Mưa có cứu được vườn cây, ruộng lúa nhiễm mặn?

12:06, 02/06/2016

Vĩnh Long đã bắt đầu chuyển sang mùa mưa. Hầu hết các nơi trong tỉnh đều có mưa to. Những cơn mưa được đánh giá là "mưa vàng" giúp giải cơn khát khô hạn nhưng mưa có cứu được vườn cây, ruộng lúa đã nhiễm mặn?

Vĩnh Long đã bắt đầu chuyển sang mùa mưa. Hầu hết các nơi trong tỉnh đều có mưa to. Những cơn mưa được đánh giá là “mưa vàng” giúp giải cơn khát khô hạn nhưng mưa có cứu được vườn cây, ruộng lúa đã nhiễm mặn?

Đo độ mặn trong nước và đất tại vườn có sầu riêng bị héo lá chết cây.
Đo độ mặn trong nước và đất tại vườn có sầu riêng bị héo lá chết cây.

Qua thực tế khảo sát tại các địa phương có vườn cây, ruộng lúa, rau màu ảnh hưởng hạn, mặn như Vũng Liêm, Trà Ôn và Mang Thít, tình trạng vườn cây trái héo lá, chết cây, ruộng lúa úa vàng vẫn còn xảy ra. Thống kê gần đây thì diện tích thiệt hại vẫn tiếp tục tăng thêm.

Khả năng chịu mặn của một số cây trồng có thể được phân nhóm cụ thể như:

Nhóm cây mẫn cảm với mặn: sầu riêng, chôm chôm, bòn bon, măng cụt, rau ăn lá,…

Nhóm cây chịu mặn yếu (có thể chống chịu trong điều kiện nước nhiễm mặn 1,5- 2‰) như: ca cao, bắp, đậu, cà chua, ớt, bầu, bí,…

Nhóm cây chịu mặn trung bình (có thể chống chịu trong điều kiện nước nhiễm mặn 2- 4‰) như: cam, quýt, bưởi, chanh, chuối, mít,…

Nhóm cây chống chịu khá (thể chống chịu trong điều kiện nước nhiễm mặn 4- 6‰) như: xoài, sapo, dừa,…

Riêng cây lúa gồm nhiều giống có khả năng chống chịu mặn khác nhau từ 2- 6‰.

Tại Vũng Liêm, 2 xã Thanh Bình và Quới Thiện có diện tích vườn cây trái thiệt hại từ 30- 70% là trên 600ha và thiệt hại trên 70% có hơn 300ha.

Một số diện tích lúa chuẩn bị thu hoạch ở xã Hiếu Thành cũng bị héo úa, giảm năng suất nghiêm trọng. Diện tích thiệt hại này chỉ mới phát sinh gần đây và chưa được thống kê trước đó.

Tại Mang Thít thời gian gần đây, trên cây sầu riêng xuất hiện tình trạng rụng lá, chết cây. Thống kê sơ bộ có 10,2ha ở ấp Tân An B và Mỹ Long (xã Chánh An).

Còn tại Trà Ôn, hiện mức độ thiệt hại do hạn, mặn vẫn tiếp tục xảy ra trên lúa đòng trổ ở các xã: Thới Hòa, Nhơn Bình, Hòa Bình. Địa phương vẫn đang tiếp tục thống kê diện tích này.

Thời gian gần đây, mặc dù có mưa to góp phần đáng kể vào việc rửa mặn. Tuy nhiên, do bộ rễ cây trồng đã bị tổn thương trong thời gian nhiễm mặn nên đòi hỏi chăm sóc đúng cách thì mới nâng cao khả năng phục hồi của cây.

Qua khảo sát, một số diện tích lúa giai đoạn trổ chín có biểu hiện giảm năng suất, héo úa ngoài đồng. Nguyên nhân do ảnh hưởng xâm nhập mặn, nhiều khả năng do tình trạng khô hạn trước đó làm cho đất nứt nẻ khiến phèn tấn công.

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp- PTNT), khi cây trồng bị nhiễm mặn thì biểu hiện ức chế sinh trưởng là đặc trưng rõ rệt nhất do các chức năng sinh lý bị kiềm hãm. Nồng độ muối càng cao thì kiềm hãm sinh trưởng càng mạnh.

Tùy theo từng loại cây trồng mà khả năng chống chịu được mặn, hạn, phèn khác nhau. Tuy nhiên, giai đoạn mẫn cảm dễ bị tổn thương nhất của cây trồng là giai đoạn cây non, giai đoạn trổ hoa, đậu trái. Nếu độ mặn từ 4‰ trở lên thì môi trường đất sẽ bị ảnh hưởng.

Theo TS Huỳnh Kim Định- Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, giải pháp kỹ thuật khắc phục khi đã bị nhiễm mặn là thực hiện biện pháp rửa mặn.

Xây dựng hệ thống kinh mương thoát nước rửa mặn ra khỏi ruộng và kinh tưới lấy nước ngọt để thay thế nước mặn làm ngọt hóa đất. Kinh mương thoát nước rửa mặn đào sâu, đủ độ dài để rút mặn xuống sâu và thoát nước ngầm chứa muối đi xa.

Bón vôi trong thời gian làm đất khoảng 500- 1.000 kg/ha giúp cho cây lúa có khả năng tăng tích lũy nồng độ proline cao để điều chỉnh thẩm thấu, gia tăng khả năng hút nước của cây, hạn chế việc hấp thụ và vận chuyển Na+, Cl- từ rễ vào thân cây (là những chất độc có trong nước mặn gây hại cho cây), do đó giúp cây tăng khả năng chống chịu mặn.

Trên những loại đất vừa nhiễm mặn vừa có phèn thì nên bón loại vôi nung (CaO) để vừa giúp rửa mặn vừa giúp hạ phèn.

Trong trường hợp cây trồng bị nhiễm mặn, bằng biện pháp kỹ thuật canh tác có thể gia tăng khả năng chịu mặn cho cây như bón phân qua lá, tăng cường bón phân hữu cơ, phân lân, Kali (lưu ý không nên sử dụng phân KCl), silic cho cây trồng, sử dụng Ure chậm tan…

Kỹ thuật canh tác

Đối với cây lúa

Vùng bị nhiễm mặn trên 3‰ tuyệt đối không xuống giống.

Vũng nhiễm mặn dưới 3‰ có thể xuống giống và phải áp dụng một số biện pháp kỹ thuật như sử dụng các giống ngắn ngày chịu mặn như: OM 5451, OM 2517, OM 6976, OM 6162, OM 9921, OM 6677, GKG1.

Cày phơi đất, khi có nguồn nước ngọt tranh thủ rửa mặn.

Tăng cường bón phân hữu cơ và bón vùi vôi khi làm đất, lượng 500- 1.000kg vôi bột/ha.

Sử dụng các dạng phân Ure chậm tan như đạm vàng (Ure 46A+) hoặc đạm xanh (Ure + NEB 26) để chống thất thoát đạm, tăng cường bón bổ sung phân sulphate Kali (K2SO4) trong giai đoạn đầu.

Tranh thủ nguồn nước ngọt để tưới đủ nước cho 3 lần bón phân và thời kỳ trỗ, khi có nước ngọt tranh thủ rửa mặn liên tục, nhiều lần.

Trường hợp không thể có nguồn nước ngọt, có thể sử dụng nguồn nước bị nhiễm mặn nhẹ (dưới 2‰ đối với giai đoạn lúa đẻ nhánh và dưới 1‰ với các giai đoạn mạ, lúa làm đòng và trỗ).

Nếu giai đoạn mạ bị hạn nặng cần tưới phun nước ngọt cho mạ hoặc kết hợp tưới phun nước ngọt khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật với lượng nước phun khoảng 600- 800 lít/ha.

Đối với cây ăn trái

- Khi có nguy cơ bị nhiễm mặn, chủ động tối đa nguồn vật liệu hữu cơ như rơm rạ, cỏ khô, lá khô, lục bình,… phủ gốc để giữ ẩm cho cây. Cắt tỉa cành, tạo tán gọn để hạn chế thoát hơi nước.

- Khi đã nhiễm mặn: bón bổ sung phân sulphate Kali K2SO4, vôi bột lượng 500- 1.000 kg/ha. nếu hạn, mặn kéo dài phun thêm phân bón lá và chế phẩm tăng cường khả năng chống chịu mặn như KNO3 (10 g/1 lít nước), Brassinosteroid (Comcat 150 WP, Nyro 0,01 N, Super Humic, Dexamone,…).

- Không tưới nước có độ mặn trên 2‰, khi có nguồn nước ngọt tranh thủ tích nước và tưới để giữ ẩm.

 

Bài, ảnh: LÊ SƠN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh