Gian nan trái cây đồng bằng

10:08, 23/08/2016

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có khoảng 307 ngàn ha cây ăn trái, trong đó có trên 120 ngàn ha trồng các loại cây đặc sản như: Sầu riêng, xoài cát Hòa Lộc, vú sữa Lò Rèn, bưởi Năm Roi, bưởi da xanh, cam sành, chôm chôm… cho sản lượng hàng năm khoảng 3,5 triệu tấn trái.

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có khoảng 307 ngàn ha cây ăn trái, trong đó có trên 120 ngàn ha trồng các loại cây đặc sản như: Sầu riêng, xoài cát Hòa Lộc, vú sữa Lò Rèn, bưởi Năm Roi, bưởi da xanh, cam sành, chôm chôm… cho sản lượng hàng năm khoảng 3,5 triệu tấn trái.

Tuy nhiên, các loại trái cây này chưa đáp ứng được các yêu cầu, tiêu chuẩn, số lượng nên chưa thể cạnh tranh về giá so với trái cây nhập khẩu. Làm thế nào để trái cây đồng bằng vươn ra biển lớn là vấn đề trăn trở của ngành chức năng và chính quyền địa phương các tỉnh, thành trong khu vực.

Một thời, ngành chức năng tập trung xây dựng mô hình GAP cho rất nhiều loại cây ăn trái. Sau thời gian đó, “phong trào” này đã lắng dịu và bắt đầu “hết thời” do hết kinh phí tái chứng nhận, đầu ra không có, giá bán giữa GAP và không GAP đều như nhau, doanh nghiệp (DN) và nông dân không tìm được tiếng nói chung...

Bưởi Năm Roi ở Mỹ Hòa (TX. Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long) đạt GlobalGAP nhưng vẫn bán như giá ngoài mô hình.
Bưởi Năm Roi ở Mỹ Hòa (TX. Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long) đạt GlobalGAP nhưng vẫn bán như giá ngoài mô hình.

Một thời “phong trào” GAP

Việc canh tác theo tiêu chuẩn “GAP” là xu thế tất yếu của nông nghiệp Việt Nam. Chỉ có như thế, nông sản Việt Nam mới có thể tiến xa ra thị trường thế giới, tăng thêm giá trị và lợi nhuận cho nông dân, DN. Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay, trên địa bàn tỉnh Tiền Giang có nhiều loại nông sản đạt tiêu chuẩn “GAP”.

Trong đó, vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim (huyện Châu Thành) đạt tiêu chuẩn GlobalGAP vào tháng 6-2008 nhưng đã hết thời gian tái chứng nhận lại. Hàng loạt nông sản được chứng nhận VietGAP như:

Khóm Queen của HTX Tân Lập (xã Tân Lập 2, huyện Tân Phước) được chứng nhận vào ngày 28-8-2009, với 22 ha cho 30 hộ; chôm chôm Java của THT chôm chôm Tân Phong (xã Tân Phong, huyện Cai Lậy) được chứng nhận VietGAP ngày 6-7-2011 cho 16,6 ha của 34 hộ nông dân;

Nhãn tiêu da bò của THT Nhị Quí (xã Nhị Quí, huyện Cai Lậy) được chứng nhận VietGAP vào ngày 5-9-2011 cho 15,3 ha của 27 hộ; thanh long của THT thanh long Chợ Gạo (xã Quơn Long, huyện Chợ Gạo) được chứng nhận VietGAP vào ngày 12-1-2011 cho 19,74 ha của 21 hộ;

Sơ ri của HTX sơ ri Gò Công (xã Long Thuận, TX. Gò Công) được chứng nhận VietGAP vào ngày 11-11-2011 cho 8,8 ha của 26 hộ nông dân tham gia; mô hình cam sành (xã Mỹ Lợi A, huyện Cái Bè) được chứng nhận VietGAP vào ngày 14-3-2012 cho 5,8 ha của 7 hộ… Tuy nhiên, nhiều nông sản này sau đó cũng không có kinh phí để tái chứng nhận trở lại.

Theo ông Trịnh Công Minh, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Tiền Giang, các nhà vườn chú trọng sản xuất theo tiêu chuẩn GAP, an toàn thực phẩm, đáp ứng theo nhu cầu thị trường.

Trên địa bàn tỉnh có 610 ha cây ăn trái đã áp dụng và duy trì việc chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP cho các sản phẩm.

Còn tại tỉnh Vĩnh Long, “phong trào” xây dựng GAP cho nông sản cũng khá rầm rộ. Ngành Nông nghiệp tỉnh này đã triển khai hỗ trợ nông dân xây dựng nhiều mô hình cây ăn trái theo quy trình GAP như:

Mô hình kiểu mẫu đạt tiêu chuẩn VietGAP cho 38 ha xoài Xiêm Núm ở xã Trung Chánh, 30 ha xoài cát Chu ở xã Quới Thiện (huyện Vũng Liêm), 10 ha nhãn tiêu da bò (huyện Long Hồ), 5 ha cam sành (huyện Tam Bình), 5,7 ha xoài Tứ Quý (huyện Tam Bình).

Ngoài ra, ngành chức năng tỉnh Vĩnh Long còn xây dựng vùng nguyên liệu sản xuất theo quy trình GlobalGAP cho 39 ha bưởi Năm Roi, 41 ha chôm chôm Java. Tuy vậy, theo tìm hiểu của chúng tôi, các mô hình được chứng nhận VietGAP hay GlobalGAP cũng đang “sống dở, chết dở” vì không có kinh phí tái chứng nhận, nông dân bắt đầu quay lưng với GAP.

Theo báo cáo của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, sản xuất cây ăn trái theo quy trình thực hành nông nghiệp tốt (GAP) được đặc biệt quan tâm, nhằm đáp ứng yêu cầu xuất khẩu; nhiều mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP đã được thực hiện và chứng nhận trên chôm chôm, bưởi da xanh ở Bến Tre, bưởi Năm Roi ở Vĩnh Long; vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim, xoài cát Hòa Lộc, khóm ở tỉnh Tiền Giang…

Thương lái thu mua thanh long tại huyện Chợ Gạo.
Thương lái thu mua thanh long tại huyện Chợ Gạo.

Khó khăn sẽ còn dài dài?

Vấn đề liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ hiện nay còn rất lỏng lẻo, kém bền vững. Sản xuất manh mún, nhà vườn vẫn còn chạy theo phong trào, không theo quy hoạch, dẫn đến tình trạng “trồng rồi chặt” liên tục xảy ra.

Ông Huỳnh Văn Hừng,  ấp Quang Khương, xã Quơn Long, huyện Chợ Gạo canh tác 1 ha thanh long theo quy trình VietGAP cho biết:

“Nông dân vùng chuyên canh chúng tôi thường “tự sản, tự tiêu” là chính, nhất là khi đến đợt thu hoạch rộ phải chạy tìm thương lái, thậm chí đem sản phẩm bán lẻ tại các chợ. Mong muốn nhất của nhà vườn là làm sao giải quyết được đầu ra cho trái thanh long bền vững. Hiện việc tiêu thụ chủ yếu lệ thuộc vào thương lái nên giá cả bấp bênh, không ổn định…”.

Tổ hợp tác (THT) sầu riêng ấp Bình Hòa B (xã Tam Bình, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) có 35 hộ trồng 21,21 ha sầu riêng đạt tiêu chuẩn GlobalGAP cũng gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm đầu ra.

Ông Nguyễn Văn Của, đại diện THT cho biết, từ khi được chứng nhận GlobalGAP, sản phẩm làm ra vẫn chỉ bán cho thương lái theo giá sầu riêng bình thường trên thị trường như khi chưa được chứng nhận.

Trên thực tế chưa hề có sự khác biệt về giá bán giữa các loại sầu riêng đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP với sầu riêng sản xuất bình thường. Đây là điều bức xúc lớn nhất của các nông hộ thực hiện quy trình sản xuất VietGAP, GlobalGAP trên các loại cây ăn trái.  

Còn người trồng bưởi Năm Roi (xã Mỹ Hòa, TX. Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long) đạt tiêu chuẩn GlobalGAP cũng than vãn về quy trình canh tác quá khó mà đầu ra thì lại bấp bênh. Ông Nguyễn Văn Nhị, ấp Mỹ Hưng 2 cho biết:

“Trước đây khi bưởi Năm Roi còn xuất khẩu mạnh thì giá cả cũng tăng đáng kể, nông dân phấn khởi cải tạo, chăm sóc vườn cây trái xum xuê. Nhưng mấy năm gần đây, chứng nhận GlobalGAP hết hạn mà HTX bưởi Năm Roi Mỹ Hòa vẫn chưa có kinh phí để tái chứng nhận nên bưởi đặc sản bị bán cào bằng với giá bưởi thường”.

Theo Sở NN&PTNT Vĩnh Long, HTX bưởi Năm Roi Mỹ Hòa có 20 ha bưởi đạt chuẩn Global GAP, lúc đầu xuất khẩu rất tốt nhờ doanh nghiệp tư nhân Hoàng Gia đăng ký thương hiệu bưởi Năm Roi Hoàng Gia.

Nhưng chỉ được một thời gian, DN này làm ăn thua lỗ, xuất hàng đi nhưng không thu được nợ nên ngưng hoạt động. Từ đó, bưởi Năm Roi chỉ loay hoay bán ở thị trường trong nước, vào các siêu thị, hay xuất ký gửi với số lượng nhỏ lẻ. Còn chứng nhận Global GAP cũng đã hết thời gian.

Cũng theo ông Trịnh Công Minh, trong sản xuất trái cây, đa số nhà vườn sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, chưa theo chuỗi giá trị.

Diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn GAP chưa nhiều, do chi phí chứng nhận cao và phải tái chứng nhận sau 2 năm; giá bán giữa 2 sản phẩm an toàn và không an toàn chưa chênh lệch về giá nhiều, gây khó khăn cho người dân khi tham gia thực hiện sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn.

Do thiếu thông tin về thị trường nên người sản xuất rất lúng túng trong việc quyết định đầu tư. Sản xuất chưa theo yêu cầu thị trường và công tác dự báo thị trường còn nhiều yếu kém trên thực tế chưa trở thành công cụ hướng dẫn sản xuất.

Canh tác nông nghiệp theo quy trình GAP là hướng đi cho nền sản xuất nông nghiệp bền vững. Thế nhưng, theo các chuyên gia trong ngành Nông nghiệp, nếu chỉ dừng ở cách làm hiện tại là “hô hào” nông dân làm GAP, những diện tích cây trồng đạt GAP chỉ mới dừng lại ở dạng mô hình… thì nông dân sẽ tiếp tục chán GAP như thực tế ở một số nơi.

Theo Báo Ấp Bắc Online

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh