Hà Nội chào đón nông sản Vĩnh Long

10:07, 14/07/2016

Mỗi năm, Hà Nội cần khoảng 900.000 tấn rau, quả các loại, nhưng hiện địa phương chỉ đáp ứng khoảng 18%. Trong khi, những nông sản này là thế mạnh của Vĩnh Long, vì vậy là cơ hội tốt để 2 bên liên kết hợp tác mua bán.

Mỗi năm, Hà Nội cần khoảng 900.000 tấn rau, quả các loại, nhưng hiện địa phương chỉ đáp ứng khoảng 18%. Trong khi, những nông sản này là thế mạnh của Vĩnh Long, vì vậy là cơ hội tốt để 2 bên liên kết hợp tác mua bán.

Tại cuộc gặp gỡ của các doanh nghiệp, siêu thị lớn ở Hà Nội với các hợp tác xã (HTX) Vĩnh Long vào chiều 12/7, ông Đỗ Hoàng Thạch- Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp Hà Nội cho biết, các doanh nghiệp và dân Hà Nội rất mê nông sản Vĩnh Long, nhất là trái cây, vấn đề còn lại 2 bên cần thương thảo hợp đồng, hình thức mua bán để tiến tới làm ăn lâu dài.

Trái cây Vĩnh Long rất được ưa chuộng

Ông Đỗ Hoàng Thạch cho biết, hiện có tới 82% nông sản, nhất là trái cây cung cấp cho người dân Thủ đô được thương lái thu mua từ nhiều tỉnh- thành trong nước và nhập khẩu nước ngoài.

Để đáp ứng tốt hơn nhu cầu này, những năm gần đây ngoài việc tổ chức các phiên hội chợ, Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp còn thành lập nhiều đoàn doanh nghiệp đi tham quan, hợp tác với nhiều tỉnh- thành trong cả nước.

Trong đó, Vĩnh Long được đánh giá là tỉnh có tiềm năng về nông sản- nhất là trái cây- và được nhiều doanh nghiệp quan tâm.

Khoai lang được chế biến thành nhiều sản phẩm.
Khoai lang được chế biến thành nhiều sản phẩm.

Trong năm 2015, 2 đơn vị đã thực hiện liên kết mua bán nông sản. Qua đó, hiện có rất nhiều công ty, HTX ở Vĩnh Long cung ứng trái cây tại thị trường Hà Nội, như: Công ty TNHH MTV TM Hương Bưởi Mỹ Hòa (TX Bình Minh) cung cấp được 240 tấn bưởi cho Siêu thị Fivimark; Công ty CP Rau- củ quả Bình Minh cung cấp cho siêu thị, cửa hàng hàng chục tấn rau, củ mỗi tháng…

Bà Vũ Thị Hậu- Phó Giám đốc Công ty CP Nhất Nam cho biết, chỉ 1 tuần sau buổi làm việc của 2 đơn vị, bưởi Năm Roi Mỹ Hòa đã có mặt tại Hà Nội và “bán không thấy tay”.

“Hiện hoạt động này vẫn duy trì, mỗi tuần 3 chuyến, từ 5- 7 tấn bưởi chở ra tiêu thụ.”- bà Vũ Thị Hậu cũng cho biết- “còn rất ấm ức” khi không đưa mít và sầu riêng vào được siêu thị, bởi rắc rối ở khâu vận chuyển.

Trong khi đó, bà Vũ Thị Vân Phượng- Tổng Giám đốc Công ty CP VietGAP đầu tư thương mại, đặc biệt ấn tượng bưởi Năm Roi, bởi “bưởi ở đây ngon hơn nhiều lần bưởi tại siêu thị ngoài ấy”. Vì vậy, chuyến đi này là tìm cách nhập hàng và “sẵn sàng ưu ái trong ký hợp đồng”.

Sau khi nghe ông Nguyễn Văn Đức- Chủ nhiệm HTX bưởi Năm Roi Mỹ Hòa nói, hiện ngoài bưởi Năm Roi, HTX còn khoảng 10ha chanh không hạt ở Giồng Riềng (Kiên Giang) giai đoạn thu hoạch, bà Phượng nói “rất may bởi đang cần” và cho hay “sẽ ký hợp đồng thu mua ngay”.

Rào cản chất lượng

Nhiều doanh nghiệp ở Hà Nội cho rằng, qua việc kết nối trực tiếp thời gian qua, khâu mua bán thuận lợi hơn trước rất nhiều. Họ có thể mua hàng tận gốc, với giá cả phải chăng.

Hà Nội chào đón nông sản Vĩnh Long
Trái cây Vĩnh Long được đánh giá rất ngon.

Một số doanh nghiệp còn tỏ ra tiếc nuối khi nhiều nông sản có tiếng ở Vĩnh Long như chôm chôm, cam sành chưa thể mua số lượng lớn, do khâu vận chuyển.

Ông Nguyễn Ngọc Nhân- HTX Chôm chôm Bình Hòa Phước (Long Hồ) cho biết, nếu mới thu hoạch mà đóng thùng vận chuyển bằng máy bay thì chôm chôm vẫn tươi ngon nhưng chi phí cao, doanh nghiệp không đồng ý.

Còn nếu vận chuyển bằng xe thì chất lượng giảm, “thậm chí tới nơi hư không bán được trái nào”. Ông nói: “Vừa rồi, tôi có tham gia hội chợ ngoài đó mới thấy họ rất thích chôm chôm xứ mình. Mang 2 thùng cả trăm ký lô, bán tới 70.000 đ/kg, nhưng họ mua không thấy tay”.

Vì vậy, để có thể nâng sản lượng mua bán vượt mức 7 tấn trái/ tuần ra thị trường Hà Nội như hiện nay, ông mong muốn sự “thông cảm” từ phía các doanh nghiệp.

Trong khi đó, bà Vũ Thị Hậu lưu ý, các HTX phải nâng cao chất lượng sản phẩm, cho rằng đây là tiêu chí hàng đầu để vào siêu thị. “Trước đây, chúng tôi từng vướng khi nông sản chuyên chở rải rác các tỉnh, khi ra tới Hà Nội thì lớp bị hỏng hóc, trầy xước kém chất lượng, không xác định sản phẩm địa phương nào nên rất khó nói chuyện với nhau” - bà Vũ Thị Hậu nói thêm.

Ông Nguyễn Xuân Thủy- Giám đốc Siêu thị Ngôi Sao cho hay: Hiện có 7 cửa hàng sạch tại Hà Nội và tương lai sẽ tiếp tục mở rộng nên nhu cầu rau, quả có thể tăng lên vài chục tấn mỗi ngày.

Tuy vậy, khi vào được siêu thị bắt buộc phải có giấy chứng nhận, kể cả ngoài thùng đóng gói cũng cần có nhãn mác, xuất xứ.

Ths. Nguyễn Văn Liêm- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT Vĩnh Long cho biết, an toàn thực phẩm là một trong những tiêu chí được ngành nông nghiệp ưu tiên thực hiện hiện nay.

Trên cơ sở quy hoạch vùng nguyên liệu, ngành đã xây dựng nhiều mô hình kiểu mẫu đạt chứng nhận trong và ngoài nước. Qua cuộc gặp gỡ giữa 2 địa phương, Ths. Nguyễn Văn Liêm cũng mong muốn, 2 bên cần tiếp tục trao đổi nắm bắt thêm thông tin để công tác liên kết xúc tiến thương mại đi vào thực chất hơn trong thời gian tới.

Ông Võ Văn Quốc- Giám đốc Trung tâm Thông tin nông nghiệp Vĩnh Long

Hiện trung tâm đang xây dựng cơ sở dữ liệu điện tử về hệ thống sản xuất và thu mua nông sản trong tỉnh phục vụ công tác xúc tiến thương mại. Đặc biệt, từ năm 2014 đến nay, dịch vụ cung cấp giá các mặt hàng nông sản qua tin nhắn điện thoại SMS đã hỗ trợ rất nhiều vào việc mua bán nông sản của nông dân.

™Bài, ảnh: HOÀNG MINH

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh