Sản xuất kinh doanh đang tốt hơn

10:06, 07/06/2016

Kinh tế Vĩnh Long trong 5 tháng đầu năm xuất khẩu vẫn nhiều khó khăn do các mặt hàng còn yếu thế, tình hình hạn, mặn ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp, sản xuất công nghiệp tăng nhưng chưa thật bền vững… 

Kinh tế Vĩnh Long trong 5 tháng đầu năm xuất khẩu vẫn nhiều khó khăn do các mặt hàng còn yếu thế, tình hình hạn, mặn ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp, sản xuất công nghiệp tăng nhưng chưa thật bền vững…

Mặc dù vậy, kinh tế của tỉnh đang có xu hướng tốt lên, hoạt động của doanh nghiệp ổn định hơn, nhu cầu vốn sản xuất kinh doanh tăng, mặt bằng lãi suất khá ổn định…

Ngân hàng ưu tiên cho vay những ngành nghề kinh doanh thiết thực.
Ngân hàng ưu tiên cho vay những ngành nghề kinh doanh thiết thực.

Những tín hiệu lạc quan xen lẫn khó khăn

Theo Cục Thống kê, trong 5 tháng đầu năm 2016, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 10,09% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, nhiều ngành công nghiệp có mức sản xuất tăng cao so với cùng kỳ như: đóng tàu và cấu kiện nổi gấp 2,03 lần; sản phẩm khác từ gỗ, sản phẩm từ tre, nứa, rơm, rạ và vật liệu tết bện tăng 50,37%; thuốc lá tăng 44,24%; khai thác đá, cát, sỏi, đất sét tăng 27,27%; giày dép tăng 19,45%; thức ăn gia súc, gia cầm và thủy sản tăng 15,66%...

Riêng trong tháng 5/2016, đáng chú ý là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng hơn 3% do các doanh nghiệp chủ động đẩy mạnh sản xuất để đáp ứng nhu cầu của khách hàng theo hợp đồng đã ký kết.

Bên cạnh, ngành khai khoáng, sản xuất, phân phối điện, khí đốt… tăng do đáp ứng nhu cầu sản xuất và sinh hoạt.

Xuất khẩu của tỉnh hiện vẫn đang đối mặt với những khó khăn, thách thức với những mặt hàng thế mạnh.

Tuy vậy, những tháng đầu năm ghi nhận những dấu hiệu khả quan hơn. Vĩnh Long đã từng bước đa dạng hóa mặt xuất khẩu dựa trên tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Các mặt hàng như rau quả đông lạnh, giày da, túi xách, vali... tăng mạnh và chiếm tỷ trọng đáng kể trong tổng kim ngạch xuất khẩu.

Trong khi đó, theo Ngân hành Nhà nước (NHNN) chi nhánh Vĩnh Long, mặt bằng lãi suất trên địa bàn ổn định.

Lãi suất huy động bằng VND ổn định ở mức từ 0,8- 1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng, từ 5- 5,4%/năm đối với các kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng, từ 5,5- 7,3%/năm đối với các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên.

Lãi suất cho vay ổn định so với cuối năm 2015. Lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND đối với các lĩnh vực ưu tiên ổn định từ 6- 7%/năm. Các lĩnh vực không thuộc đối tượng ưu tiên phổ biến ở mức: từ 7- 11%/năm (tùy vào kỳ hạn và khối NH).

Đáng chú ý, theo NHNN chi nhánh Vĩnh Long, huy động vốn tiếp tục đà tăng trưởng so với đầu năm do lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, mặt bằng lãi suất huy động ổn định và thực dương.

Bên cạnh, các tổ chức tín dụng đa dạng hóa các hình thức và kỳ hạn huy động giúp tiền gửi tiết kiệm bằng VND tiếp tục tăng khá. Trong khi đó, nhu cầu vốn tập trung chủ yếu ở các lĩnh vực cho vay nông nghiệp nông thôn, vốn lưu động phục vụ sản xuất kinh doanh và phục vụ tiêu dùng của người dân.

Doanh nghiệp phải “đón đầu”

Nhiều doanh nghiệp đã “đón đầu” đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Nhiều doanh nghiệp đã “đón đầu” đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Tuy xuất khẩu 5 tháng đầu năm tăng khá so với cùng kỳ năm trước, nhưng vẫn đang còn nhiều khó khăn, thách thức- nhất là các ngành hàng chủ lực của tỉnh như gạo, thủy sản.

Khó khăn về nguồn nguyên liệu đầu vào, cũng như yếu thế cạnh tranh so với các sản phẩm cùng loại trên thị trường làm cho một số ngành có mức sản xuất giảm mạnh như: chế biến, bảo quản thủy sản và các sản phẩm từ thủy sản, phân bón, xi măng, vôi, thạch cao, xay xát và sản xuất bột thô…

Đánh giá của một số NH thương mại cho thấy, trong khi một số ngành nghề như: xuất khẩu gạo, thủy sản… đang loay hoay đầu ra khi thị trường khó khăn; thì một số doanh nghiệp nhỏ, sản xuất tiêu thụ nội địa lại làm ăn khá ổn.

Trong đó, có doanh nghiệp đã “đón đầu” xu hướng đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, đổi mới bao bì từ vài năm trước và tạo được chỗ đứng khá vững vàng với các sản phẩm như: gạo, nước chấm.

Theo ông Nguyễn Văn Thành- Giám đốc Công ty TNHH SX-TM Phước Thành IV, để đạt tăng trưởng bình quân 20,84% trong 4 năm gần đây, doanh nghiệp đã nghiên cứu phát triển dây chuyền công nghệ chế biến gạo khép kín, tự động hóa, với các máy móc thiết bị tiên tiến.

Xây dựng mẫu mã, bao bì, nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm tại thị trường nước ngoài. Đến nay, đã tiến hành triển khai xây dựng nhà xưởng trên 15.000m2, lắp đặt hoàn chỉnh máy móc- thiết bị theo công nghệ mới và đã đưa vào sản xuất đạt được kết quả cao.

Với các sản phẩm gạo được người tiêu dùng tín nhiệm như gạo Tài Nguyên, Jasmine, Hàm Trâu, 64 Thơm, Lài sữa, Đài Loan- Ngọc nữ.

“Đầu tư ngành nghề thiết thực”- ông Phạm Thanh Hải- Giám đốc NH LienVietPostBank chi nhánh Vĩnh Long cho biết đó là cách để NH quản trị rủi ro và hỗ trợ sản xuất kinh doanh đối với các doanh nghiệp đem lại lợi ích cho xã hội.

Theo ông, ngoài việc lựa chọn khách hàng có nguồn thu nhập đảm bảo, có uy tín, thì các ngành nghề kinh doanh thiết thực như lương thực thực phẩm, sản xuất hàng tiêu dùng, phục vụ đời sống… được NH ưu tiên hơn. Vì ngành nghề thiết thực, doanh nghiệp làm ăn hiệu quả, đồng vốn an toàn hơn.

Trong khi đó, một giám đốc NH thương mại khác, lại cho rằng những yếu tố về tỷ giá, giá điện, xăng dầu biến động, tiền lương công nhân tăng… cũng gây không ít khó khăn cho doanh nghiệp.

Vì thế, vị giám đốc này khuyên các doanh nghiệp nên nghiên cứu kỹ các yếu tố, xem nó chi phối như thế nào đến hiệu quả, lợi nhuận của doanh nghiệp, để có những giải pháp sản xuất kinh doanh phù hợp.

Mở lại cho vay- bán ngoại tệ

Từ ngày 1/6, NHNN mở lại tín dụng ngoại tệ đối với các doanh nghiệp xuất khẩu có nguồn thu bằng ngoại tệ. Quy định này áp dụng đến hết ngày 31/12 với lãi suất cho vay phổ biến 3%/năm (0,25%/tháng), thời hạn vay khoảng 3- 4 tháng, đồng thời phải bán ngoại tệ cho NH theo tỷ giá ngay tại thời điểm giải ngân.

Theo đó, một nhóm đối tượng là các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ được trở lại vay vốn bằng ngoại tệ, sau khi cơ chế đã khép lại từ ngày 1/4 vừa qua. Theo NHNN, việc mở lại cơ chế trên nhằm tạo điều kiện hỗ trợ các doanh nghiệp trong bối cảnh hoạt động sản xuất kinh doanh và tình hình kinh tế- xã hội còn khó khăn.

Từ năm 2012 đến nay, NHNN đã 3 lần “đóng” rồi lại “mở” cho vay- bán ngoại tệ.

 

Bài, ảnh: TRẦN PHƯỚC

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh