ADB: Việt Nam không nên tăng trưởng quá "nóng"

03:10, 12/10/2016

Giám đốc quốc gia ADB khuyến nghị, Việt Nam cần đảm bảo tăng trưởng nhanh nhưng không quá "nóng" để tránh những hệ lụy sau này.

Giám đốc quốc gia ADB khuyến nghị, Việt Nam cần đảm bảo tăng trưởng nhanh nhưng không quá "nóng" để tránh những hệ lụy sau này.

Phát biểu tại buổi họp báo mới đây về công bố chiến lược đối tác quốc gia, ông Eric Sidgwick - Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam - cho rằng, Việt Nam đặt chỉ tiêu về tăng trưởng là điều tốt và quan trọng là phải đảm bảo tăng trưởng nhanh nhưng không quá nóng, không để lại những hệ lụy cho sau này.

Ông Eric Sidgwick - Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam
Ông Eric Sidgwick - Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam

Cần tăng trưởng về chất

Cuối tháng trước, ADB hạ dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm 2016 xuống 6%, trong khi mục tiêu tăng GDP được Chính phủ Nam đặt ra là 6,7%.

Giám đốc quốc gia ADB cho rằng, con số và khả năng đạt được không phải là yếu tố quá quan trọng. Điều cần quan tâm là chất lượng và tính bền vững của tăng trưởng, bởi nếu kinh tế phát triển quá nóng, không bền vững sẽ để lại nhiều hệ lụy xã hội.

Đề cập đến nợ công, ông Eric Sidgwick nhận định, nợ công Việt Nam đang tiến sát trần 65% GDP, và không lo ngại về khủng hoảng nợ công. Việt Nam cần gấp rút giải quyết vấn đề này bằng cách cân đối lại thu – chi ngân sách.

Đại diện ADB đề xuất nhiều cách để cải thiện ngân sách. Về mặt nguồn thu, Việt Nam có thể tăng thu thuế, nhưng không phải từ tăng hay thêm thuế, mà là mở rộng diện thu hiện tại và xem xét lại các biện pháp ưu đãi.

 Về mặt chi tiêu công, các khoản chi thường xuyên (như lương công chức) cần được đánh giá lại, đồng thời chú trọng đến chất lượng và hiệu quả của các khoản đầu tư từ ngân sách.

Cần phải giám sát chặt các dự án sử dụng vốn ngân sách (Ảnh minh họa)
Cần phải giám sát chặt các dự án sử dụng vốn ngân sách (Ảnh minh họa)

ADB cũng đánh giá Việt Nam vẫn chưa xử lý được nợ xấu, mà chỉ là chuyển nợ từ bảng cân đối kế toán của các ngân hàng sang Công ty quản lý tài sản (VAMC). 

Do đó, Việt Nam có nhiều việc phải làm như đưa ra các quy định để tạo môi trường pháp lý đầy đủ cho việc xử lý những khoản nợ xấu. Việt Nam cũng phải có kế hoạch minh bạch và rõ ràng trong hoạt động này.

Không khoan nhượng với tham nhũng

Giám đốc quốc gia ADB bày tỏ quan điểm không khoan nhượng với các trường hợp tham nhũng trong dự án cơ sở hạ tầng tại Việt Nam. Kinh nghiệm hoạt động tại nhiều nước đã giúp ADB xây dựng cơ chế kiểm tra nghiêm ngặt, từ rà soát hồ sơ đấu thầu đến khi thực hiện. 

Nếu có bằng chứng về tham nhũng, công ty vi phạm sẽ bị đưa vào danh sách đen của cả ADB và Ngân hàng Thế giới (WB).

Ông Eric Sidgwick nhấn mạnh: "Chống tham nhũng là điều được ADB coi trọng. Có thể nói ADB có mức độ khoan dung bằng 0 đối với tham nhũng".

Đại diện ADB cho biết, lĩnh vực có rủi ro tham nhũng cao hơn là lĩnh vực đấu thầu mua sắm hàng hoá các hợp đồng xây lắp.

Tuy nhiên, ADB có cơ chế bảo vệ an toàn nghiêm ngặt, và các cán bộ ADB sẽ phải rà soát đánh giá các yêu cầu từ phía cơ quan Chính phủ, các cơ quan thực hiện dự án thì mới giải ngân. Các đơn vị khác nhau của ADB sẽ rà soát việc giải ngân cũng như hồ sơ các chương trình dự án chứ không phải ở Việt Nam.

Ở cấp độ tổng thể, ông Eric Sidgwick cho biết, ADB sẽ hỗ trợ những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong trong cải thiện hiệu quả chi tiêu công, bao gồm cả việc cải thiện công tác quản trị./.

Theo Trần Ngọc/VOV.VN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh