Nghịch lý ở cánh đồng lớn

08:07, 28/07/2016

Tại hội thảo "Đối thoại chính sách thúc đẩy liên kết sản xuất, tiếp cận tín dụng ngành hàng lúa gạo, xây dựng cánh đồng lớn (CĐL)" trong khuôn khổ MDEC- Hậu Giang 2016 mới đây, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo chủ lực trong vùng đã chỉ ra những nghịch lý ở CĐL. 

Tại hội thảo “Đối thoại chính sách thúc đẩy liên kết sản xuất, tiếp cận tín dụng ngành hàng lúa gạo, xây dựng cánh đồng lớn (CĐL)” trong khuôn khổ MDEC- Hậu Giang 2016 mới đây, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo chủ lực trong vùng đã chỉ ra những nghịch lý ở CĐL.

Khoảng 20% nông dân chưa thực hiện đầy đủ hợp đồng bao tiêu. Chính quyền nhiều nơi còn thờ ơ (nhất là ở cấp huyện trở xuống) khi xây dựng CĐL.

Theo ông Lê Minh Trượng- Phó Tổng Giám đốc Công ty Lương thực miền Nam, doanh nghiệp đầu tư đầu vào các CĐL và ký hợp đồng bao tiêu với nông dân.

Nhưng khi giá lúa tăng so với hợp đồng thì nông dân lại bán cho thương lái nên rất khó thu hồi vốn. Bên cạnh, nhiều vùng cơ sở hạ tầng giao thông chưa thuận lợi, vận chuyển phải qua nhiều khâu làm giá thành đội lên 200-300 đ/kg lúa, gây khó cho mối liên kết giữa doanh nghiệp- nông dân.

Để giải quyết việc phá vỡ hợp đồng, ông Lê Minh Trượng đề xuất tới đây các doanh nghiệp nên ký hợp đồng thông qua các tổ chức mà điển hình là hợp tác xã và tổ hợp tác.

Một nghịch lý khác, doanh nghiệp cần đất để xây dựng các nhà máy ở vùng nông thôn để chế biến lúa gạo, nâng cao giá trị sản phẩm.

Tuy nhiên, chủ trương của Nhà nước là đất lúa không cho chuyển mục đích sang đất xây dựng công nghiệp, cho nên cần xem xét ban hành chủ trương hài hòa để giải quyết mâu thuẫn này, tạo điều kiện cho doanh nghiệp có đất sạch đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

Ông Nguyễn Tiến Dũng- Phó Giám đốc Tập đoàn Lộc Trời (An Giang) cho rằng, gần đây có một số công ty đã dần hình thành các CĐL tương đối tập trung.

Nên chăng, Nhà nước cần có chủ trương hỗ trợ một phần để xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi ở những CĐL để người dân sản xuất thuận lợi, doanh nghiệp cũng kinh doanh đạt hiệu quả.

Hiện doanh nghiệp kinh doanh gạo nội địa có thương hiệu thì phải chịu thuế VAT 5%, trong khi các nhà phân phối gạo lẻ thì không phải chịu thuế. Đây là một thực trạng bất bình đẳng.

Do đó, ông Nguyễn Tiến Dũng cho rằng Nhà nước nên xem xét bãi bỏ tất cả thuế trong kinh doanh gạo nội địa, hoặc là đánh thuế VAT trên bất cứ tổ chức hoặc cá nhân nào kinh doanh gạo nội địa để tạo sự công bằng trong kinh doanh.

Một khía cạnh khác khiến các doanh nghiệp còn e dè, gặp khó khi tham gia vào quá trình xây dựng CĐL hiện nay là dù Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách để khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp nhưng doanh nghiệp và nông dân khó tiếp cận nguồn vốn vay từ ngân hàng, mà chủ yếu do vướng thủ tục hành chính.

THÀNH LONG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh