóa (ĐH Nông lâm TP Hồ Chí Minh). Sau khi ra trường và có kinh nghiệm làm việc tại một số công ty lớn ở TP Hồ Chí Minh về lĩnh vực sản xuất thức ăn chăn nuôi, Nguyễn Lê Trung quyết định về nhà để lập nghiệp.

Vậy là kế hoạch đầu tư một dây chuyền sản xuất thức ăn cho cá được vạch ra. Để thực hiện kế hoạch này, đích thân kỹ sư Nguyễn Lê Trung sang tận Đài Loan để tìm hiểu công nghệ và đặt hàng. Ngoài ra, một số thiết bị của dây chuyền còn được nhập khẩu từ Ấn Độ và một số quốc gia khác.

Thay vì phải thuê chuyên gia lắp đặt, với chuyên ngành được học, Nguyễn Lê Trung đã tự nghiên cứu lắp đặt các thiết bị và vận hành thành công dây chuyền sản xuất hiện đại này.

Được sự hỗ trợ của người em trai- dược sĩ Nguyễn Thành Nghĩa- phụ trách tính toán phối trộn nguyên liệu, cân đối dinh dưỡng, đảm bảo các tiêu chuẩn để cho ra sản phẩm thức ăn viên cho cá đạt yêu cầu, đến nay dây chuyền sản xuất này có khả năng cho ra 250- 300kg thức ăn mỗi giờ hoạt động.

Theo dược sĩ Nguyễn Thành Nghĩa, bên cạnh việc đảm bảo các yêu cầu về thành phần dinh dưỡng, cái khó nhất trong việc sản xuất thức ăn dạng viên cho cá là cần đảm bảo độ chín, viên thức ăn phải khô, nổi trên mặt nước để dễ kiểm soát và tránh thất thoát.

Sau gần 4 tháng nghiên cứu sản xuất thử nghiệm, hiện sản phẩm đảm bảo trên 80% các yêu cầu đặt ra và đang được tiếp tục hoàn thiện. Chất lượng được kiểm soát tốt và tiết kiệm được khá nhiều chi phí so với mua thức ăn bên ngoài.

Sẽ mở rộng sản xuất

Chú Ba Tấn tỏ ra rất phấn khởi khi dẫn chúng tôi tham quan dây chuyền sản xuất thức ăn chăn nuôi mà gia đình chú vừa đầu tư. Từ kết quả thành công bước đầu này thì việc mở rộng sản xuất kinh doanh đang được chú tính đến.

Hiện tại, do công suất của dây chuyền còn thấp nên chưa thể cạnh tranh về sản lượng nhưng với chi phí sản xuất đã được tính toán thì giá mỗi ký thức ăn tiết kiệm hơn từ 2.000- 3.000đ.

Từ thực tế sản xuất và chăn nuôi, chú Ba Tấn cho biết từ khi cho cá ăn thức ăn tự làm, đàn cá phát triển khá tốt, không thua gì thức ăn từ bên ngoài. Với lợi thế cạnh tranh về giá, hiện có nhiều hộ nuôi cá bè đã đặt hàng nhưng do công suất chưa đảm bảo nên chú chưa nhận để cung cấp sản phẩm.

Riêng về khả năng tận dụng những sản phẩm nông nghiệp sẵn có ở địa phương để sản xuất thức ăn cho cá, dược sĩ Nguyễn Thành Nghĩa cho biết:

“Hiện đa số các nguyên liệu chế biến theo công nghệ mới được nhập khẩu nhằm đảm bảo các thành phần dinh dưỡng cũng như đạt tiêu chuẩn chất lượng, bởi những loại cá như điêu hồng, basa,… thì đòi hỏi rất cao về những yêu cầu này.

Tuy nhiên, việc tận dụng những sản phẩm nông nghiệp sẵn có như khoai lang, bắp, phụ phẩm thủy sản để sản xuất thức ăn vẫn có thể làm được đối với cá chim trắng, tai tượng và hiện chúng tôi phối trộn, chế biến thức ăn dạng này bằng hệ thống riêng”.

Thức ăn trong chăn nuôi cá luôn chiếm chi phí cao, việc đầu tư trang bị máy móc để tự sản xuất, chế biến thức ăn khép kín mô hình chăn nuôi là một cách làm hay, giúp người nuôi tiết kiệm chi phí, tăng lợi nhuận và hứa hẹn nhiều khả năng mở rộng sản xuất, kinh doanh. Chú Ba Tấn hy vọng sắp tới đây sản phẩm thức ăn chăn nuôi mang thương hiệu Ba Tấn sẽ sớm có mặt trên thị trường.

Để làm được điều này, bên cạnh việc tiếp tục đầu tư mở rộng thì yếu tố giao thông cũng rất quan trọng. Do đó, chú mong đợi dự án đê bao ngoài kết hợp đường giao thông phát triển hạ tầng du lịch 4 xã cù lao sớm được thi công hoàn thiện để người miệt vườn như chú có thêm cơ hội sản xuất, làm giàu.

  • ™Bài, ảnh: LÊ SƠN- PHẠM PHONG

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh