Hợp tác kinh tế Việt – Pháp: Cơ hội lớn đang chờ doanh nghiệp start-up

04:09, 04/09/2016

Trong chuyến thăm Việt Nam tuần tới, Tổng thống Pháp Francois Hollande sẽ gặp gỡ cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp Pháp tại Việt Nam.

Trong chuyến thăm Việt Nam tuần tới, Tổng thống Pháp Francois Hollande sẽ gặp gỡ cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp Pháp tại Việt Nam.

Theo các chuyên gia, mấu chốt hợp tác kinh tế- thương mại- đầu tư Việt – Pháp chưa hiệu quả, tương xứng với quan hệ tốt đẹp về chính trị là bởi quá tập trung vào các tập đoàn và các hợp đồng lớn, như mua máy bay, hợp tác năng lượng… Trong khi đó, các doanh nghiệp vừa và nhỏ và các doanh nghiệp khởi nghiệp đang là xu thế chung, động lực lớn của kinh tế toàn cầu, lại chưa được chú ý trong quan hệ hai nước.

Tổng thống Pháp Francois Hollande (Ảnh: VTV.VN)
Tổng thống Pháp Francois Hollande (Ảnh: VTV.VN)

Chuyên gia về quan hệ Việt Pháp Pierre Journoud nói: Ngày nay nước Pháp không thể đặt cược mọi thứ vào các công ty lớn như Airbus hay Areva hay EDF bởi có những phân khúc thị trường khác rất đa dạng và bởi lẽ thị trường Việt Nam hiện nay chứng kiến sự cạnh tranh rất lớn. “Phía Pháp đã quá chú trọng đến các công ty, tập đoàn lớn và các hợp đồng tầm cỡ. Về mặt chiến lược ngoại giao, dĩ nhiên điều này rất quan trọng với nước Pháp vì đó là các công ty lớn rất nổi bật ở nước ngoài và giữ vai trò quan trọng trong các dự án đầu tư, hợp tác ở nước ngoài của Pháp, nhất là tại Đông Nam Á hay ở Việt Nam.

Nhưng nước Pháp còn có một nền kinh tế khác rất đa dạng và giàu sáng tạo, đó là các công ty vừa và nhỏ, thậm chí rất nhỏ (PME) nhưng trẻ trung, năng động và sáng tạo, là các công ty start-up.

Tôi hy vọng chuyến đi của ông Hollande sẽ tạo nên một chiều kích mới cho hợp tác kinh tế giữa hai nước, ở lĩnh vực của các doanh nghiệp vừa và nhỏ và các công ty khởi nghiệp bởi Việt Nam là một đất nước có dân số trẻ, táo bạo và sáng tạo nên Pháp và Việt Nam hoàn toàn có đủ mọi lợi ích để hợp tác mạnh mẽ hơn trong các lĩnh vực mới mẻ. Nó là sự bổ sung cần thiết cho các hợp đồng lớn hay các hợp tác lớn giữa các công ty lớn hai nước.”

Hiện nay, tại Pháp, có khoảng 270 - 400 Quỹ đầu tư doanh nghiệp khởi nghiệp hoạt động và mức đầu tư cao nhất phổ biến là khoảng 3,5 triệu euro vào một start-up. Năm 2015, số vốn đầu tư vào các start up tăng mạnh ở Pháp, tăng đến 40% so với năm 2014, đạt 2,6 tỷ euros; trong đó đầu tư vào các start-up kỹ thuật số đạt 1,8 tỷ euros. Nổi bật có doanh nghiệp khởi nghiệp Sigfox nhận được tới 100 triệu euros, là khoản đầu tư lớn nhất vào một start-up. Tuy nhiên, con số thành công ghi nhận của các doanh nghiệp khởi nghiệp tại Pháp là 10%, do đó, Pháp đặt ra trần đầu tư và hạn chế khoản đầu tư cá nhân vào các start-up để tránh rủi ro tài chính.

Trong chuyến thăm Việt Nam, dự kiến Tổng thống Pháp sẽ đi thăm French Tech Viet – Cộng đồng các doanh nghiệp khởi nghiệp của Pháp hiện có hơn 800 thành viên tham gia, trong đó có hơn 120 công ty và một số chủ doanh nghiệp nhỏ, hoạt động trong lĩnh vực công nghệ mới như: giải pháp tin học, viễn thông, chính phủ điện tử, nghe nhìn, thương mại điện tử, an ninh mạng, đào tạo từ xa…

Tại Việt Nam, xu thế start-up cũng đang phát triển mạnh mẽ và trong khuôn khổ chuyến thăm của Tổng thống Pháp, báo chí Pháp cũng sẽ chú ý đến khía cạnh này để làm nổi bật một Việt Nam phát triển năng động và đầy hứa hẹn.

Luật sư Gérard Ngô cũng cho rằng việc chưa chú ý đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ là điểm yếu của cả hai phía Pháp và Việt Nam trong hợp tác song phương: “Nền kinh tế Pháp quá phụ thuộc vào các tập đoàn lớn mà ít chú ý đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ, bởi dù nhỏ, cộng đồng này lại đông đảo và năng động, có thể nhanh chóng kết nối và thúc đẩy hợp tác. Nếu nhìn vào Mỹ, Nhật Bản hay Hàn Quốc thì có đông đảo doanh nghiệp vừa và nhỏ thành công và rất nhiều doanh nghiệp tới Việt Nam đầu tư. Trong khi đó, về phía Việt Nam, các doanh nghiệp vẫn chưa mạnh dạn đi đầu tư ở Pháp và châu Âu. ở nhiều quốc gia khác, làn sóng ra nước ngoài đầu tư rất mạnh mẽ, dù chấp nhận rủi ro thua lỗ rất cao, nhưng phải mạnh dạn thì mới hy vọng thành công và phải ra ngoài thì mới thấy được kinh tế thế giới vận hành ra sao.

Theo Chủ tịch Hội Doanh nhân Việt Nam tại Pháp Nguyễn Hải Nam, thì còn nhiều lĩnh vực hai nước chưa khai thác và các doanh nghiệp vừa và nhỏ có nhiều cơ hội nếu chủ động tiếp cận thị trường.


 

 Chủ tịch Hội Doanh nhân Việt Nam tại Pháp Nguyễn Hải Nam
Chủ tịch Hội Doanh nhân Việt Nam tại Pháp Nguyễn Hải Nam

Ông Hải Nam đưa ra lời khuyên cho doanh nghiệp Việt: “Thứ nhất phải có thời gian tìm hiểu đối tác tiềm năng của Pháp, tìm hiểu thị trường thông qua các cơ quan đại diện thương mại tại nước sở tại, qua những hội đoàn, sau đó mới là vấn đề sản phẩm.

Trước hết phải là tiếp cận, phải đến tận nơi Pháp và châu Âu, các bạn ở lâu hơn 1-2 ngày, phải có thời gian đi thăm quan những nơi có thể nhỏ thôi, biết cách tiếp cận ở Pháp, biết cách trình bày, bao bì của mình không đúng chuẩn. Và ngay cả doanh nghiệp Pháp, chúng tôi cũng nói là phải tìm đến tận nơi. Và đối với các doanh nghiệp, ngay cả các doanh nghiệp lớn của Việt Nam thì cái thiếu là ngôn ngữ. Tiếp cận thị trường Pháp, có sản phẩm, rồi phải có đội ngũ nhân sự, giao tiếp được bằng tiếng Pháp.”

Nhỏ-gọn- năng động là những lợi thế của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, thêm tính sáng tạo của các start-up, đây sẽ là những động lực quan trọng và là giải pháp cần thiết để tăng hiệu quả quan hệ kinh tế- thương mại- đầu tư Việt – Pháp.

Theo Thùy Vâ(/VOV.VN)

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh