Những nội dung mới của Luật sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý thuế

03:09, 30/09/2016

Ngày 27/9/2016, Cục Thuế tỉnh đã triển khai các nội dung trọng tâm của một số chính sách thuế có hiệu lực từ tháng 7/2016.

Ngày 27/9/2016, Cục Thuế tỉnh đã triển khai các nội dung trọng tâm của một số chính sách thuế có hiệu lực từ tháng 7/2016. Trong đó, đáng chú ý là Luật số 106/2016/QH13 sửa đổi, bổ sung Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT), Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật Quản lý thuế đã được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 6/4/2016 và có hiệu lực thi hành từ 1/7/2016.

Chính sách thuế mới tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất.
Chính sách thuế mới tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất.

Để tiếp tục hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp vượt qua khó khăn, thách thức, ổn định sản xuất, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhằm thực hiện tốt mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội, đồng thời nâng cao tính hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý thuế thì cần thiết phải có những giải pháp về thuế phù hợp, đáp ứng được yêu cầu thực tế.

Việc sửa đổi, bổ sung các luật thuế là hết sức cần thiết. Từ ngày 1/7/2016, Luật sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý thuế có những điểm mới được điều chỉnh theo hướng chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp trong thực hiện nghĩa vụ thuế theo tinh thần đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao tính khả thi của luật.

Những nội dung mới sửa đổi, bổ sung giúp người nộp thuế được hưởng lợi

Luật số 106/2016/QH13 của Quốc hội về sửa đổi, bổ sung Luật Thuế GTGT, Luật Thuế Tiêu thụ đặc biệt, Luật Quản lý thuế đã sửa đổi một số nội dung quy định về miễn, giảm thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, các đối tượng thuộc diện miễn thuế, giảm thuế nhằm chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp trong thực hiện nghĩa vụ thuế, tăng niềm tin với người nộp thuế (NNT), đồng thời khắc phục những bất hợp lý của Luật Quản lý thuế trước đây, để giảm bớt khó khăn cho hộ gia đình có thu nhập thấp... tập trung vào các điểm mới sau:

Thứ nhất, Luật số 106/2016/QH13 đã sửa đổi nội dung về miễn, giảm thuế tại Điều 61 của Luật Quản lý thuế số 78/2006/QH11 áp dụng với NNT sử dụng đất phi nông nghiệp. Theo đó, luật quy định các trường hợp cơ quan quản lý thuế sẽ thực hiện miễn thuế, giảm thuế đối với các trường hợp thuộc diện miễn thuế, giảm thuế được quy định tại các văn bản pháp luật về thuế.

Đồng thời, luật cũng quy định rõ hơn việc thực hiện miễn thuế đối với hộ gia đình, cá nhân có số thuế sử dụng đất phi nông nghiệp phải nộp hàng năm từ 50.000đ trở xuống.

Tổng số thuế miễn, giảm theo quy định này hàng năm tuy không đáng kể trong tổng số thu ngân sách nhà nước nhưng lại có ý nghĩa rất lớn vì đại bộ phận người dân nông thôn, người lao động nghèo ở đô thị sẽ được miễn thuế sử dụng đất phi nông nghiệp và cơ quan thuế cũng giảm được chi phí về nhân lực quản lý để tập trung vào quản lý các nguồn thu khác có hiệu quả hơn.

Thứ hai, nhằm chia sẻ khó khăn với những NNT có ý thức, thái độ tuân thủ pháp luật thuế nhưng hiện tại đang gặp khó khăn về tài chính, cần có thời gian để thu xếp nguồn tiền để nộp dần số thuế nợ, khoản 4 Điều 92 Luật số 106/2016/QH13 quy định chưa thực hiện biện pháp cưỡng chế thuế đối với trường hợp NNT đã được cơ quan quản lý thuế cho phép nộp dần tiền nợ thuế trong thời hạn không quá 12 tháng, kể từ ngày bắt đầu của thời hạn cưỡng chế thuế.

Việc nộp dần tiền nợ thuế sẽ được xem xét trên cơ sở đề nghị của NNT gắn với điều kiện là họ phải có bảo lãnh của tổ chức tín dụng. Để bảo đảm công bằng với NNT chấp hành tốt pháp luật và không nợ thuế, luật vẫn có quy định NNT phải nộp tiền chậm nộp theo mức 0,03%/ngày tính trên số tiền thuế chậm nộp đang được cơ quan thuế cho giãn thời hạn nộp.

Thứ ba, quy định về mức phạt chậm nộp thuế đã giảm từ 0,05%/ngày xuống mức thấp hơn là 0,03%/ngày để phù hợp với mặt bằng lãi suất ngân hàng (mức phạt chậm nộp đã giảm nhiều so với trước đây), quy định này nhằm bảo đảm tính khả thi của quy định xử phạt, đồng thời cũng chia sẻ khó khăn với NNT.

Ngoài ra, Luật số 106/2016/QH13 bổ sung quy định đối với trường hợp hàng hóa nhập khẩu để xuất khẩu, hàng hóa xuất khẩu không thực hiện việc xuất khẩu tại địa bàn hoạt động hải quan theo quy định của Luật Hải quan sẽ không được hoàn thuế GTGT.

Đồng thời, đối với NNT chấp hành tốt pháp luật thuế, hải quan, Luật thuế sửa đổi, bổ sung lần này cũng đã có quy định thuận lợi về hoàn thuế GTGT như: thực hiện hoàn thuế trước, kiểm tra sau đối với NNT sản xuất hàng hóa xuất khẩu không vi phạm pháp luật về thuế, hải quan trong thời gian 2 năm liên tục; NNT không thuộc đối tượng rủi ro cao theo quy định...

Điểm mới Thông tư 130/2016/TT-BTC về thuế sử dụng đất, GTGT

Tổng cục Thuế đã ban hành Công văn 4238/TCT-CS giới thiệu các nội dung mới của Thông tư 130/2016/TT-BTC hướng dẫn Nghị định 100/2016/NĐ-CP.

 

Theo đó, một số điểm đáng chú ý là: bổ sung trường hợp được miễn thuế sử dụng đất phi nông nghiệp với hộ gia đình, cá nhân có số thuế sử dụng đất phải nộp hàng năm (đã trừ số thuế được miễn, giảm) từ 50.000đ trở xuống. Trường hợp có nhiều thửa đất trong phạm vi tỉnh- thành phố trực thuộc Trung ương thì việc miễn thuế được tính trên tổng số thuế phải nộp của tất cả các thửa đất.

 

Bổ sung các đối tượng không chịu thuế GTGT như:

+ Dịch vụ chăm sóc người cao tuổi, người khuyết tật gồm cả chăm sóc về y tế, dinh dưỡng và tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, giải trí...

+ Vận chuyển hành khách công cộng bằng xe buýt, xe điện (gồm cả tàu điện) theo các tuyến trong nội tỉnh, trong đô thị và các tuyến lân cận ngoại tỉnh.

 

 

Bài, ảnh: LÝ AN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh