Giải cứu con cá tra!

01:09, 13/09/2016

Bộ Nông nghiệp- PTNT vừa cho biết, sản xuất cá tra tại ĐBSCL vẫn chưa thoát khỏi khó khăn. Cụ thể, giá cả đầu vào và đầu ra không ổn định, chất lượng con giống không đảm bảo, thị trường xuất khẩu giảm…

Bộ Nông nghiệp- PTNT vừa cho biết, sản xuất cá tra tại ĐBSCL vẫn chưa thoát khỏi khó khăn. Cụ thể, giá cả đầu vào và đầu ra không ổn định, chất lượng con giống không đảm bảo, thị trường xuất khẩu giảm…

Giá cá tra nguyên liệu thời gian qua có lúc chỉ 17.500- 19.500 đ/kg, giảm 1.500- 2.000 đ/kg so với cùng kỳ. Nhiều hộ nuôi cá tra cũng cho hay hiện nay cá quá lứa nằm trong ao nhiều nhưng không có người mua hoặc chỉ bán được ở mức giá 16.000-17.000 đ/kg khiến người nuôi lỗ nặng.

Nguyên nhân, theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản, sức mua thị trường lớn như Châu Âu và Mỹ sụt giảm, trong khi sau thời gian “ăn” cá tra rất mạnh, tạo hiện tượng khan nguyên liệu, thì hiện Trung Quốc cũng bất ngờ giảm mua khiến đầu ra của cá tra càng bị thu hẹp.

Trung Quốc được xem là thị trường đầy tiềm năng nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Điều này đã được cảnh báo lâu nay, bởi xuất khẩu chủ yếu qua đường tiểu ngạch.

Một số chuyên gia cho rằng, sở dĩ cá tra Việt Nam luôn thua thiệt là do các nhà nhập khẩu nắm rõ nhà máy của ta nội lực kém, thiếu vốn, thiếu liên kết nên họ tìm đủ cách để kéo dài thời gian, dìm hàng…, buộc bán nhanh để quay vòng đồng vốn.

Vì thế, việc tái cấu trúc doanh nghiệp để tăng nội lực, nhằm chủ động về giá bán là rất cấp thiết. Mặt khác, cần tái cấu trúc ngành cá tra theo hướng doanh nghiệp xuất khẩu, nhà máy thức ăn và người nuôi sẽ liên kết với nhau dưới sự hỗ trợ chuyên môn của ngành nông nghiệp và nguồn vốn từ ngân hàng.

Nông dân có ao sẽ nuôi cá theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp xuất khẩu, nhà máy thức ăn và ngân hàng hỗ trợ theo sự liên kết này. Đến khi thu hoạch, doanh nghiệp xuất khẩu mua cá và trả phần đầu tư thức ăn cho nhà máy, còn phần lãi sẽ giao cho người nuôi. Cách làm này các bên đều có lợi.

HOÀNG MINH

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh