Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, khối lượng gạo xuất khẩu trong cả nước tháng 10 này ước đạt 368.000 tấn, giá trị 164 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu gạo 10 tháng ước đạt 4,2 triệu tấn, giá trị 1,9 tỷ USD, giảm 21,2% về khối lượng và giảm 16,9% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, khối lượng gạo xuất khẩu trong cả nước tháng 10 này ước đạt 368.000 tấn, giá trị 164 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu gạo 10 tháng ước đạt 4,2 triệu tấn, giá trị 1,9 tỷ USD, giảm 21,2% về khối lượng và giảm 16,9% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Chế biến gạo xuất khẩu. (Ảnh: Đình Huệ/TTXVN) |
Trung Quốc vẫn tiếp tục đứng đầu về thị trường nhập khẩu gạo của Việt Nam trong 9 tháng qua với 35,4% thị phần.
Trong 9 tháng qua, xuất khẩu gạo sang thị trường này đạt 1,35 triệu tấn với 613,8 triệu USD, giảm 23% về khối lượng và giảm 13,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015.
Cũng trong xu hướng giảm là các thị trường Philippines, Malaysia, Singapore, Hoa Kỳ, Côte d'Ivoire và Hong Kong.
Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, một số thị trường có sự tăng trưởng khá mạnh. Trong đó phải kể đến là Gana - thị trường nhập khẩu gạo lớn thứ hai của Việt Nam trong 9 tháng qua (chiếm 11% thị phần).
Xuất khẩu gạo sang thị trường này trong 9 tháng đạt hơn 387.000 tấn, giá trị 189,6 triệu USD, tăng 41,8% về khối lượng và tăng 36,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015.
Đáng chú ý là Indonesia - thị trường nhập khẩu gạo lớn thứ tư của Việt Nam trong 9 tháng qua với 8,2% thị phần.
Xuất khẩu gạo sang thị trường này đạt hơn 359.000 tấn, giá trị 142,5 triệu USD, tăng gấp 21,5 lần về khối lượng và gấp 22,5 lần về giá trị so với cùng kỳ năm 2015. Bên cạnh đó, thị trường Angola tăng gấp 4,4 lần về khối lượng và gấp 3,5 lần về giá trị.
Theo thông tin từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), các doanh nghiệp Philippines đã được Cơ quan Lương thực nước này cho phép nhập khẩu 293.100 tấn gạo từ Việt Nam để đảm bảo nhu cầu lương thực cho mùa giáp hạt năm 2017.
Đây là cơ hội để các doanh nghiệp trong nước thúc đẩy tiêu thụ lúa gạo đang khó khăn hiện nay.
Đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho thấy nhu cầu tiêu thụ nhìn chung vẫn thấp, chỉ mới cải thiện do Trung Quốc bắt đầu mua gạo trở lại theo con đường tiểu ngạch trong mấy ngày qua.
Hiện, giá lúa ở một số tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long như sau tại An Giang, giá lúa tươi IR50404 tăng từ 4.200 đồng/kg lên 4.400 đồng/kg; lúa chất lượng cao OM 1490, 2514 tăng từ 4.600 đồng/kg lên 4.700 đồng/kg.
Tại Bạc Liêu, giá lúa Thu Đông (giống ngắn ngày) ổn định ở mức 4.200-4.300 đồng/kg; lúa chất lượng cao OM 5451, OM 6976 ở mức 4.000-4.200 đồng/kg; lúa OM 5451 tăng từ 5.200 đồng/kg lên 5.500 đồng/kg (lúa khô); lúa OM 4900 tăng từ 5.400 đồng/kg lên 5.600 đồng/kg (lúa khô).
Tại Kiên Giang, giá lúa tẻ thường giảm từ 5.100 đồng/kg xuống còn 4.900 đồng/kg; lúa dài giảm từ 5.500 đồng/kg xuống còn 5.300 đồng/kg. Tại Vĩnh Long, giá lúa khô IR50404 ổn định ở mức 5.000 đồng/kg./.
Theo TTXVN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin