Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (NTD) thuộc Sở Công thương tỉnh Vĩnh Long đã trở thành cầu nối hỗ trợ giải quyết những thắc mắc của NTD trong việc mua bán hàng hóa và từng bước trở thành điểm tựa để tìm lại công bằng cho người NTD.
Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (NTD) thuộc Sở Công thương tỉnh Vĩnh Long đã trở thành cầu nối hỗ trợ giải quyết những thắc mắc của NTD trong việc mua bán hàng hóa và từng bước trở thành điểm tựa để tìm lại công bằng cho người NTD.
Trong nhiệm kỳ 2, Hội Bảo vệ quyền lợi NTD phấn đấu thành lập 3 tổ chức hội cấp huyện- thị- thành. |
Tìm lại công bằng cho người tiêu dùng
Từ khi thành lập đến nay, Hội Bảo vệ quyền lợi NTD đã tiếp nhận 198 vụ khiếu nại của NTD, trong đó hội đã trực tiếp tư vấn NTD 139 vụ.
Riêng 79 vụ NTD đến khiếu nại tại cơ quan hội thì cũng đã hòa giải thành 68 vụ. Còn lại 11 vụ chưa hòa giải được hội cũng đã hướng dẫn NTD đến cơ quan chức năng giải quyết.
Các vụ khiếu nại của NTD thường liên quan đến mua bán xe máy, điện máy, hàng gia dụng, tiêu dùng,… trong đó, điển hình là thương vụ tranh chấp mua bán ôtô nhập khẩu bị lỗi kỹ thuật có giá trị lên đến 840 triệu đồng. Thông qua nhiều lần hòa giải, hội đã hỗ trợ tích cực và tìm lại công bằng cho NTD.
6 tháng đầu năm nay, hội đã tiếp nhận và giải quyết 8 đơn thư khiếu nại của NTD. Đồng thời, đã tư vấn qua điện thoại cho NTD khi mua sắm cũng như giải quyết khiếu nại của khách hàng đối với cơ sở bán hàng.
Cụ thể, vào ngày 10/4/2016, khách hàng Lê Hoàng Hận (ngụ TP Vĩnh Long) đến cửa hàng vải sợi An Thịnh (Phường 2- TP Vĩnh Long) mua 1 nệm cao su hiệu Kimdan (được tặng thêm bảo vệ nệm, áo, hộp khăn) với tổng giá trị 13,8 triệu đồng.
Bên mua đã trả trước 10 triệu đồng, số còn lại khi giao hàng sẽ thanh toán đầy đủ. Nhưng khi đến hẹn, cửa hàng trên đã không giao hàng như thỏa thuận với lý do là giá sản phẩm đã tăng giá lên nên yêu cầu khách hàng phải trả thêm 20% giá trị hàng hóa thì mới giao hàng.
Sau khi nhận được đơn khiếu nại của khách hàng, Hội Bảo vệ quyền lợi NTD đã mời 2 bên hòa giải. Theo đó, chủ cửa hàng An Thịnh đã nhận thấy sự việc không đúng theo thỏa thuận mua bán ban đầu nên đã nhận lỗi và đồng ý giao hàng cho khách.
Một trường hợp khác, khách hàng Huỳnh Thị Thanh Tuyền (ngụ Phường 4- TP Vĩnh Long) khiếu nại việc Công ty TNHH Thương mại mua sắm Mỹ Hảo (có trụ sở tại Phường 1, Quận 6- TP Hồ Chí Minh) đã gọi vào số điện thoại của khách hàng thông báo số điện thoại đã trúng thưởng 3 triệu đồng nhưng không đưa tiền mặt mà khách hàng sẽ được nhận 1 trong 3 sản phẩm.
Trong đó có điện thoại Samsung Galaxy A3, phiên bản 2016 có giá thị trường là 6,19 triệu đồng. Do công ty không tính thuế nên giá gốc là 5,99 triệu đồng.
Để nhận điện thoại, khách hàng phải trả thêm 2,99 triệu đồng. Qua thỏa thuận, khách hàng đã đồng ý nhận máy điện thoại trên và chuyển 2,99 triệu đồng cho công ty qua đường bưu điện.
Nhưng khi nhận hàng, thay vì điện thoại Samsung Galaxy A3 được thay bằng điện thoại Phone N9, không đúng theo thỏa thuận ban đầu.
Sau khi nhận được đơn phản ánh, Hội Bảo vệ quyền lợi NTD đã làm việc với bưu điện và đề nghị giữ lại số tiền mà khách hàng gửi, đồng thời gọi điện trực tiếp gặp lãnh đạo công ty trên để trao đổi những nội dung mà khách hàng đã khiếu nại.
Kết quả, lãnh đạo công ty đã thừa nhận thiếu sót trong việc quản lý nhân viên, gây xâm hại đến quyền lợi của NTD, đồng thời công ty đã chấp nhận thu lại sản phẩm và chuyển trả lại tiền cho
khách hàng.
Ông Trần Trung Nghĩa- Thư ký chuyên trách Hội Bảo vệ quyền lợi NTD cho biết: Qua các vụ hòa giải thành và tư vấn cho NTD, các chủ doanh nghiệp cơ sở sản xuất, kinh doanh ý thức được trách nhiệm của mình đối với Luật Bảo vệ quyền lợi NTD, từ đó chấp nhận thay đổi linh kiện, đổi lại hàng hóa mới hoặc trả tiền mua và bồi thường thiệt hại cho NTD.
Kỳ vọng ở nhiệm kỳ mới
Theo ông Đặng Văn Hoai- Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi NTD, nhiệm kỳ qua, hội đã vận động thành lập cơ sở hội cấp huyện cũng như 2 CLB bảo vệ quyền lợi NTD thuộc Hội Nông dân và Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh.
Song do thiếu kinh phí nên đến nay vẫn chưa thể thành lập. Hiện chỉ có các ban hòa giải ở các chợ hạng 1, 2, 3 do ban quản lý chợ tổ chức thực hiện.
Sau đại hội lần 2, nhiệm kỳ 2016- 2020, Hội Bảo vệ quyền lợi NTD sẽ tổ chức và củng cố bộ máy chuyên trách, tập trung vận động thành lập ban tư vấn giải quyết khiếu nại NTD, CLB bảo vệ quyền lợi NTD cũng như thành lập các tổ chức hội ở cấp huyện ở những nơi có điều kiện, như TP Vĩnh Long, Vũng Liêm và Long Hồ. Xây dựng thành lập 10 tổ hòa giải tại các ban quản lý chợ hạng 1, 2.
Ông Nguyễn Văn Còn- Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết: Bên cạnh việc ngành chuyên môn đẩy mạnh công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm thì NTD cũng cần nâng cao nhận thức bảo vệ quyền lợi của mình, kịp thời tố giác, đấu tranh các hành vi sai trái, vi phạm pháp luật, ý thức trong việc chọn hàng hóa an toàn, đảm bảo chất lượng.
Ông Đặng Văn Hoai cũng cho rằng, NTD hiện nay vẫn còn dè dặt mỗi khi cần đến sự can thiệp của ngành chức năng để giải quyết tranh chấp phát sinh trong quá trình mua bán hàng hóa.
Do đó, sự đồng hành của NTD sẽ góp phần quan trọng trong việc đấu tranh, đẩy lùi các loại hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng trên thị trường cũng như ngăn chặn những thủ đoạn tinh vi của các hình thức kinh doanh gian dối.
Ông Đặng Văn Hoai- Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi NTD “NTD hiện nay vẫn còn dè dặt mỗi khi cần đến sự can thiệp của ngành chức năng để giải quyết tranh chấp phát sinh trong quá trình mua bán hàng hóa. Hội Bảo vệ quyền lợi NTD là địa chỉ để giúp NTD tìm lại công bằng khi quyền lợi của họ bị xâm phạm”. |
Bài, ảnh: THANH LIÊM- HOÀNG MINH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin