Giá lúa gạo có tiếp tục giảm hay không là câu chuyện đang được đặt ra ngay thời điểm tiêu thụ vụ lúa như hiện nay?
Giá lúa gạo có tiếp tục giảm hay không là câu chuyện đang được đặt ra ngay thời điểm tiêu thụ vụ lúa như hiện nay?
Thông tin giá lúa gạo giảm, xuất khẩu gặp khó khăn, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) điều chỉnh chỉ tiêu xuất khẩu gạo của năm 2016 đã làm cho thị trường kinh doanh lúa gạo trở nên nóng bỏng hơn.
Lý giải về thực tế đang diễn ra hiện nay, ông Lâm Anh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Lương thực Thịnh Phát phân tích, lúc đầu ai cũng nghĩ năm nay do hạn mặn nên sản lượng lúa gạo sẽ giảm, chẳng những ở Việt Nam mà còn ở các nước trong khu vực.
Từ đó, nhận định được đưa ra là giá lúa gạo sẽ giữ ở mức cao. Thực tế cũng cho thấy, cách đây vài tháng giá gạo của Thái Lan đã được đẩy lên trên 400 USD/tấn; các nước Pakistan, Ấn Độ cũng đẩy giá gạo tăng theo.
Thời điểm đó, các doanh nghiệp (DN) kinh doanh lương thực trong nước có giá thành gạo dao động ở mức 360 - 370 USD/tấn là cảm thấy yên tâm.
Tiêu thụ lúa gạo thời gian qua gặp nhiều khó khăn. |
Tuy nhiên, chỉ trong vòng 1 tháng gần đây giá gạo Thái Lan quay đầu giảm nhanh, chỉ ở tầm 360 - 370 USD/tấn kéo theo giá gạo của các nước khác cũng giảm theo. Mặt bằng giá gạo giao dịch thế giới hiện cũng chỉ dao động ở mức 330 USD/tấn.
Lúc này nhiều người mới nhìn nhận lại là mặt bằng lương thực, trong đó có gạo, đúng là sản lượng có giảm ở một số nước trong vụ đông xuân nhưng không lớn như dự kiến ban đầu, trong khi mùa vụ lúa gạo rất ngắn, chỉ trong vòng 3 tháng là có thể thu hoạch.
Chẳng hạn, trong nước hiện đã có thu hoạch vụ 2 và một số khu vực chuẩn bị thu hoạch vụ 3. Nhiều người cũng dự báo rằng, năm nay Indonesia, một trong những thị trường tiêu thụ gạo lớn của Việt Nam, bị thiệt hại nặng, sẽ nhập khẩu nhiều gạo nhưng đến thời điểm này cũng chưa nhập gạo Việt Nam. Điều này cho thấy, thiếu hụt gạo của Indonesia là không quá lớn.
Trong khi đó, trong lương thực, ngoài gạo còn có lúa mì, ngô, các mặt hàng này năm nay lại được mùa. Đến đây, theo đánh giá của các chuyên gia, về mặt tổng thể lương thực năm nay dư thừa chứ không thiếu.
Do vậy, nhận định về giá lương thực, nhất là gạo, năm nay sẽ cao đã được nhìn nhận lại. Nguyên tắc chung là khi sản lượng đã dư thừa thì giá bán khó tăng lên.
Trong khi đó, từ nay đến cuối năm 2016 lại ở tình thế ngược lại là, trong khi Việt Nam đang có thu hoạch vụ 3 nhưng sản lượng không lớn, các nước khác như Thái Lan, Pakistan lại có vụ thu hoạch chính vào tháng 10 và tháng 11, nên chắc chắn giá lúa gạo tới đây cũng sẽ khó tăng lên.
Trước tình hình này, Việt Nam cũng khó bán gạo với số lượng lớn trong thời gian tới, do các thị trường nhập khẩu gạo chính của Việt Nam có nhu cầu đến đâu nhập khẩu đến đó.
Tiêu thụ lúa gạo thời gian qua gặp nhiều khó khăn. |
Thực tế thị trường kinh doanh lúa gạo thời gian gần đây đã dẫn đến giá lúa gạo trong nước giảm khá lớn. Cụ thể, trước đây giá lúa tươi xoay quanh mức 4.400 - 4.500 đồng/kg thì hiện nay chỉ khoảng 4.100 đồng/kg; gạo lứt lột vỏ chỉ còn khoảng 6.150 - 6.200 đồng/kg thay vì 6.400 - 6.500 đồng/kg như trước đây.
“Theo tôi giá lúa gạo trong nước tới đây cũng khó giảm thêm do nguồn cung không nhiều, trong khi tiêu thụ nội địa vẫn còn tốt.
Tuy nhiên, nếu tới đây Việt Nam bán được gạo với số lượng lớn cho Indonesia, Philippines thì ít nhiều sẽ kích giá lúa gạo trong nước tăng lên. Nhưng điều này khó xảy ra do các nước nhập khẩu gạo Việt Nam có xu hướng là cần đến đâu mua đến đó”- ông Lâm Anh Tuấn phân tích.
Chính những biến động của thị trường năm nay, các DN kinh doanh lúa gạo trong nước chịu không ít áp lực, chưa kể là bất lợi.
Bởi do dự báo sai nên ngay từ vụ đông xuân, giá lúa gạo trong nước được đẩy lên cao, các DN vẫn cứ mua vào dù lượng hàng xuất khẩu còn hạn chế. Khi giao hết các hợp đồng đã ký trước đó, giá lúa gạo trên thị trường đã quay đầu giảm.
Theo phân tích của các chuyên gia, lượng gạo đông xuân các DN mua vào với giá cao hiện vẫn chưa bán hết, với mức giá thành khoảng 370 - 380 USD/tấn. Trong khi đó, lúa hè thu chính vụ có chất lượng thấp, nhưng mức giá thành mua vào cũng khoảng 350 - 360 USD/tấn.
Như vậy, nếu DN nào còn tồn gạo đều có giá thành ở mức cao. Đây chính là điểm yếu của DN kinh doanh gạo Việt Nam trong giai đoạn giá gạo tiêu thụ trên thị trường đang có xu hướng giảm.
Để giải bài toán căn cơ về kinh doanh lúa gạo hiện nay, theo ông Lâm Anh Tuấn, Chính phủ nên tính toán lại cơ cấu sản xuất của ngành Nông nghiệp, theo hướng chuyển đổi cây trồng. Bởi có cần thiết phải tổ chức sản xuất lúa để thừa 7 - 8 triệu tấn gạo hàng năm để rồi phải tìm mọi giải pháp để tiêu thụ.
Trong khi đời sống khá lên, nhu cầu tiêu thụ gạo của thế giới có xu hướng giảm và hầu như các nước đều có chương trình an ninh lương thực theo hướng tự túc thay cho nhập khẩu nên phạm vi mua bán gạo ngày càng hẹp dần...
Chỉ tiêu xuất khẩu gạo năm 2016 chỉ còn 5,65 triệu tấn VFA vừa chính thức điều chỉnh mục tiêu xuất khẩu gạo năm 2016 từ 6,5 triệu tấn xuống còn 5,65 triệu tấn, giảm 14% so với năm 2015. Nguyên nhân được cho là do xuất khẩu gạo 6 tháng đầu năm giảm so với cùng kỳ năm 2015, chỉ đạt hơn 2,6 triệu tấn. Sự trầm lắng của thị trường còn được dự báo sẽ tiếp diễn trong thời gian tới khi các thị trường lớn của gạo Việt Nam như Indonesia và Philippines công bố chưa vội nhập khẩu gạo. Ở thị trường lớn nhất của gạo Việt Nam là Trung Quốc, sức mua cũng đang giảm. Với dự báo mới nhất mà VFA đưa ra, áp lực lên thị trường lúa gạo với bà con nông dân sẽ rất lớn và sẽ kéo dài cho tới năm 2017, bởi sản lượng tồn kho của năm nay dự kiến sẽ lên tới 2 triệu tấn. |
Theo Ấp Bắc Online
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin