
Trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế- xã hội 6 tháng đầu năm và phương hướng 6 tháng cuối năm, vấn đề đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp để ứng phó với tình hình biến đổi khí hậu được nhiều đại biểu (ĐB) quan tâm.
Trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế- xã hội 6 tháng đầu năm và phương hướng 6 tháng cuối năm, vấn đề đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp để ứng phó với tình hình biến đổi khí hậu được nhiều đại biểu (ĐB) quan tâm.
Theo báo cáo của Chính phủ, kết quả thực hiện 6 tháng đầu năm 2016 đã bộc lộ thách thức trong điều hành vĩ mô và nhiều diễn biến phức tạp. Tình hình rét hại, hạn hán, xâm nhập mặn đã tác động đến tăng trưởng GDP, theo đó GDP chỉ đạt 5,52%, thấp hơn so với cùng kỳ, trong khi Nghị quyết Quốc hội đề ra là 6,7%.
![]() |
Nhiều đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ cần quan tâm đầu tư thích đáng cho ngành nông nghiệp. |
Các lĩnh vực trọng yếu của nền kinh tế đều giảm sút, đặc biệt lĩnh vực là bệ đỡ của nền kinh tế là nông, lâm, thủy sản đã rơi vào tình hình vô cùng khó khăn. Từ đó, kết quả thực hiện khu vực này tăng trưởng âm (-0,18%), một số tỉnh ĐBSCL- nơi giữ trọng trách đảm bảo an ninh lương thực cho cả nước cũng đạt âm.
Đối với ĐBSCL, theo kịch bản ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thì đây là vùng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, thực tế điều này đã xảy ra. Đã có tới 11/13 tỉnh, thành bị ảnh hưởng, 9/13 tỉnh công bố thiên tai, khoảng 52.000 ha đất trồng lúa bị mất trắng, nhiều diện tích hoa màu, cây ăn trái bị chết khô do hạn hán và xâm nhập mặn.
Nhiều kilomet bờ biển, bờ sông bị sạt lở, nhiều cánh đồng nuôi tôm không hiệu quả do hạn mặn, đời sống nông dân đã khó nay càng chồng chất thêm khó khăn. Theo dự báo, thời gian tới tác động của biến đổi khí hậu sẽ nặng nề hơn, cử tri rất bất an trước thực trạng đê bao, cống ngăn mặn để ứng phó với biến đổi khí hậu ở ĐBSCL vì còn quá thiếu thốn.
ĐB Nguyễn Thị Kim Bé (đơn vị tỉnh Kiên Giang) cho rằng, trước thực trạng này, sự đầu tư đê bao ngăn mặn cho ĐBSCL, đặc biệt cho vùng biển Tây, là một nhiệm vụ cấp bách để ĐBSCL sớm quay lại với hình ảnh mượt mà của cánh đồng lúa và tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ quan trọng, đó là đảm bảo an ninh lương thực của quốc gia.
|
Nông nghiệp, nông thôn vẫn là nơi gắn bó với đời sống của hàng chục triệu hộ nông dân và sự ổn định của đất nước nhưng kinh tế nông nghiệp lại đang tụt hậu so với các ngành kinh tế khác.
Nhiều ĐB đề nghị Quốc hội cần tạo cơ sở pháp lý để thúc đẩy tái cơ cấu nông nghiệp đi vào thực chất hơn, cần tăng đầu tư cho hạ tầng nông nghiệp.
Ngoài ra, cần có phương án ứng phó hiệu quả với những tác động bất lợi của thời tiết, thiên tai và biến đổi khí hậu tới nông nghiệp.
Có chính sách thúc đẩy các mô hình tổ chức sản xuất nông nghiệp liên kết theo chuỗi giá trị, đảm bảo nâng cao chất lượng giá trị nông sản và đời sống của nông dân.
Có chính sách bảo vệ sản xuất nông nghiệp trong nước, bảo vệ lợi ích của nông dân trong các quan hệ kinh tế quốc tế phù hợp với các cam kết quốc tế và thông lệ. |
ĐB cũng kiến nghị Chính phủ sớm chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương quy hoạch lại ĐBSCL để hướng dẫn cho nhân dân trồng cây gì, nuôi con gì cho phù hợp trong điều kiện từng vùng, tránh cảnh bà con mình “tự xử” trong tranh chấp của việc tìm kế sinh nhai theo kiểu tự phát nuôi con tôm và trồng cây lúa như vừa qua.
Đồng tình với quan điểm trên, ĐB Mai Thị Ánh Tuyết (đơn vị tỉnh An Giang) đề nghị Chính phủ sớm có giải pháp giải quyết có hiệu quả mang tính trước mắt và lâu dài đối với khu vực nông nghiệp.
Trước mắt, ngoài hỗ trợ thiệt hại và ổn định sinh hoạt đời sống người dân, cần phải nghiên cứu giống, kỹ thuật sản xuất để chuyển đổi nhanh giống cây trồng ít sử dụng nước gắn với vấn đề triển khai chuỗi liên kết sản xuất, liên kết với doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm.
Về lâu dài, Nhà nước cần huy động thực hiện ngăn mặn, trữ nguồn nước ngọt, đặc biệt cần quan tâm kiện toàn hệ thống thủy lợi.
Đồng thời, cần quan tâm rà soát lại quy hoạch sản xuất, phân định rõ vùng sản xuất, quản lý quy hoạch, định hướng sản xuất gắn với thị trường và tránh tình trạng sản xuất trên 1 vùng nhưng ảnh hưởng xấu lẫn nhau.
Bên cạnh nguyên nhân khách quan như yếu tố thời tiết cũng còn nhiều nguyên nhân chủ quan tồn tại đã lâu nhưng chưa được xem xét giải quyết một cách căn cơ. Đó là như việc đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp chưa tương xứng với tăng trưởng của GDP.
Chúng ta còn khan hiếm những cây, con giống có chất lượng, đáp ứng tốt nhu cầu của thị trường, giá vật tư, phân bón, chi phí đầu vào còn cao, vẫn còn hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng tồn tại trên thị trường gây thiệt hại cho nông dân.
Theo ĐB Trần Thị Hoa Ry (đơn vị tỉnh Bạc Liêu), Quốc hội cần có sự giám sát chặt chẽ hơn về việc thực hiện chủ trương tái cơ cấu nền kinh tế, trong đó có lĩnh vực tái cơ cấu về lĩnh vực nông nghiệp.
Cần tổ chức giám sát chuyên đề về lĩnh vực này, nắm được bức tranh tổng thể của nền nông nghiệp nước ta để có những giải pháp thiết thực, có khuôn khổ pháp lý chuẩn mực, phù hợp với thời kỳ bước vào hội nhập và góp phần tháo gỡ những khó khăn, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nông dân.
ĐB Nguyễn Thanh Phương (đơn vị TP Cần Thơ) đề nghị cần đầu tư nhiều hơn cho công tác dự báo và nghiên cứu khoa học phục vụ ứng phó với biến đổi khí hậu.
Mặc dù vấn đề này nhiều nhà khoa học đã làm trong thời gian qua, tuy nhiên vì thiếu về nguồn lực, tài chính nên chưa đáp ứng được so với yêu cầu từ thực tiễn. Đề nghị Chính phủ cũng như Bộ cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa để đưa ra các giải pháp phù hợp, làm sao cho nền nông nghiệp Việt Nam có thể thích ứng được, chịu được tác động của biến đổi khí hậu và phát triển bền vững trong tương lai.
|
Ông Nguyễn Xuân Cường- Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT: Về tổng thể nền nông nghiệp Việt Nam vẫn dựa trên nền tảng quy mô hộ nhỏ, lẻ với 12 triệu hộ nông dân, bình quân một hộ là 0,3ha.
Chính điều này đã dẫn đến năng suất lao động, năng suất kinh tế rất thấp, thu nhập của nông dân không chỉ thấp hơn các nước xung quanh mà ngay cả trong các khu vực của nền kinh tế chúng ta.
Ngoài ra, biến đổi khí hậu diễn ra gây gắt, khốc liệt và nhanh hơn dự báo kịch bản năm 2012 chúng ta đã ban hành. Khô hạn, nước biển dâng, xâm nhập mặn đã diễn ra khốc liệt suốt từ đầu năm đến nay trên các hầu hết các vùng của lãnh thổ Việt Nam, đặc biệt là vùng ĐBSCL, Tây Nguyên và Nam Trung Bộ.
Song song đó, hội nhập kinh tế sâu rộng đồng nghĩa với thị trường mở cửa cả 2 chiều, với chiều xuất yêu cầu chất lượng hàng hóa tiêu chuẩn cao hơn, giá thành cạnh tranh và liên tục phải đổi mới.
Ở chiều ngược lại, áp lực cạnh tranh với hàng ngoại tràn vào trong khi tính cạnh tranh của chúng ta về nguồn tài nguyên, về khoa học, về trình độ công nghiệp hóa đem lại bất lợi. Đây là 3 vấn đề thách thức rất lớn, có ý nghĩa sống còn, đòi hỏi chúng ta phải tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng hàng hóa chuỗi giá trị bền vững.
Nhiều ĐB cũng quan tâm đến việc tổ chức sản xuất. Chúng ta có 12 triệu hộ nông dân, trong khi hình thức sản xuất tập trung rất ít, chỉ có 29.600 trang trại. Có 3.000 doanh nghiệp đầu tư nông nghiệp.
Chúng ta chỉ có 1.000 hợp tác xã kiểu mới trong tổng số 9.000 hợp tác xã tồn tại trước đây mà không có doanh nghiệp trụ cột trong chuỗi liên kết với nông dân qua tổ chức hợp tác xã thì rất khó để hình thành vùng sản xuất lớn, tập trung.
Đây là thông điệp mà Thủ tướng Chính phủ đưa ra, phải phấn đấu đến năm 2020 chúng ta có 1 triệu doanh nghiệp. Chúng tôi sẽ cùng với VCCI, các địa phương bàn giải pháp để làm sao tham mưu sớm hoàn thiện các chính sách, kêu gọi được nhiều doanh nghiệp và hình thành nhiều hợp tác xã trong khu vực nông nghiệp. |
Bài, ảnh: THANH TÂM
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin