"Tại sao cảng biển, sân bay không thấy đầu tư BOT. Có động cơ gì mà nhà đầu tư chỉ thích đường cao tốc. Từ hội nghị này, chúng ta cần phải bàn lại chuyện phân bổ nguồn lực cho các lĩnh vực trong 5 năm tới", ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nói tại hội nghị sáng 7/6.
“Tại sao cảng biển, sân bay không thấy đầu tư BOT. Có động cơ gì mà nhà đầu tư chỉ thích đường cao tốc. Từ hội nghị này, chúng ta cần phải bàn lại chuyện phân bổ nguồn lực cho các lĩnh vực trong 5 năm tới”, ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nói tại hội nghị sáng 7/6.
Ông Trần Đình Thiên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam |
Theo báo cáo được ra tại Hội nghị đánh giá công tác đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT và BT sáng 7/6, trong 5 năm (2011-2015), Bộ Giao thông vận tải đã huy động được khoảng 186.660 tỷ đồng để đầu tư 62 dự án theo hình thức hợp đồng BOT và BT.
Trong đó, có 26 dự án với tổng mức đầu tư 74.806 tỷ đã hoàn thành và đưa vào khai thác. Có 18 dự án với tổng mức đầu tư 37.212 tỷ đồng được đưa vào khai thác trong giai đoạn 2011-2015, nhưng khởi công trước năm 2011.
Theo Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên: Trong 5 năm thực hiện chủ trương xã hội hóa xây dựng các công trình giao thông vận tải theo hình thức BOT và BT của Chính phủ, phần lớn các dự án đều tập trung vào công trình giao thông đường bộ, các tuyến tỉnh lộ, quốc lộ và một số tuyến cao tốc.
“Tại sao chúng ta tập trung quá nhiều vào xây dựng đường cao tốc. Phải chăng đường cao tốc có lợi ích gì hơn so với các lĩnh vực khác. Trong khi chúng ta có lợi thế biển, lợi thế là trạm trung chuyển của châu Á nếu chỉ tập trung vào đường bộ thì có phải đang thiếu chiến lược đồng bộ?”, ông Thiên đặt câu hỏi.
Theo ông Trần Đình Thiên, nhà đầu tư có lý do của họ khi quyết định đầu tư vào lĩnh vực nào. Tuy nhiên ở góc độ quản lý nhà nước thì cần phải tính toán phân bổ nguồn vốn cho sự phát triển đồng bộ, thay vì chỉ chú trong vào phát triển đường cao tốc, đường bộ.
“Tại sao cảng biển, sân bay không thấy đầu tư BOT. Có động cơ gì mà nhà đầu tư chỉ thích đường cao tốc. Từ hội nghị này, chúng ta cần phải bàn lại chuyện phân bổ nguồn lực cho các lĩnh vực trong 5 năm tới”, ông Thiên kiến nghị.
Ông Thiên nhấn mạnh thêm: Khi hội nhập thế giới thì hàng không, đường sắt, đường biển, đường bộ phát triển như thế nào thì phải tính lại. Nếu không tính đúng thì chúng ta có thể rơi vào “bẫy” hạ tầng, chi phí giải quyết cho vấn đề này sẽ lớn lắm.
Bên cạnh đó, ông Trần Đình Thiên cũng cho rằng: Bên cạnh việc nhận định hình thức BOT, BT là rất tốt thì cần phải nhìn thẳng vào các bức xúc của xã hội. Đó là vấn đề không thể bỏ qua được.
Ông Thiên cho biết: “Một trong những vấn đề gay gắt nhất hiện nay của các doanh nghiệp là vấn đề chi phí: chi phí lãi suất rồi chi phí vận tải”. Ông Thiên cho rằng, nhà đầu tư nói trên quan điểm của họ, đó là phải có lợi họ mới làm. Nhưng chúng ta cũng cần phải thảo luận vấn đề làm sao để lợi ích của họ có hài hóa với lợi ích quốc gia, lợi ích của người dân.
Nói về chi phí đầu tư, đầu tư vào đường cao tốc của, ông Thiên cho rằng: Suất đầu tư của Việt Nam rất cao so với thế giới. Có nhiều lý lẽ được đưa ra để lý giải về điều này. Nhưng đất nước mình còn nghèo, vấn đề tổng đầu tư phải hết sức minh bạch. Càng công khai, chia sẻ càng nhiều với xã hội thì càng tốt.
Ông Thiên cũng cho biết, người dân doanh nghiệp đang than mức thu phí cao. Nói theo “logic” của nhà đầu tư, đó là cao để thu hồi vốn nhanh, nhưng cao như thế nào để đảm bảo cả lợi ích của nhà đầu tư và người dân.
“Chúng ta muốn thu hồi vốn nhanh thì mức phí cao, trong trường hợp đó người dân chịu thiệt. Để giải quyết vấn đề này, tôi cho rằng Nhà nước phải đứng ra giải quyết, để làm sao mức phí vẫn để nhà đầu tư sớm thu hồi vốn nhưng lại không gây tổn hại cho người dân. Cụ thể, đó là Nhà nước sẽ bù tiền đó cho nhà đầu tư thu hồi vốn nhanh, sau đó kéo dài thời gian thu phí. Mục đích để nhằm làm giảm phí cho người dân. Đáng nhẽ ông chủ đầu tư thu 20 năm, nhưng ông chỉ thu 10 năm thôi còn Nhà nước thu 10 năm còn lại”, ông Thiên kiến nghị.
Ông Thiên cũng cho rằng, muốn công khai minh bạch vấn đề thu phí, không còn cách nào khác đó là triển khai thu phí tự động. Chắc chắn khi triển khai hình thức này sẽ giảm được chuyện gian lận trong thu phí. “Nên tích cực chuyển sang thu phí tự động càng nhanh càng tốt. Tôi cũng từng có nói chuyện với Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng rằng: Thành phố hội nhập gì mà tắc nghẽn vì đợi trả phí thế này. Ông nào muốn vào TP.HCM thì buộc phải làm thu phí tự đông. Ông không làm được thì ông đừng vào”.
Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam cũng lưu ý đến tình trạng chậm tiến độ ở nhiều dự án. “Không chỉ tốn tiền, đội vốn, việc chậm tiến độ của một dự án giao thông 2,3 năm sẽ làm Việt Nam không biết bao giờ mới đuổi kịp thế giới được”.
Tại hội nghị, Phó trưởng Ban Kinh tế trung ương Nguyễn Ngọc Bảo cũng cho rằng, công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực này còn nhiều bất cập, việc thực hiện nhiêu dự án BOT mới nhìn trước mắt chứ chưa có quy hoạch vùng.
Ông Nguyễn Ngọc Bảo đề nghị phải tiếp tục nghiên cứu sâu hơn, hoàn thiện các cơ chế, chính sách, tăng cường công tác thanh tra giám sát, đánh giá tác động, phân bổ nguồn lực, đa dạng hóa các hình thức trong và ngoài nước, vốn đầu tư nhà nước cần tham gia tỷ lệ thích hợp (khoảng 20%), các cơ quan nhà nước chủ động làm việc nhà đầu tư, định hướng cho các Nhà đầu tư.
Ông Nguyễn Ngọc Bảo cũng đề nghị cần thiết phải tiến hành quy hoạch, đặc biệt là ở các thành phố lớn, cân đối các hình thức đầu tư giữa các lĩnh vực, hạn chế tối đa các hạn chế, yếu kém trong công tác quản lý kế hoạch hạ tầng giao thông, đồng thời Chính phủ, các bộ, ngành sớm ban hành văn bản quy phạm pháp luật còn thiếu, sớm thúc tiến ban hành Luật.
Theo BizLIVE
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin