Gạo Việt Nam bao giờ "đặt chân" vào thị trường EU?

09:05, 05/05/2016

Thập niên đầu thế kỷ XXI, Việt Nam đã vươn lên thành "cường quốc" về xuất khẩu gạo trên thế giới. Thế nhưng hiện gạo Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sang những thị trường dễ tính

Thập niên đầu thế kỷ XXI, Việt Nam đã vươn lên thành “cường quốc” về xuất khẩu gạo trên thế giới. Thế nhưng hiện gạo Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sang những thị trường dễ tính như: Châu Phi, ASEAN, Trung Quốc, Trung Đông. Những thị trường cao cấp, khó tính như Liên minh Châu Âu (EU), Mỹ, Nhật,… thì gạo Việt không dễ tiếp cận.

Muốn đi xa hơn, gạo Việt Nam phải được nâng cao chất lượng, tạo dựng thương hiệu, uy tín trên thị trường khó tính. Ảnh minh họa: VINH HIỂN
Muốn đi xa hơn, gạo Việt Nam phải được nâng cao chất lượng, tạo dựng thương hiệu, uy tín trên thị trường khó tính. Ảnh minh họa: VINH HIỂN

Gạo Việt- vì đâu chịu cảnh ngậm ngùi

Theo báo cáo mới đây của Cục Chế biến nông lâm- thủy sản và Nghề muối (Bộ Nông nghiệp- PTNT), năm 2015, lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam đạt 6,587 triệu tấn và giá trị đạt 2,8 tỷ USD, tăng 4% về khối lượng nhưng giảm 4,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2014.

Giá gạo xuất khẩu bình quân năm 2015 đạt 425,6 USD/tấn, giảm 8,2% so với năm 2014.

Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam trong năm 2015 với 30,65% thị phần. Xuất khẩu gạo sang thị trường Trung Quốc năm 2015 tăng 4,8% về khối lượng nhưng giảm 3,6% về giá trị so với năm 2014.

Theo số liệu mới nhất do Bộ Nông nghiệp- PTNT công bố: Tổng lượng gạo xuất khẩu 3 tháng đầu năm 2016 đạt 1,59 triệu tấn và 692 triệu USD.

Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam bình quân đạt 433 USD/tấn. Indonesia vươn lên là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam từ đầu năm 2016 đến nay với thị phần đạt 31,42% (đạt 330,3 ngàn tấn và 131,01 triệu USD). Trung Quốc, đứng vị trí thứ 2 về thị trường nhập khẩu gạo của Việt Nam với 17,15% thị phần.

Ngoài ra, các thị trường khác nhập khẩu gạo Việt Nam có sự tăng trưởng mạnh: Philippines, Malaysia, Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất…

Theo kết quả nghiên cứu của Liên minh “Vì quyền của người nông dân và hiệu quả nền nông nghiệp Việt Nam” cũng chỉ rõ: Thị trường xuất khẩu gạo chính của Việt Nam là Châu Á (chiếm 59%) và Châu Phi (chiếm 24%).

Loại gạo phổ biến được xuất khẩu của Thái Lan với tên gọi là Thai Hommali, còn Ấn Độ xuất khẩu gạo với tên gọi Basmati, trong khi đó, gạo thơm của Việt Nam vẫn chưa xây dựng được thương hiệu riêng. Tập trung chủ yếu thị trường xuất khẩu tập trung ở phân đoạn thấp, kém đa dạng: Châu Phi, Trung Quốc, ASEAN.

Khi những thị trường xuất khẩu này gặp khó khăn, lập tức tạo sức ép giảm giá lên toàn bộ thị trường nội địa, gây thiệt hại cho các thành phần trong chuỗi sản xuất lúa gạo trong nước, đặc biệt là người nông dân.

Trao đổi với chúng tôi, TS. Lê Văn Bảnh, Cục trưởng Cục Chế biến Nông lâm Thủy sản và Nghề muối (Bộ NN&PTNT)- người vừa có chuyến công tác khảo sát thị trường EU cùng Bộ Công thương cho biết: Hiện lượng gạo của Việt Nam vào được thị trường EU rất ít, dường như không đáng kể.

Hiện việc xuất khẩu mặt hàng gạo nói riêng và nông sản Việt Nam lâu nay vẫn phụ thuộc quá lớn vào Trung Quốc, thị trường vốn được xem là dễ tính này.

Năm 2015, trừ các mặt hàng rau quả, gỗ, hạt điều và sắn đều có sự tăng trưởng so với năm 2014, các mặt hàng khác đều suy giảm giá trị xuất khẩu, riêng mặt hàng gạo giảm 3,6% giá trị. Sự dễ tính của thị trường Trung Quốc đã giúp mặt hàng gạo cũng như nông sản của Việt Nam có đầu ra tiêu thụ.

Tuy nhiên, chính sự dễ tính của thị trường này cũng là nguyên nhân khiến hạt gạo Việt được “nuông chiều” quá mức không chịu nâng cao chất lượng và thiếu thương hiệu. Do đó, hạt gạo Việt càng khó lòng “chen chân” vào các thị trường vốn rất khó tính như EU.

Giải thích nguyên nhân khiến gạo Việt chưa thể vào được thị trường EU, TS. Lê Văn Bảnh cho hay: Lâu nay, mặt hàng gạo của Việt Nam xuất khẩu vào EU phải chịu thuế nhập khẩu tới 40%, vì vậy rất khó để cạnh tranh được với các loại gạo của các quốc gia xuất khẩu khác.

Do đó, sản phẩm gạo Việt vẫn phải chịu cảnh “ngậm ngùi” trước các sản phẩm gạo của các quốc gia xuất khẩu gạo khác: Thái Lan, Ấn Độ, Campuchia trên “sân chơi” này.

Gạo Việt làm gì để “đặt chân” vào được EU?

Gạo Việt sẽ có mặt ở thị trường Châu Âu nếu nông dân và doanh nghiệp cùng liên kết sản xuất sản phẩm sạch (ảnh chụp ở ĐBSCL). Ảnh: HÀ VĨNH THÁI (TP Cần Thơ)
Gạo Việt sẽ có mặt ở thị trường Châu Âu nếu nông dân và doanh nghiệp cùng liên kết sản xuất sản phẩm sạch (ảnh chụp ở ĐBSCL). Ảnh: HÀ VĨNH THÁI (TP Cần Thơ)

Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam- EU được nhiều người ví như “Cánh cửa EU” đã mở rộng đối với ngành nông nghiệp Việt Nam của Việt Nam nói chung và mặt hàng gạo nói riêng khi 90% hàng hóa vào thị trường này sẽ được hưởng mức thuế suất 0%, trong đó có mặt hàng gạo.

Thế nhưng liệu mặt hàng gạo Việt Nam có thể “đặt chân” vào thị trường này thành công hay không thì câu trả lời vẫn còn ở phía trước.

Bởi những mặt hàng chiếm thị phần xuất khẩu lớn nhất trong các mặt hàng nông sản Việt Nam xuất khẩu sang thị trường EU chủ yếu là cà phê, thủy sản, gỗ và sản phẩm gỗ.

Khó khăn lớn đối với thị trường này là những rào cản kỹ thuật phi thuế quan như: chất lượng, an toàn thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ, bao bì, mẫu mã,…

Liên minh “Vì quyền của người nông dân và hiệu quả nền nông nghiệp Việt Nam” nhận định: Xu hướng gia tăng cạnh tranh xuất khẩu gạo trên thế giới, nếu không xuất khẩu được gạo, Việt Nam sẽ bị rơi vào tình trạng dư thừa nguồn cung trong nước.

Vì vậy, ngành lúa gạo Việt Nam cần chuyển dịch sang sản xuất các loại gạo chất lượng cao hơn; đa dạng hóa thị trường xuất khẩu; và cung ứng gạo chất lượng cao cho tiêu thụ trong nước.

TS. Lê Văn Bảnh cho rằng: Rào cản thuế được gỡ bỏ khi Hiệp định FTA Việt Nam- EU có hiệu lực. Thế nhưng gạo Việt Nam muốn “đặt chân” vào được thị trường EU thành công thì cần phải nâng cao chất lượng, thương hiệu sản phẩm, có nguồn gốc, xuất xứ, địa chỉ, địa lý rõ ràng, đặc biệt là phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (trong đó có kiểm soát về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật).

Để làm được điều này, nông dân và doanh nghiệp phải cùng bắt tay hợp tác xây dựng, hình thành các chuỗi liên kết sản xuất, chế biến lúa gạo.

Vì vậy, nông dân, doanh nghiệp đều phải áp dụng các quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt theo tiêu chuẩn của Việt Nam (VietGAP) hay thực hành nông nghiệp tốt theo tiêu chuẩn toàn cầu (GlobalGAP).

Hiện Bộ Nông nghiệp- PTNT đã giao cho Cục Chế biến nông lâm- thủy sản và Nghề muối chủ trì để xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam. Trước mắt, sẽ tập trung xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn gạo (dự kiến năm 2017, sẽ ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn từng loại gạo: gạo thơm, gạo hạt dài, gạo thường).

Ngoài ra, Cục Chế biến nông lâm- thủy sản và Nghề muối sẽ phối hợp với Hiệp hội Xuất khẩu gạo Việt Nam thiết kế, lựa chọn logo cho sản phẩm gạo: gạo thơm, gạo hạt dài.

Mỗi chủng loại gạo sẽ được cung cấp logo in, dán trên bao bì nhằm giúp người tiêu dùng dễ dàng nhận biết từng chủng loại sản phẩm. Để đảm bảo chất lượng gạo, nông dân phải sử dụng giống lúa xác nhận (độ thuần của giống, đảm bảo chất lượng giống).

Đặc biệt, để gạo không có tồn dư hóa chất, nông dân không được dùng các loại thuốc bảo vệ thực vật ngoài danh mục, khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật phải tuyệt đối tuân thủ nguyên tắc “4 đúng” (đúng thuốc, đúng lúc, đúng nồng độ và liều lượng, đúng cách); đảm bảo thời gian cách ly trước khi thu hoạch.

TS. Lê Văn Bảnh cho rằng, nếu gạo Việt Nam làm được điều này thì hoàn toàn có thể cạnh tranh “sòng phẳng” được với các sản phẩm gạo của các quốc gia xuất khẩu khác tại thị trường EU.

Một số doanh nghiệp trong nước đã đưa gạo sang thị trường EU nhưng bị “vướng” dư lượng hóa chất. Trong khi đó, ở trong nước một doanh nghiệp khác đang chuẩn bị nhằm cung cấp gạo vào thị trường EU.

HÀ VĨNH THÁI

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh