Vội vàng... bỏ qua

01:07, 27/07/2016

Cuộc sống phố thị dường như luôn gắn với chữ vội. Sáng vội đi, chiều vội về, trưa vội ngả lưng, tối vội chợp mắt…

Cuộc sống phố thị dường như luôn gắn với chữ vội. Sáng vội đi, chiều vội về, trưa vội ngả lưng, tối vội chợp mắt…

Ở chợ, các bà các chị vội và miếng cơm để còn lo bán hàng. Ở bến xe, cánh đàn ông ăn vội ổ bánh mì cho kịp giờ đưa khách. Buổi sáng bên ly cà phê đá, khách vừa uống nước, vừa trò chuyện với người bên cạnh vừa “tranh thủ” lướt smartphone xem có tin gì mới không.

Có lẽ vội quá nên giờ cũng ít thấy ai uống cà phê phin nhỏ từng giọt rầu rầu mà ngày càng nhiều quán cà phê kiểu “xách một ly lên là đi”, cà phê uống liền…

Buổi chiều, các bà mẹ đón con tan trường vội đưa con đến chỗ học thêm. Con trẻ vội ăn gói xôi hay uống ly nước mía ngay trên xe để cho kịp đến nhà cô giáo.

Nhiều người ghé ngay bên vỉa hè, lề đường để mua thêm chút rau củ cho bữa cơm chiều, vội nhấn còi toe toe thúc giục nếu có người dừng xe phía trước chưa kịp rời đi…

Nhiều lúc tôi hỏi “vội để làm chi” sẽ lập tức nhận được một cái nhìn đầy trách móc, kiểu “công việc nhiều thế không vội sao được” hoặc “vội một chút để cuộc sống tốt hơn trước, có được nhiều hơn trước (tiền bạc hoặc địa vị chẳng hạn) chứ sao, mình đã từng khổ thế mà…”.

Đúng- nhưng (lại nhưng…) khi nhịp phố quá vội vàng có khi nào đã bỏ lỡ những điều tốt đẹp trong cuộc sống (mà không thể tính bằng tiền hay điều gì đó). Như vội quá nên thấy một người gặp khó bên đường nhưng cũng chẳng kịp dừng chân để giúp.

Vội đến nỗi quên mất thăm hỏi người thân, bè bạn. Vội nên không còn những buổi hoàng hôn ngồi ngắm mây trời… để rồi khi có rất nhiều lại thấy cũng đã bỏ qua rất nhiều. “Có khi nào trên đường đời tấp nập/ ta vô tình đã đi lướt qua nhau…”

Phố đông… người vội… 

NGUYÊN CHƯƠNG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh