Lo ngại hàng tiêu dùng giả tấn công

01:07, 01/07/2016

Dầu gội, sữa tắm, bột giặt, nước xả hay bột ngọt, bột nêm... là những mặt hàng tiêu dùng bị làm giả nhiều trong thời gian qua. Đáng báo động là tình trạng hàng giả đang ngày càng phức tạp, thủ đoạn tinh vi hơn.

Dầu gội, sữa tắm, bột giặt, nước xả hay bột ngọt, bột nêm... là những mặt hàng tiêu dùng bị làm giả nhiều trong thời gian qua. Đáng báo động là tình trạng hàng giả đang ngày càng phức tạp, thủ đoạn tinh vi hơn.

Hàng giả ngày càng tinh vi khó phân biệt. Trong ảnh: Bên trái là bột ngọt thật.
Hàng giả ngày càng tinh vi khó phân biệt. Trong ảnh: Bên trái là bột ngọt thật.

Thật giả khó phân

Hàng tiêu dùng giả rất khó để phân biệt, giá rẻ, hấp dẫn người tiêu dùng là lý do vì sao hàng giả có đất sống và ngày càng “tung hoành”.

Theo Chi cục Quản lý thị trường (Sở Công thương), thực trạng hàng giả, hàng vi phạm về sở hữu trí tuệ ngày càng diễn biến phức tạp, từ các mặt hàng có giá trị lớn đến các mặt hàng tiêu dùng có giá trị thấp.

Hàng hóa được làm giả rất tinh vi, khó nhận biết bằng mắt thường, có trường hợp phải qua kiểm nghiệm các chỉ tiêu chất lượng mới phát hiện được hàng giả.

Hậu quả của hàng giả là rất lớn, ảnh hưởng đến sức khỏe, quyền lợi của người tiêu dùng, thiệt hại cho doanh nghiệp và gây bức xúc trong người dân.

Từ đầu năm đến nay, Chi cục đã phát hiện và xử lý nhiều trường hợp vi phạm về sản xuất kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu hàng hóa, giả mạo về chỉ dẫn địa lý, kiểu dáng công nghiệp, chủ yếu là nhóm hàng nón bảo hiểm, dầu gội, thực phẩm...

Mới đây, Đội Quản lý thị trường số 6 (phụ trách địa bàn Trà Ôn) đã phát hiện một trường hợp vận chuyển hàng hóa gồm 32.000 gói dầu gội các hiệu Clear, Dove, Head & Shoulders từ TP Hồ Chí Minh đến Trà Vinh ngang qua địa phận Trà Ôn có dấu hiệu vi phạm.

Ông Nguyễn Văn Chọn- Quyền đội trưởng đội quản lý cho biết: Qua kiểm nghiệm, công ty chính hãng xác định toàn bộ số hàng hóa này là giả mạo. Hiện chủ xe đã bỏ trốn, đội đang trong quá trình tìm chủ sở hữu nếu không ai nhận sẽ tiến hành kiểm kê số lượng tịch thu và sẽ tiêu hủy toàn bộ.

Trước đó, ngành chức năng cũng đã phát hiện xử lý nhiều trường hợp hàng giả bột giặt, sữa tắm, nước xả, bột ngọt, bột nêm...

Như vụ kinh doanh bột ngọt giả tại Trà Ôn: các gói bột ngọt giả chuẩn bị tuồn ra thị trường có hình thức bao bì rất khó phân biệt so với hàng thật. Nếu để song song hai sản phẩm thật- giả, chỉ có thể nhận thấy, hình ảnh in trên mặt sau bao bì hàng giả mờ nhạt và thiếu sắc nét hơn so với bao bì của Ajinomoto thật.

Trong khi đó, giá bán bột ngọt giả có giá thấp hơn sản phẩm thật từ 6.000-10.000 đ/gói tùy loại. Hay trường hợp nước xả vải giả tịch thu được, thành phần chỉ gồm nước, mùi thơm, phẩm màu...

Không chỉ ở thị trường các thành phố mà các sản phẩm giả này được đưa về các tỉnh lẻ, vùng quê tiêu thụ rất nhiều. Ghi nhận tại một số chợ nông thôn, có không ít điểm bán dầu gội, sữa tắm, nước xả, bột giặt,... bày bán dưới lòng lề đường với giá rẻ bèo.

Một dây dầu gội 12 gói chỉ từ 8.000- 10.000 đ/dây, nước xả rẻ hơn 5.000- 8.000 đ/chai. Khi được hỏi sao có giá rẻ vậy, người bán trả lời tỉnh queo là “hàng thanh lý, bỏ mẫu bán rẻ để lấy vốn”.

Chị Lê Kim Thi (xã Bình Phước- Mang Thít) cho biết: “Hàng giả bây giờ nhiều, làm “y như thật”, nhìn bên ngoài là khó biết được.

Lần trước tôi ghé một tiệm tạp hóa dọc đường mua một bịch bột giặt. Về sử dụng thì khác xa với loại đã dùng trước đó: không có bọt nhiều, vón cục, thông tin trên bao bì thì mờ nhạt, không có mùi thơm, chỉ sử dụng 2- 3 lần mà da tay bị dị ứng, rất ngứa...

Tôi tìm hiểu thì đây chính là dấu hiệu của hàng giả, nên không dám xài nữa”.

Hãy tự bảo vệ mình

Việc sử dụng hàng giả sẽ có những hệ lụy không nhỏ cho người sử dụng. Bởi các loại sản phẩm làm giả đa số chỉ sản xuất theo kiểu thủ công, rất dễ bị nhiễm chất độc hại, nguyên liệu không rõ ràng, nồng độ hóa chất cao có thể gây ung thư, tổn hại sức khỏe người tiêu dùng về lâu dài.

Ông Đặng Văn Hoai- Chủ tịch Hội bảo vệ người tiêu dùng tỉnh (Sở Công thương) cho biết: Các sản phẩm chính hãng đều được dán tem chống hàng giả, bao bì nhãn mác đầy đủ các thông số, có mã vạch, không bị bong tróc.

Khi mua sản phẩm, người tiêu dùng hãy cầm và quan sát sản phẩm thật kỹ xem có đầy đủ tem chống giả và mã vạch không.

Đồng thời, các sản phẩm chính hãng luôn được chăm chút về bao bì và hình thức. Phần bao bì được in bằng chất liệu mực tốt nên sắc nét, bắt mắt.

Logo thương hiệu được in rõ ràng, chữ sắc cạnh, không bị lem nhem. Trong khi sản phẩm giả được sản xuất tại các cơ sở “chui” và để tiết kiệm chi phí, nên bao bì không được chăm chút. Màu mực in có thể bị nhòe, mờ nhạt, không sắc nét, logo thậm chí còn sai chính tả.

Để chống hàng giả, rất cần sự ý thức của người dân lẫn doanh nghiệp. Người tiêu dùng ngoài tự trang bị cho bản thân và gia đình những kiến thức cần thiết cơ bản về chống hàng giả, thì cần chọn mua sản phẩm ở nơi uy tín, chất lượng, nguồn gốc rõ ràng.

Doanh nghiệp cũng cần tuyên truyền cách nhận biết phân biệt hàng thật- giả cho người tiêu dùng. Bởi nếu chỉ biết trông đợi vào ngành chức năng kiểm tra, kiểm định chất lượng, phải tốn thời gian kiệm nghiệm khá lâu. Đến khi có kết quả, không biết đã có bao nhiêu mặt hàng giả tuồn ra thị trường?

Bài, ảnh: THẢO NGUYÊN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh