"Riết rồi đi chợ không biết mua gì, loại thực phẩm nào cũng có thông tin chứa hóa chất từ tôm, cá, thịt, đến rau, củ, quả. Đó chính là lý do khiến tụi tui ngày càng trở nên e dè với thực phẩm ở các chợ. Nhưng nếu không mua thì biết ăn gì?"- nhiều người tiêu dùng bày tỏ.
“Riết rồi đi chợ không biết mua gì, loại thực phẩm nào cũng có thông tin chứa hóa chất từ tôm, cá, thịt, đến rau, củ, quả. Đó chính là lý do khiến tụi tui ngày càng trở nên e dè với thực phẩm ở các chợ. Nhưng nếu không mua thì biết ăn gì?”- nhiều người tiêu dùng bày tỏ.
Câu hỏi đặt ra là, làm sao để phân biệt đâu là thực phẩm sạch và đâu là thực phẩm bẩn?
Người tiêu dùng hoang mang trước rừng thông tin thực phẩm bẩn. Ảnh minh họa |
Thực phẩm “ngậm” hóa chất- nỗi lo hàng ngày
Hàng loạt vụ thực phẩm bẩn liên tiếp bị phanh phui khiến người tiêu dùng càng trở nên hoang mang, lo lắng cho sức khỏe của bản thân và gia đình, nào là tôm bơm rau câu, thịt heo bơm nước, thịt gà chứa chất vàng ô, rau củ “ngậm” hóa chất rồi thịt thối, hết “đát” tràn về chợ, quán ăn...
Cũng chỉ vì lợi nhuận trước mắt, không ít gian thương đã sử dụng chất salbutamol tạo nạc cho heo, cho gà ăn chất vàng ô; rau xanh tồn dư thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép, trái cây bị nhúng hóa chất ép chín... đầu độc người tiêu dùng.
Thời gian gần đây, lực lượng chức năng đã phát hiện và xử lý nhiều vụ buôn bán, vận chuyển kinh doanh thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm.
Điển hình là các vụ chế biến, vận chuyển, kinh doanh thực phẩm bẩn, chủ yếu là thịt gia súc, gia cầm bị bệnh, hàng đông lạnh đã hết hạn sử dụng, thâm đen, bốc mùi hôi thối...
Chị Nguyễn Thị Tuyết Mai (xã Bình Phước- Mang Thít) lo lắng: “Thực phẩm để tiêu dùng hàng ngày như heo, gà, cá thì vẫn phải mua ở chợ, mà các chất có trong thực phẩm làm sao có thể tự kiểm tra được.
Tôi nghe nhiều thông tin thịt heo bơm nước rồi chứa salbutamol, chả cá ướp hàn the, rồi tới trái cây ép chín bằng hóa chất, lo lắm mà vẫn phải bấm bụng mua”.
Trong khi đó, nhiều người tiêu dùng cũng bày tỏ: Chỉ đến lúc nhiều vụ vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm bị phơi bày, người tiêu dùng mới té ngửa, không biết mình có sử dụng thực phẩm bẩn không và đã sử dụng trong bao lâu.
Khuyên người tiêu dùng phải thông minh, phải thông thái, tìm địa chỉ tin cậy, hợp vệ sinh để mua nhưng biết tìm đâu, ai chứng nhận và chứng nhận có đáng tin cậy không?
Ông Phạm Tứ Phương- Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Công thương nhận định: Hiện nay, vấn đề vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm đang rất được quan tâm.
Trong đó, tình trạng bơm nước vào gia súc trước khi giết mổ, sử dụng chất cấm phụ gia ngoài danh mục, vượt quá giới hạn cho phép trong thực phẩm vẫn còn tái diễn và diễn biến phức tạp. Dù đã bị kiểm tra, xử lý nhiều lần nhưng vì lợi nhuận mà các đối tượng vẫn lén lút hoạt động, gây mất an toàn thực phẩm.
Loay hoay tìm cách phân biệt
Trong cuộc chiến chống thực phẩm bẩn này, người dân vẫn phải loay hoay tự bảo vệ mình bằng kinh nghiệm và thói quen mua sắm.
Song, không phải thực phẩm bẩn nào cũng có thể dùng mắt thường để nhận biết, mà chỉ dựa vào độ tin cậy giữa người bán- người mua. Chỉ khi thật sự thấy những thông tin, hình ảnh sản xuất chế biến thực phẩm bẩn ngay trên địa bàn tỉnh nhà thì người tiêu dùng mới “hết hồn”.
Chị Lê Thu Thảo (thị trấn Long Hồ) cho biết: “Như vụ mắm có giòi, thấy có hình ảnh cụ thể tôi thật sự sốc. Nhiều người nói mắm có giòi mới ngon nhưng thực chất giòi chỉ sinh sản ở nơi mất vệ sinh, điều kiện môi trường ẩm thấp.
Giờ tôi không dám đụng tới món mắm vì không biết mua ở đâu cho an toàn. Những món đơn giản như dưa mắm, dưa cải, dưa chua... tôi tự làm ở nhà; còn cá, tôm, gà thì mua con còn sống cho chắc ăn. Đồng thời, tôi cũng tìm hiểu trên mạng cách phân biệt thực phẩm bẩn, sạch nhưng cũng “hên xui” lắm”.
Chống thực phẩm bẩn là cuộc chiến đòi hỏi cả xã hội cùng chung tay. Do đó, “Đừng ham rẻ để rồi tiếp tay cho hàng kém chất lượng, hàng bẩn. Nếu biết những nơi làm ăn gian dối, sản xuất, chế biến thực phẩm bẩn thì hãy mạnh dạn tố cáo và thông báo cho người khác biết để cùng tránh.
Các cơ quan chức năng dù có tăng cường lực lượng hay thời gian làm việc cũng không thể giám sát, kiểm tra xuể nếu thiếu “tai mắt” của người dân phát hiện, tố giác”- ông Lê Thanh Tùng- Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y nói.
Nhưng trong khi chờ các cơ quan chức năng “cứu”, có lẽ người tiêu dùng cũng cần phải tự trang bị kiến thức để bảo vệ mình trước ma trận thực
phẩm bẩn.
Cách nhận biết một số thực phẩm Thịt heo: Thịt tươi ngon sẽ có độ săn chắc nhất định, sờ vào thớ thịt cảm giác đàn hồi, màng ngoài khô và dính. Dùng ngón tay ấn lên miếng thịt, nếu thấy bề mặt tạo thành vết lõm và nhanh chóng phục hồi khi nhấc tay ra là thịt tươi ngon, còn ngược lại là thịt kém chất lượng.Thịt bị bơm nước thường có màu nhạt hơn, miếng thịt nhão, chế biến không thơm ngon bằng thịt tươi. Chả giò, chả lụa: Thường khi cắt ra sẽ có các lỗ li ti trên bề mặt. Nếu bề mặt của các loại giò này mịn và không có lỗ thì khả năng cao là thành phần của giò có thêm bột hay các loại tạp chất khác, nhiều khả năng là giò lụa có chứa hàn the. Khi ăn thực phẩm có chứa hàn the sẽ có độ dai giòn bất thường cũng như mùi vị đặc trưng của thực phẩm sẽ không còn được như bình thường. Tôm: Khi chọn tôm, nếu thấy con tôm cứng, phồng căng, thẳng đơ thì đó là tôm đã được bơm tạp chất. Mình tôm bơm tạp chất thường mập, căng bất thường, mập đến nỗi các đốt trên thân tôm gần như bị giãn ra, nhất là đốt nối giữa đầu và thân, còn đuôi xòe ra. Tôm bơm khi nấu chảy nhiều nước, thịt tôm bị teo lại. Khi ăn thịt bở, vị nhạt hơn so với bình thường. Bún: Bún được làm từ gạo nguyên chất, có sợi màu trắng đục hoặc tối màu. Bún chứa hàn the hay hóa chất bảo quản sẽ có màu trắng trong, sáng và sợi bún có độ bóng mẩy, dai giòn hơn, khó đứt gãy. Bún không chứa hàn the, sợi bún hơi nát, dễ đứt gãy và chạm vào có cảm giác hơi dính, nhuyễn. |
Bài, ảnh: THẢO NGUYÊN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin