Mục tiêu việc phục tráng giống khoa lang tím Nhật là nhằm thay đổi tập quán sản xuất giống khoai lang của nông dân, giúp họ nâng cao nhận thức trong công tác chọn giống.
Mục tiêu việc phục tráng giống khoa lang tím Nhật là nhằm thay đổi tập quán sản xuất giống khoai lang của nông dân, giúp họ nâng cao nhận thức trong công tác chọn giống.
Nông dân Đặng Hoàng Minh và cộng tác viên nông nghiệp Nguyễn Phúc Duy bên đồng khoai lang tím Nhật đã trồng hơn 1 tháng ở ấp Tân Trung (Tân Bình). |
Khôi phục và làm đồng nhất hình thái, chất lượng của giống khoai lang tím Nhật, đồng thời khắc phục tình trạng củ khoai không còn nguyên phẩm chất như ban đầu, do thói quen chỉ nhân giống bằng dây khoai của người dân.
Bà Võ Ngọc Thơ- Phó Phòng Nông nghiệp- PTNT Bình Tân thông tin với chúng tôi mục tiêu kế hoạch này khi đã triển khai hơn 2 năm qua tại huyện, và bước đầu đã đem lại những hiệu quả tích cực.
Có giống gốc: năng suất cao, tận thu sâu
Anh Đặng Hoàng Minh (ấp Tân Qui, xã Tân Bình) đang xuống giống 7 công khoai lang tím Nhật bằng dây giống cắt từ củ khoai do chính anh nhân giống. Anh Minh có 4 mùa khoai thu hoạch trong gần 3 năm nay, với việc trồng dây giống như thế này.
“Giống coi như nguyên chủng từ chính củ khoai mình dăm rồi cắt ra, phải ngon hơn dây giống cắt từ những ruộng khoai sẵn có để trồng”- anh Minh cho biết.
Kể quy trình phục tráng giống khoai tím Nhật, anh Minh nói từ những củ khoai tím Nhật ban đầu, trồng trên 1 công đất (1.000m2), dây khoai từ đó cắt ra dăm được 2 công.
Từ 2 công khoai đó, cắt dây trồng được 6 công khoai. Sẽ có 15 công khoai nếu tuyển chọn dây từ 6 công khoai trước đó để trồng.
“Cắt từ đợt 2, đợt 3 của ruộng khoai lấy dây, rồi trồng lấy củ, sẽ cho ra củ khoai chất lượng, đẹp hơn và đặc biệt ít bị chết dây (hơn 80%) so với trồng từ dây khoai giống cắt từ ruộng khoai bình thường”- anh Minh khẳng định.
Theo các nông dân, nhân giống bằng củ khoai thật ra đã... cũ! Nhưng người ta có khi nệ công, mắc công phải tốn thời gian, tốn sức để làm giống bằng củ khoai.
Nên nhiều người khi chuẩn bị cho vụ khoai mới, thì trước đó đã cắt dây từ ruộng khoai đang trồng bình thường, để dành sau đó xuống giống.
Nhưng qua các vụ, nhất là dây khoai giống cắt từ đợt thứ 2- 3 của việc nhân giống từ củ khoai, trồng trúng mùa, ngay lúc được giá, thì bà con nông dân thấy… ngon lành.
Theo bà Võ Ngọc Thơ, kế hoạch dự án ban đầu triển khai ở 5 xã: Thành Đông, Thành Lợi, Tân Bình, Tân Lược, Tân An Thạnh.
Tuy nhiên, hơn 2 năm qua, Tân Bình “chịu” cách làm giống này, vừa có nguồn dây nguyên chủng trồng tại địa bàn, vừa cung cấp số lượng lớn dây khoai giống ra các vùng lân cận và những vùng canh tác lớn ở xã Thành Trung, Tân Thành.
Mới đây, anh Minh bán 115 muôn dây khoai giống nhân ra từ củ khoai tím Nhật. Ở xã cũng có hộ ông Năm Cải bán dây giống tương tự như anh Minh.
Nhiều nông dân như anh Minh nói “hên” là gần 3 năm qua từ khi nhân giống nguyên chủng bằng củ khoai và trồng giống nguyên chủng vậy, họ đều trúng mùa, được giá. “4 mùa khoai tím Nhật của tui hên là bán lúc nào cũng 700- 850 ngàn đồng/tạ.
Nếu như trước kia, mỗi vụ khoai tui thu hoạch cao nhất 30- 35 tạ/công, thì 4 mùa qua tui thu được ít nhất 40- 45 tạ/công khoai”- anh Minh phấn khởi.
Không duy trì, sẽ “đứt” giống khoai nguyên chủng
Bà Võ Ngọc Thơ nói đề án này đến cuối năm nay kết thúc. Và đến nay coi như công tác giống, chất lượng và năng suất khoai lang từ giống phục tráng như vậy là có hiệu quả bước đầu.
Từ đó có thể rút kinh nghiệm, chuyển giao quy trình nhân giống khoai lang từ củ cho nông dân qua tập huấn kỹ thuật, xây dựng các mô hình trình diễn để nông dân áp dụng và nhân rộng...
Nói về yêu cầu việc duy trì nhân giống và giữ giống khoai đã phục tráng trên, anh Minh cho rằng: “Những người nông dân như tui, rất cần duy trì giống khoai bằng củ.
Bởi sợ dây khoai giống chuyền bán cho nhau xài hàng năm, mỗi năm mỗi vụ mùa xong, khi đó không ai nhớ dăm giống lại bằng củ khoai nữa, thì có khi “lạc” mất hoặc muốn tìm lại dây giống như ban đầu thì sẽ khó".
Anh Nguyễn Phúc Duy- cộng tác viên nông nghiệp và bảo vệ thực vật ở địa bàn xã Tân Bình cũng góp ý thêm: Để duy trì giống, bà con cứ tuyên truyền nhau sử dụng giống khoai đã phục tráng này hàng năm. Những nông dân xa gần ai có nhu cầu thì có thể thông qua nông nghiệp xã để giới thiệu, hướng dẫn đi tới các nông dân ở đây tìm giống khoai tím Nhật nguyên chủng để nhân rộng.
Bởi vậy, anh Đặng Hoàng Minh nói như khuyến cáo: “Ít nhất cũng phải dăm liên tục, “đứt” 2 năm là có thể mất giống khoai liền. Giống dây từ củ, canh tác ít nhất cũng 3- 4 mùa mới thoái hóa.
Mà quên việc duy trì giống, thì có thể quay lại việc tới mùa vụ, nông dân đây phải chạy xuống huyện Giồng Riềng (Kiên Giang) mua dây giống (chiết từ củ khoai dăm ra) về trồng như trước đây, rất
tốn kém”.
Chưa có thống kê nào của đơn vị chức năng hay người nông dân ở đây về lượng dây khoai giống phục tráng từ củ khoai tím Nhật để ra dây giống trồng trên những ruộng khoai. “Nhưng con số đó là nhiều, được cung cấp hầu như khắp các xã có trồng khoai tại huyện.
Năm nay giá bán khoai lang tương đối ổn định, người dân sản xuất có lãi hơn so với trước”- đó là thông tin bà Võ Ngọc Thơ chia sẻ với chúng tôi tại xứ rẫy Bình Tân- nơi mà khoai lang chiếm một tỷ trọng lớn trong sản xuất nông nghiệp.
Trong tháng 7, Bình Tân xuống giống 722ha khoai lang, tính từ đầu năm đến nay là 9.171ha khoai, tăng hơn 315ha so cùng kỳ. Đến nay, đã có 5.504ha khoai lang được thu hoạch, và hiện còn trên đồng 3.667ha. Giá khoai lang tím Nhật cao nhất trong một tháng qua lên tới khoảng 1,3 triệu đồng/tạ (60kg), thông thường dao động 700-850 ngàn đồng/tạ. |
Bài, ảnh: MINH THÁI
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin