Để tồn tại phát triển, nhiều doanh nghiệp (DN) đã mạnh dạn cải tiến, đầu tư máy móc thiết bị và thay đổi tư duy kinh doanh theo hướng hiện đại hơn. Được công nhận sản phẩm tiêu biểu cấp tỉnh là một trong những thành quả mà DN đạt được để tự khẳng định mình.
Để tồn tại phát triển, nhiều doanh nghiệp (DN) đã mạnh dạn cải tiến, đầu tư máy móc thiết bị và thay đổi tư duy kinh doanh theo hướng hiện đại hơn. Được công nhận sản phẩm tiêu biểu cấp tỉnh là một trong những thành quả mà DN đạt được để tự khẳng định mình.
Sản xuất tại Nhà máy Phân bón Cửu Long. |
Tăng lợi thế cạnh tranh
Năm 2016, có 23 sản phẩm của 21 DN, cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn trong tỉnh được bình chọn là “Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh Vĩnh Long năm 2016”.
Theo đó, Hội đồng bình chọn của tỉnh đã chọn 5 sản phẩm tham dự bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn cấp khu vực phía Nam năm 2016, được tổ chức tại tỉnh Bình Dương vào tháng 7 tới.
Lần đầu tiên tham dự cấp khu vực phía Nam, cô Lưu Kim Phụng- chủ Cơ sở sản xuất bún, bánh phở Ba Khánh chia sẻ: Mong muốn lớn nhất của cơ sở là làm sao sản xuất được những sản phẩm sạch, an toàn, chất lượng đến tay người tiêu dùng bởi phở, hủ tiếu, bún là thực phẩm đứng sau cơm nhưng chưa được chú trọng về vệ sinh an toàn thực phẩm. Ban đầu, cơ sở cũng làm theo cách truyền thống nhưng dần mày mò, học hỏi sửa đổi.
Trong đó, bước “chuyển mình” từ chuyển rửa bún bằng nước sang khô là cả một quá trình, nhằm làm ra cọng bún ngon hơn, hạn chế nhân công, tiết kiệm nước.
Cơ sở cũng không ngừng cải tiến máy móc, đáp ứng nhu cầu thị trường. Kế đến là việc cải tiến mẫu mã nhãn mác, nhờ đó đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Sản phẩm đã có mặt ở nhiều tỉnh thành, các hệ thống siêu thị lớn như Co.opmart, Aeon, Satra, Vinmart,... Hiện cơ sở sản xuất 2- 2,5 tấn sản phẩm/ngày.
Là một trong những DN có sản phẩm đạt chứng nhận tiêu biểu cấp tỉnh nhiều năm liền, chị Lê Trúc My- Phó Giám đốc Công ty TNHH Sơn Hải cũng chia sẻ: Lần đầu sản phẩm được tham dự bình chọn cấp khu vực, chị rất vui và vinh dự bởi tiêu chuẩn chọn khá khắt khe.
Trong đó, chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm là tiêu chuẩn đánh giá quan trọng nhất. Công ty đã không ngừng cải tiến, đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại hơn để sản xuất sao cho đảm bảo đúng chất lượng, an toàn. Nhờ vậy mà sản lượng mỗi năm tăng 5- 10%, hiện được rất nhiều người biết đến.
Ông Đinh Văn Vụ- Phó Giám đốc Nhà máy Phân bón Cửu Long cho biết: Nhà máy có sản phẩm phân DAP Bozine được tham dự bình chọn cấp khu vực lần này.
Ngoài 2 thành phần đạm, lân theo tỷ lệ 18- 46, sản phẩm còn bổ sung các nguyên tố vi lượng như boron và kẽm. Nhờ vậy mà làm cho cây tốt hơn, lá dày hơn, hạn chế sâu bệnh.
Mặt hàng này bán rất chạy và có thị trường ổn định, giá trung bình thấp hơn các dòng cao cấp. Sản phẩm sản xuất được 3 năm và được nông dân vùng ĐBSCL ưa chuộng bởi trước đây nông dân chỉ sử dụng DAP Trung Quốc hoặc không rõ nguồn gốc, chất lượng không bằng. Hiện nhà máy sản xuất được 3.500- 4.000 tấn/năm.
Thay đổi tư duy để hội nhập
Chấp nhận chịu lỗ thời gian đầu để quảng bá thương hiệu, là cách mà cô Lưu Kim Phụng thực hiện để đặt dấu ấn trong lòng người tiêu dùng. Cô chia sẻ, nhiều khi cửa hàng ở Sài Gòn đặt 20kg bún, dù chi phí vận chuyển tốn kém nhưng cô vẫn gửi để giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng.
Cô Phụng cho biết: Làm vệ sinh an toàn thực phẩm không phải để đối phó mà mong muốn thật sự đem sản phẩm sạch đến cho mọi người. Đồng thời, phải biết gom góp ý kiến phản hồi từ người tiêu dùng để hoàn thiện sản phẩm hơn.
Còn ông Đinh Văn Vụ thì nói: Để giữ tốc độ phát triển, nhà máy đã có chiến lược cơ cấu lại thị trường. Trước đây, chủ yếu bán ở ĐBSCL từ 80- 90%, sau đó nhà máy đã chủ động cơ cấu lại: 35% cho khu vực ĐBSCL, 35% cho khu vực Đông Nam Bộ và Tây Nguyên, 30% chủ động tìm thị trường xuất khẩu.
Nhờ tăng cường phát triển thương hiệu và tăng hàm lượng công nghệ chất xám vào sản phẩm thông qua việc tăng cường đầu tư công nghệ sản xuất, áp dụng vào đầu tư nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và thực hiện tốt giải pháp động viên phát hiện tối đa nội lực của DN, sức mạnh của tập thể nên nhà máy bán đúng theo cơ cấu.
Hiện nay ngoài tiêu thụ ở các tỉnh ĐBSCL, Tây Nguyên, phía Bắc còn xuất khẩu sang Campuchia và các đơn đặt hàng khác. Mỗi năm, nhà máy xuất khẩu được 13.500 tấn/năm, trong đó xuất sang khu vực Đông Nam Á được 6.000 tấn.
Chị Lê Trúc My chia sẻ: DN cần phải chủ động, chuẩn bị chu đáo nhằm cạnh tranh với hàng hóa nhập khẩu ngày càng nhiều, đa dạng chủng loại, có chất lượng, có mức giá ngày càng giảm. Quan trọng nhất là phải có chiến lược kinh doanh phù hợp hoàn cảnh, phải thay đổi tư duy, tự cải tiến mình và luôn tự hoàn thiện mình.
5 sản phẩm tiêu biểu của Vĩnh Long tham dự bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn cấp khu vực phía Nam- năm 2016 là: Gạo thơm Jasmine của Công ty TNHH Sản xuất- thương mại Phước Thành IV; Bún tươi của Cơ sở sản xuất Ba Khánh; Phân bón DAP- BoZine của Nhà máy Phân bón Cửu Long; Cơm sấy Nhật Quỳnh của Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Nhật Quỳnh và Kẹo đậu phộng của Công ty TNHH Sơn Hải. |
Bài, ảnh: THẢO NGUYÊN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin