Lễ ký kết đã diễn ra dưới sự chứng kiến của Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang và Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama.
Lễ ký kết đã diễn ra dưới sự chứng kiến của Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang và Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama.
Trưa 23/5, tại Phủ Chủ Tịch, Tập đoàn Hoa Kỳ General Electric (GE) và Bộ Công Thương Việt Nam đã ký kết hợp tác phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam.Theo đó, 2 bên sẽ cùng phát triển ít nhất 1.000MW điện từ các trang trại điện gió mới cho tới năm 2025. Ước tính, sản lượng điện này đủ để cung cấp cho 1,8 triệu hộ dân Việt Nam
Lễ ký kết đã diễn ra dưới sự chứng kiến của Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang và Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama. |
Theo thỏa thuận ký kết, GE - Tập đoàn toàn cầu với hơn 20 năm kinh nghiệm hoạt động tại Việt Nam sẽ tận dụng kinh nghiệm phát triển điện gió toàn cầu và làm việc với các đối tác địa phương để xác định các dự án tiềm năng. Hơn nữa, thỏa thuận này cũng sẽ hỗ trợ Chương trình Mục tiêu Quốc gia thông qua việc nội địa hóa sản xuất các thiết bị và linh kiện của tua-bin gió tại nhà máy GE Hải Phòng và hợp tác với các nhà cung cấp nội địa khác.
"Phát triển năng lượng tái tạo là một trong những ưu tiên của Chính phủ để giải quyết những thách thức năng lượng nhằm đáp ứng sự phát triển kinh tế và xã hội Việt Nam. Với mong muốn chung nhằm phát triển cơ sở hạ tầng ngành năng lượng tái tạo tại Việt Nam, thông qua sự hợp tác lần này, chúng tôi đánh giá cao năng lực chuyên môn và kinh nghiệm của GE trong việc phát triển nguồn năng lượng gió quan trọng này nhằm giảm thiểu các tác động đến môi trường và biến đổi khí hậu" – ông Đặng Huy Cường, Tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng, đại diện Bộ Công Thương cho biết.
Đáp lại sự tin tưởng đó, ông Phạm Hồng Sơn, CEO của GE Việt Nam nhấn mạnh: "Với năng lực chuyên môn của GE trong lĩnh vực sản xuất và đầu tư vào năng lượng gió trên toàn cầu, cùng với những kinh nghiệm địa phương mà chúng tôi đã có được từ những dự án điện gió đầu tiên tại Việt Nam, GE hy vọng sẽ tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của Chính phủ, Bộ Công Thương và sẽ phối hợp với các đối tác Việt Nam nhằm phát triển năng lượng tái tạo một cách hiệu quả và bền vững".
Việt Nam là một quốc gia được ưu ái với nguồn tài nguyên năng lượng gió dồi dào phân bố trên khắp cả nước. Sự đa dạng về địa lý cùng khả năng phát triển điện gió, cộng thêm tài nguyên thủy điện rộng khắp đất nước, Việt Nam sẽ có lợi thế lớn trong việc sử dụng điện gió với chi phí thấp. Việc tận dụng nguồn năng lượng gió sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sự linh hoạt và an ninh năng lượng quốc gia trong tương lai khi nhu cầu năng lượng phát sinh từ sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam ngày càng tăng.
Là một trong những doanh nghiệp sở hữu danh mục năng lượng tái tạo sâu rộng nhất trong ngành công nghiệp, với tổng công suất lắp đặt lớn nhất thế giới lên tới 370GW, GE đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển trang trại điện gió đầu tiên của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tại tỉnh Bạc Liêu. GE đã cung cấp 62 tuabin gió, với tổng công suất trên 99MW điện. Giai đoạn I của dự án đã hòa lưới điện quốc gia vào tháng 6 năm 2013.
Năm 2009, GE tăng cường đầu tư bằng việc thành lập nhà máy sản xuất linh kiện tua-bin gió tại Hải Phòng. Nhà máy đã tạo ra hơn 600 việc làm cho người dân địa phương và xuất khẩu hàng nghìn máy phát điện cùng linh kiện tua-bin gió nhằm góp phần vào các giải pháp năng lượng toàn cầu.
GE là một trong những công ty Hoa Kỳ đầu tiên có mặt tại Việt Nam vào năm 1993.
GE thiết lập văn phòng đại diện đầu tiên tại Hà Nội và văn phòng tiếp theo tại Thành phố Hồ Chí Minh vào năm 2001. Năm 2003, GE thành lập Công ty TNHH GE Việt Nam, 100% vốn của GE, chuyên cung cấp các dịch vụ hậu mãi đa ngành trong các lĩnh vực thiết bị y tế, điện và năng lượng.
Từ năm 2015, sau khi sáp nhập hai mảng kinh doanh Năng lượng và Truyền tải điện của Alstom, GE trở thành một công ty chuyên biệt hơn, thúc đẩy quá trình phát triển thành một công ty công nghiệp kỹ thuật số.
GE Việt Nam hiện có hơn 900 nhân viên và cung cấp các sản phẩm, dịch vụ trong các lĩnh vực Power (Năng lượng), Energy Connections (Truyền tải điện), Renewable Energy (Năng lượng tái tạo), Oil & Gas (Dầu khí), Healthcare (Thiết bị y tế) và Aviation (Hàng không)./.
Theo VOV.VN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin