Theo lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang, trong làm ăn thì cũng có lúc cấm, lúc nhập nên việc TQ cấm nhập khẩu sầu riêng là bình thường.
Theo lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang, trong làm ăn thì cũng có lúc cấm, lúc nhập nên việc TQ cấm nhập khẩu sầu riêng là bình thường.
Xung quanh thông tin các nhà vườn tại khu vực ven sông Tiền (huyện Cai Lậy và thị xã Cai Lậy, Tiền Giang), nơi được mệnh danh là 'vương quốc sầu riêng', đang kêu cứu vì loại trái cây đặc sản này rớt giá mạnh, chiều ngày 7/6, chia sẻ với báo Đất Việt, ông Nguyễn Thanh Cẩn - giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang cho biết:
"Chuyện Trung Quốc cấm nhập khẩu sầu riêng thì cũng bình thường thôi, trong làm ăn thì cũng có lúc cấm, lúc nhập nên cũng không có giải pháp gì khác vì đây là đột xuất. Sầu riêng rớt giá rồi còn 20-25.000 đồng/kg thì cũng không phải thua lỗ đâu, vẫn được giá đó. Chuyện Trung Quốc làm ăn thất thường mình không trở tay kịp trước đó cũng đã từng xảy ra".
Theo ông Cẩn: "Nông sản nơi nào ngưng thì bán chậm lại nên cũng không có giải pháp gì, nhà nước đâu có mua được. Trái cây muốn xuất khẩu sang nước nào thì cũng cần phải có thời gian, có mối quan hệ. Việc Trung Quốc ngưng mua sầu riêng của bà con nông dân là đột biến về mặt thị trường.
Bà con nông dân cũng đã ý thức được cách thu mua của Trung Quốc rồi, tuy nhiên khi thấy bán được giá, thấy lợi nhuận trước mắt thì lại bán vội. Thị trường Trung Quốc quá lớn mà ngưng mua hàng thì mình cũng phải chịu. Đây cũng có thể là chiêu dìm hàng của Trung Quốc để hạ giá sầu riêng sau đó chúng lại nhảy vào mua"
Về việc này, cùng ngày GS Võ Tòng Xuân, chuyên gia Nông nghiệp cho biết: "Trung Quốc cấm nhập mặt hàng sầu riêng từ Việt Nam có thể nói rằng đây cũng là 1 cách để họ đòi hỏi nhãn mác xuất xứ. Đúng là sầu riêng ngon hiện tại ở Việt Nam có xuất xứ từ Thái Lan, mình lấy giống của nước họ về trồng nên đã vi phạm về luật giống. Do đó có thể Thái Lan đã làm việc về vấn đề này để giờ Trung Quốc có thái độ như vậy"
Sầu riêng "xuống đường" ở Cai Lậy. Ảnh: TNO |
GS Xuân nói thêm: "Ở Việt Nam mình cũng có mấy giống sầu riêng rất ngon, giờ mình phải đi đăng ký bản quyền. Còn giống sầu riêng hạt lép mõn thon mình không đăng ký vì không có xuất xứ nên khó xuất khẩu.
Ví dụ như giống thanh long của mình khi bắt đầu bán ra là phải đi đăng ký bản quyền, nếu Thái Lan bán thì mình sẽ bắt lỗi. Tương tự như với sầu riêng cũng vậy.
Về giá cả thì cũng khó tính lỗ lãi vì mình chưa tính được với nông dân xem tốn bao nhiêu phân bón để ra được mấy tấn sầu riêng và giá thành sản xuất là bao nhiêu. Tuy nhiên, theo tôi giá bán 20-25.000 đồng/kg cũng chưa hẳn là lỗ đâu. Vì khi bán được thì đẩy giá lên cao, đến khi ngưng hàng thì phải hạ xuống là đương nhiên"
Cho biết về giải pháp hiện tại, theo vị giáo sư này: "Bà con nên hô hào dân mình mua ăn thôi, còn những giống sầu riêng của Việt Nam thì nên đi đăng ký xuất xứ của Việt Nam ngay. Trung Quốc cấm nhập khẩu sầu riêng của Việt Nam cũng đúng thôi vì giống sầu riêng của Thái Lan thì chỉ có nước đó mới có quyền dán nhãn mác. Chính vì thế nếu muốn xuất sang thị trường Trung Quốc thì dân mình phải chịu mức phí cao hơn để đưa hàng qua Thái Lan dán nhãn mác"
Như báo chí đã đưa tin, anh Nguyễn Thanh Huỳnh, một chủ vựa chuyên xuất khẩu trái cây ở xã Long Trung (huyện Cai Lậy) cho biết: “Lấy lý do sầu riêng Việt Nam chưa có chứng nhận xuất xứ hàng hóa, từ 15/5/2016 phía Trung Quốc chính thức cấm nhập mặt hàng sầu riêng từ Việt Nam qua các cửa khẩu chính ngạch rồi 3 ngày sau họ tiếp tục cấm luôn đường tiểu ngạch. Do vậy, một số thương lái Trung Quốc có làm ăn với Thái Lan đã nhập sầu riêng Việt Nam bằng cách “mượn đường” của Thái Lan nên phải chịu mức phí rất cao”.
Theo ước tính, tại khu vực các xã Long Trung, Tam Bình, Ngũ Hiệp… của huyện Cai Lậy hiện có hơn 50 vựa trái cây. Vào lúc cao điểm mỗi ngày xuất khoảng 30 container. Nếu mỗi container phải chi thêm hơn 100 triệu đồng thì mỗi ngày nông dân phải mất thêm 3 tỉ đồng.
Ông Ngô Quốc Cường, Phó bí thư Đảng ủy xã Long Trung cho biết toàn khu vực hiện có hơn 10.000 ha sầu riêng. Từ giá 45.000 - 50.000 đồng/kg nay đã tụt xuống còn từ 20.000 - 25.000 đồng/kg khiến nông dân bị thiệt hại nặng.
TS Nguyễn Minh Châu, nguyên Viện trưởng Viện cây ăn quả miền Nam cho biết: “Đó là cách mà Trung Quốc đã từng làm với cây chuối của Philippines, không phải là mới. Trong khi thực tế thì Thái Lan cũng không đủ sầu riêng để xuất khẩu nên từ năm ngoái, họ đã vào thị trường VN”.
“Bà con nông dân nên bình tĩnh, không bán giá thấp, vì nhu cầu nhập khẩu hiện đang rất lớn. Trong trường hợp khó khăn, thậm chí ta có thể xẻ ra đông lạnh để bán sau vẫn được”, TS Nguyễn Minh Châu nói.
Theo Đất Việt
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin