Trước sức ép cạnh tranh của hàng may sẵn, khoảng chục năm trở lại đây, rất nhiều thợ may thủ công bỏ nghề. Hiện không chỉ ở đô thị mà cả nông thôn, các tiệm may đã thưa dần. Tuy vậy, trong số những nhà may lớn nhỏ còn tồn tại đến ngày nay, các thợ may lâu năm cho biết họ vẫn "sống khỏe".
Các nhà may vẫn sống khỏe nhờ khéo tay, kéo được một số lượng khách hàng ổn định. |
Các nhà may vẫn sống khỏe nhờ khéo tay, kéo được một số lượng khách hàng ổn định. |
Đã biến đổi nhiều
Ghé một tiệm may ở Long Hồ để may đồ chuẩn bị đi đám cưới, bà Nguyễn Thị Bền (xã Bình Phước- Mang Thít) dặn kỹ: “May cho tui y chang như bộ đồ trước nhe.
May vậy tui mặc vừa vặn lắm”. Bà Bền xởi lởi: “Tui lớn tuổi rồi, khổ người hơi to. Mua đồ may sẵn mặc coi không được nên toàn đi tiệm may, dù giá cả tính ra có cao hơn đồ may sẵn”.
Chủ tiệm may cho biết: Đó là khách quen của tiệm nhiều năm nay, mỗi khi may thì dặn dò rất kỹ. Cùng là khách quen như bà, nhiều người rất khó tính, phải may đúng ý, đúng khổ- rộng hay ôm hơn một chút cũng không chịu.
Dì Phạm Thị Ba (xã Thạnh Quới- Long Hồ) cho biết: Trước đây, người lớn tuổi ở vườn hầu hết đều biết may để tự may đồ cho cả nhà. Nhà nào có con gái nếu không học đến nơi đến chốn được thì cho học may hoặc học nghề uốn tóc, làm móng tay.
Cho nên, thời điểm đó, nghề may được xem là một trong những nghề “hot”. Cứ cách vài nhà là có một có thợ may. Tuy nhiên, càng về sau càng vắng bóng. Giờ thợ may ở vườn chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Chị Nguyễn Thị Kim Oanh- chủ Nhà may Vinh (thị trấn Long Hồ)- chuyên may complet thì cho biết: “Tui mở tiệm may 20 năm rồi, lúc đầu rất đắt hàng vì ngay thời điểm đồ vest giả đang được chuộng”.
Chị cũng cho biết thêm, từ 10 năm trở về trước, người học may rất đông, có lúc đến 10 học trò. 3 năm trở lại đây thì không ai học may, lúc cần thợ may gấp giao quần áo cho khách cũng tìm không ra.
Anh Lê Kim Toàn- chủ Nhà may Đông Dương (Phường 2- TP Vĩnh Long) cho biết: Năm nay, lượng khách may đồ giảm so với năm rồi, có lẽ do kinh tế khó khăn hơn.
Còn chị Đặng Thị Hồng (xã Thạnh Quới- Long Hồ) cho biết, cách đây khoảng 10 năm, chị vừa bán vải, vừa may đồ cho khách.
Thời điểm đó làm ăn khá thuận lợi vì hầu hết người dân ở quê đều mua vải may quần áo mặc. Tuy nhiên, hiện chị Hồng đã bỏ nghề, chuyển qua đan lục bình. Chị cho biết, có nhiều nguyên nhân nhưng trong đó chủ yếu là người dân chuyển qua mặc đồ may sẵn…
Khéo tay, sống khỏe
Theo ghi nhận của chúng tôi, trước lượng trang phục may công nghiệp khổng lồ được bày bán khắp nơi, nhiều người chọn mua đồ may sẵn vì “vừa tiện, vừa hợp túi tiền”.
Tuy nhiên, một bộ phận người dân có thói quen mua vải may đồ. Các chủ tiệm may cho biết, số lượng khách hàng đã giảm đi rất nhiều so với trước đây. Tuy vắng khách ở khúc thị trường lớn là giới trẻ, nhưng vẫn còn nhiều người trung niên, dân công sở vẫn là khách hàng thường xuyên.
Đặc biệt, không thể thiếu bộ phận nhỏ là người khó tính hoặc khổ người khó chọn quần áo (eo quá nhỏ, bụng quá to...).
Dù có những thăng trầm nhưng hầu như các chủ tiệm đều cho biết, lượng khách đến may đồ hiện giờ chỉ còn một nửa so với trước kia nhưng chỉ cần vài chục khách quen thì cũng ổn định, bởi số lượng khách hàng giảm dần nhưng số lượng hàng may lại tăng lên.
“Trước khoảng 2-3 bộ/năm còn bây giờ có người may chục bộ/năm là chuyện bình thường”- chủ Nhà may Vinh cho biết.
Trước sức ép của hàng may sẵn, anh Kim Toàn nói: Còn người bán vải là còn thợ may. Bây giờ mua đồ may sẵn nhiều lắm, nhưng mà đồ may vẫn còn nhu cầu, vì nhiều người chỉ thích mặc đồ may.
Và thẩm mỹ của khách hàng đã tăng lên. Do vậy, ngoài phát triển tay nghề thì người thợ phải luôn cập nhật các kiểu dáng mới lạ, đẹp mắt.
Đồng quan điểm, anh Lê Thành Danh- chủ Nhà may Thành chuyên may áo dài (thị trấn Long Hồ) còn cho biết, người thợ cần luôn cập nhật các kiểu dáng mới, nâng cao tay nghề để theo kịp những đòi hỏi của khách hàng và những cách tân của áo dài trong thời mới.
Anh chia sẻ, muốn theo nghề may trước hết phải yêu nghề vì đây là nghề khá vất vả, đòi hỏi sự dẻo dai, khéo léo, tỉ mỉ. Đặc biệt, theo anh Danh, vì cần phải thật vừa vặn thì mới tôn lên vẻ đẹp người phụ nữ Việt Nam, nên áo dài là mặt hàng không chịu sức ép của hàng may sẵn.
Do đó, đây là hướng đi của nhiều tiệm hiện nay. Anh Danh cho biết thêm: Hiện nhà may có lượng khách khá đông và khá đều đặn trong năm, nhiều nhất là vào dịp 20/11 và khai giảng năm học. Nhờ vậy, cho thu nhập khá.
Bài, ảnh: TẤN ANH- TUYẾT HIỀN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin