Sợ độc hại, người tiêu dùng "nghỉ uống"

01:06, 24/06/2016

Cuối tháng 5 vừa qua, Công ty TNHH URC Hà Nội đã bị xử phạt hành chính trên 5,8 tỷ đồng do các vi phạm sản xuất và bán một số lô nước trà xanh hương chanh C2 và nước tăng lực Rồng đỏ hương dâu có hàm lượng chì cao quá mức công bố.

Cuối tháng 5 vừa qua, Công ty TNHH URC Hà Nội đã bị xử phạt hành chính trên 5,8 tỷ đồng do các vi phạm sản xuất và bán một số lô nước trà xanh hương chanh C2 và nước tăng lực Rồng đỏ hương dâu có hàm lượng chì cao quá mức công bố.

Lo sợ trước thông tin này, nhiều người đã nói không với C2, Rồng đỏ.

C2 từng là thương hiệu nước giải khát được rất nhiều người ưa thích.
C2 từng là thương hiệu nước giải khát được rất nhiều người ưa thích.

“Làm gì còn mà thu hồi?”

Thông tin nước giải khát C2 và Rồng đỏ chứa chì đã khiến rất nhiều người tiêu dùng (NTD) lẫn người bán lo sợ, bất an. Mới đây, Công ty TNHH URC Hà Nội đã bị xử phạt 5,8 tỷ đồng do các vi phạm sản xuất và bán một số lô nước trà xanh hương chanh C2 và nước tăng lực

Rồng đỏ hương dâu có hàm lượng chì cao quá mức công bố. Theo đó, công ty cũng đã bán 2 lô sản phẩm này với tổng trị giá hàng hóa vi phạm gần 3,9 tỷ đồng.

Với mức giá 5.000 đ/chai, có khoảng 800.000 chai C2 và Rồng đỏ có hàm lượng chì cao quá mức công bố không thể thu hồi, vẫn còn trôi nổi trên thị trường. Trong số này có bao nhiêu chai đã được tiêu thụ, bao nhiêu chai còn bày bán?

Ghi nhận tại TP Vĩnh Long và một số chợ nông thôn, nếu như vài tuần trước người dân còn nghi ngờ trước thông tin ngừng lưu thông các lô sản phẩm chứa chì thì nay kể từ khi có quyết định xử phạt và buộc thu hồi, ai cũng lo lắng.

Nhiều chủ tiệm tạp hóa, nước giải khát cho biết, công bố kết quả quá chậm, khi có kết luận ngừng lưu thông thì NTD đã tiêu thụ sản phẩm độc hại mà không biết. Hiện nhiều cửa hàng đã không còn mặt hàng nằm trong danh mục thu hồi.

Không còn trưng bày C2, chị Hiếu- chủ tiệm tạp hóa Trọng Nghĩa (Khóm 2- thị trấn Long Hồ) cho biết: “Khi có thông tin, NTD đã ít chọn những mặt hàng này, lúc trước các sản phẩm này bán rất chạy, nhất là sau tết. Lúc đó, tôi cũng nhập hàng nhiều và đã bán hết lâu rồi.

Gần đây, cũng có nhân viên đến nói là thu hồi sản phẩm nằm trong danh mục nhưng làm gì còn chai nào mà thu hồi?”

Còn cô Liên- chủ tiệm tạp hóa Hữu Vinh (Khóm 4- thị trấn Long Hồ) thì lo lắng: “Tôi có nghe thông tin này, giờ người ta không mua C2 với Rồng đỏ nữa. Sức mua giảm đến 60%. Mấy đứa học sinh lúc trước rất thích Rồng đỏ, giờ phụ huynh không cho mua nữa”.

Cô Liên nói: “Đó, chỗ tôi còn có một thùng thôi mà bán hoài không ai mua. Chớ trước chỉ cần bán vài ngày là hết vèo rồi. Giờ có mấy nhân viên tiếp thị đến năn nỉ tôi lấy C2 với Rồng đỏ nhưng tôi không nhập nữa”.

Tương tự, một chủ tiệm giải khát chợ Song Phú (Tam Bình) cho hay: “Trước đây, tôi còn nghi ngờ về tính chính xác của thông tin này, còn nghĩ là các nhãn hàng cạnh tranh tung tin đồn thì giờ khi có thông tin xác thực, khách hàng rất e dè, cảnh giác, nên sản phẩm này bán rất chậm.

Lượng hàng nhập giảm còn 1/3 nhưng vẫn không bán chạy, tôi đang cân nhắc có nên nhập sản phẩm này về bán nữa hay không”.

Biết bắt đền ai?

Là đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp, nhiều NTD lo sợ bởi không ít người bị ghiền 2 loại thức uống này, từ người lớn đến trẻ nhỏ.

Anh Đoàn Văn Chấn (xã An Phước- Mang Thít) chia sẻ: “Cả gia đình tôi lo lắng vì trước đó mọi người rất hay uống C2.

So với các loại nước giải khát khác, tôi thích C2 vì dễ uống, trước đây tôi thường mua nhiều để tủ lạnh uống dần. Giờ lo lắm, không biết làm thế nào để có thể thải chì ra được nếu lỡ uống phải những chai nước nhiễm chì. Từ nay chắc phải nói “không” với nước ngọt”.

Chị Lê Thị An- người thường xuyên uống C2 (Phường 2- TP Vĩnh Long) bày tỏ: “Tôi cảm thấy rất mất lòng tin. Có khâu kiểm định chất lượng sản phẩm nhưng cuối cùng vẫn có những lô hàng nhiễm độc tràn ra thị trường và được tiêu thụ.

Tôi thấy, họ đã không tôn trọng, không có trách nhiệm với NTD. Tôi rất lo cho sức khỏe của mình, bởi tôi biết nhiễm độc chì sẽ vô cùng nguy hiểm”.

Tâm lý “tẩy chay”, quay lưng với 2 sản phẩm này là ý nghĩ chung của nhiều NTD. Nhiều người cho rằng động thái thu hồi, có trách nhiệm với NTD là quá chậm, chưa hợp lý, không biết NTD ưa thích 2 loại nước uống nay đã tích tụ bao nhiêu lượng chì trong người. Và nếu ảnh hưởng sức khỏe do ngộ độc chì, NTD biết bắt đền ai, ai sẽ chịu trách nhiệm?

Trong khi đó, nhiều NTD cũng bày tỏ, muốn bắt nhà sản xuất chịu lỗi rất khó bởi với hàm lượng chì nêu trên thì phải sử dụng trong thời gian dài mới có biểu hiện nhiễm độc, dẫn đến việc khó chứng minh về mối quan hệ từ việc sử dụng sản phẩm đến hậu quả làm tổn hại sức khỏe con người.

Ngoài ra, trong thời gian dài con người còn sử dụng nhiều sản phẩm khác nên việc chứng minh sử dụng sản phẩm nhiễm chì là tác nhân trực tiếp ảnh hưởng đến sức khỏe rất khó.

Do vậy, để bảo đảm quyền lợi cho mình, mỗi người hãy là NTD thông minh, biết lên tiếng đấu tranh bảo vệ quyền lợi của chính mình và những người xung quanh.

Cơ quan chức năng cần thể hiện trách nhiệm hơn trong việc kết nối giữa NTD và nhà sản xuất để giải quyết các vấn đề có ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi NTD. Đồng thời, có những quyết định cứng rắn để nhà sản xuất có trách nhiệm hơn nữa với NTD.

Ông Đặng Minh Dũng- Chi cục phó Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Sở Y tế) cho biết: Chì là nguyên tố có độc tính cao có thể gây tổn hại cho hệ thần kinh; đặc biệt là trẻ em, người già, người đang bị bệnh bị ảnh hưởng nhiều hơn và nhanh hơn. Tùy theo mức độ nhiễm độc có thể bị đau bụng, đau khớp, viêm thận, cao huyết áp, tai biến não, nhiễm độc nặng có thể gây ảnh hưởng đến suy nội tạng, thậm chí gây tử vong. Đặc tính nổi bật là sau khi xâm nhập vào cơ thể, chì ít bị đào thải mà tích tụ theo thời gian rồi mới gây độc.

Bài, ảnh: THẢO NGUYÊN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh