Các thành viên ASEAN "đặt cược" lớn vào đối tác láng giềng

12:09, 22/09/2016

Tờ Nikkei Asian Review cho hay, nhiều doanh nghiệp trong ASEAN đang đặt cược lớn vào các đối tác láng giềng, trong đó có Việt Nam.

Tờ Nikkei Asian Review cho hay, nhiều doanh nghiệp trong ASEAN đang đặt cược lớn vào các đối tác láng giềng, trong đó có Việt Nam.

Bùng nổ đầu tư nội khối

Các công ty trong khối ASEAN đang tích cực rót vốn vào các dự án ở các quốc gia láng giềng nhằm nắm bắt cơ hội đến từ triển vọng mở rộng thị trường tiêu dùng Đông Nam Á cũng như cơn sốt phát triển cơ sở hạ tầng trong khu vực.

Đầu tư trực tiếp trong khối ASEAN, tính theo tỷ lệ %
Đầu tư trực tiếp trong khối ASEAN, tính theo tỷ lệ %

Kể từ năm 2015, các công ty thuộc ASEAN đã "soán ngôi" của các đối tác châu Âu để trở thành những nhà đầu tư lớn nhất trong khu vực, xét về giá trị. Tờ Nikkei Asian Review nhận định, việc bùng nổ đầu tư nội khối ASEAN sẽ giúp tăng trưởng kinh tế bền vững trong khu vực này.

Tập đoàn Hoang Anh Gia Lai (HAGL) đã đầu tư vào dự án xây dựng trung tâm thương mại tại Yangon (Myanmar). Trung tâm này đã mở cửa từ tháng 12 năm ngoái, với sự góp mặt của nhiều thương hiệu đình đám trên thế giới.

Bên cạnh đó, tập đoàn này còn tiến hành xây dựng một tổ hợp cao ốc văn phòng và chung cư cao cấp ở Yangon, với tổng số vốn đầu tư lên tới 440 triệu USD.

Trung tâm thương mại Myanmar Plaza do Tập đoàn HAGL xây dựng ở Yangon (Myanmar)
Trung tâm thương mại Myanmar Plaza do Tập đoàn HAGL xây dựng ở Yangon (Myanmar)

Sức hút nội khối
Hãng nghiên cứu Euromonitor (Anh) ước tính thị trường bán lẻ ASEAN sẽ mở rộng thêm khoảng 20% quy mô trong giai đoạn 2015 - 2020, lên mức 588,3 tỉ USD.

Để đón đầu xu thế này, các đại gia lớn trong khu vực nỗ lực đẩy mạnh xâm nhập những thị trường láng giềng. Tập đoàn Boon Rawd Brewery (Thái Lan), nổi tiếng với nhãn hiệu bia Singha, đã đồng ý rót 1,1 tỉ USD vào mảng thực phẩm và nước giải khát của Tập đoàn Masan Group để tiến vào thị trường Việt Nam.

Các công ty ASEAN tăng cường đầu tư nội khối, trong đó có Viettel và HAGL của Việt Nam
Các công ty ASEAN tăng cường đầu tư nội khối, trong đó có Viettel và HAGL của Việt Nam

Công ty sữa Vinamilk của Việt Nam cũng khởi động dây chuyền sản xuất tại Campuchia.

Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng cũng là lĩnh vực hấp dẫn đối với đầu tư nội khối khi Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho rằng các thành viên ASEAN sẽ cần thu hút khoảng 60 tỉ USD mỗi năm trong vòng một thập niên tới, để đáp ứng nhu cầu phát triển.

Tập đoàn viễn thông quân đội Viettel của Việt Nam mạnh tay chi 800 triệu USD để nâng cấp cơ sở hạ tầng viễn thông của Myanmar. Trong khi đó, Tập đoàn xi măng Siam của Thái Lan bắt đầu sản xuất ở Indonesia và hy vọng sẽ sớm tấn công vào thị trường Myanmar, Lào.

Cuộc đua sáp nhập

Các công ty ASEAN cũng đang cạnh tranh quyết liệt với khối ngoại trong các hoạt động mua bán, sáp nhập doanh nghiệp (M&A), giành lại cơ sở và dịch vụ tại khu vực của các đối thủ ngoài khối.

Bước đi này không những cho phép họ tiếp cận khách hàng chuỗi cung ứng địa phương, mà còn tạo cơ hội thử thách năng lực của mình khi mở rộng hoạt động ra bình diện khu vực.

Chẳng hạn, nhà bán lẻ Central Group của Thái Lan thu mua chuỗi siêu thị Big C ở Việt Nam từ tay Tập đoàn Casino Group của Pháp với hơn 70 cửa hàng tiện lợi và địa điểm bán lẻ.

Siam City Cement của Thái Lan cũng sẽ kiểm soát 5 nhà máy của Tập đoàn vật liệu xây dựng LafargeHolcim (Thụy Sĩ - Pháp) đặt tại Việt Nam.

Nikkei Asian Review đánh giá, xu hướng đầu tư nội khối sẽ hỗ trợ tốt tăng trưởng kinh tế bền vững, phù hợp các mục tiêu của cộng đồng kinh tế chung.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề cần được các thành viên thảo luận kỹ lưỡng trong bối cảnh Cộng đồng Kinh tế (ASEAN) mới được hình thành, trong đó có các thách thức liên quan tới các hàng rào phi thuế quan, cũng như việc phát triển các quy chế chung nội khối./.

Theo Trần Ngọc (VOV.VN)

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh