Lần đầu tiên trong gần 20 năm qua thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đạt con số khả quan.
Lần đầu tiên trong gần 20 năm qua thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đạt con số khả quan.
Sáu tháng đầu năm 2016 - lần đầu tiên trong gần 20 năm qua - thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đạt con số khả quan, gần 1,4 tỉ USD cho đăng ký mới và tăng thêm, theo ông Nguyễn Phương Lam, Phó giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ.
Vốn đầu tư nước ngoài vào ĐBSCL khả quan nhất trong gần 20 năm qua. Trong ảnh là công nhân đang làm việc tại một doanh nghiệp dệt may ở Cần Thơ |
Tại buổi họp báo về tình hình kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL tổ chức tại Cần Thơ vào hôm nay 25/7, ông Lam cho biết trong 6 tháng đầu năm, toàn vùng ĐBSCL thu hút được 79 dự án FDI mới với tổng vốn đăng ký 987 triệu USD và 51 dự án FDI tăng vốn với tổng vốn 412 triệu USD.
“Như vậy, 6 tháng đầu năm nay, ĐBSCL có gần 1,4 tỉ USD cho đăng ký mới và tăng vốn”, ông nói.
Báo cáo của VCCI Cần Thơ tại buổi họp báo cho thấy vốn FDI vào ĐBSCL trong 6 tháng đầu năm nay đến từ các quốc gia châu Á và tập trung ở các ngành như dệt may, da giày nhằm tận dụng cơ hội từ Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Dù có tín hiệu khả quan về thu hút vốn FDI, nhưng kết quả thu hút vào ngành nông nghiệp, lâu nay được các địa phương trong vùng ĐBSCL xem là thế mạnh, có lợi thế và ra sức kêu gọi đầu tư, vẫn chưa tương xứng với tiềm năng.
Cụ thể, theo ông Lam, trong số các dự án đầu tư vào ĐBSCL trong 6 tháng đầu năm chỉ có 1 dự án của Nhật Bản đầu tư trồng cây dược liệu, nhưng tổng vốn cũng chỉ có 68.000 USD.
Về tăng trưởng kinh tế của vùng, báo cáo của VCCI Cần Thơ, cho thấy trong 6 tháng đầu năm 2016, tổng sản phẩm trên địa bàn 13 tỉnh/thành vùng ĐBSCL (giá so sánh 2010) ước đạt trên 255.000 tỉ đồng, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, tổng vốn đầu tư toàn xã hội trong 6 tháng đầu năm chỉ đạt 107.000 tỉ đồng, ước tăng trong khoảng 6 - 10% so với cùng kỳ.
Về tình hình xuất khẩu, tính đến cuối tháng 6/2016, tổng kim ngạch xuất khẩu của ĐBSCL đạt hơn 6,12 tỉ USD, trong đó, Long An chiếm tỷ trọng cao nhất với hơn 1,8 tỉ USD, Tiền Giang trên 908 triệu USD và Cần Thơ 650 triệu USD.
Trong khi đó, tổng kim ngạch nhập khẩu cả vùng trong 6 tháng đầu năm đạt trên 2,8 tỉ USD, trong đó, Long An vẫn cao nhất với trên 1,4 tỉ USD...
Theo D.Út (VOV/Theo Trung Chánh/Saigontimes)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin