Đô thị: Bao giờ hết điệp khúc "mưa là ngập"?

01:05, 25/05/2016

Sau những trận mưa lớn, nhiều đô thị liền "lủm bủm" ngập úng. "Cứ mưa lớn chừng 30 phút là 
ngập nước cả tiếng sau mới thoát hết…"- nhiều người dân than thở.

Sau những trận mưa lớn, nhiều đô thị liền “lủm bủm” ngập úng. “Cứ mưa lớn chừng 30 phút là 
ngập nước cả tiếng sau mới thoát hết…”- nhiều người dân than thở.

Sau những trận mưa kéo dài kèm theo hệ thống thoát nước tắc nghẽn thì nhiều tuyến phố lại chìm trong nước.
Sau những trận mưa kéo dài kèm theo hệ thống thoát nước tắc nghẽn thì nhiều tuyến phố lại chìm trong nước.

Mưa lớn là ngập

Điệp khúc “mưa là ngập” đã trở thành nỗi ám ảnh của nhiều người dân ở đô thị. Mặc dù các ngành chức năng đã đưa ra nhiều biện pháp để giải quyết nhưng thực trạng đường ngập, cây đổ ngã vào mùa mưa vẫn cứ tiếp diễn.

Tại TP Vĩnh Long, mùa mưa năm nay vừa đến là mọi người lại bì bõm trong nước ngập. Những con đường thường xuyên bị ngập chủ yếu ở khu vực Phường 1.

Nhưng gần đây, đường Phạm Thái Bường (Phường 4) vốn được coi là cao ráo, cũng đã xảy ra ngập sâu ở một số đoạn. Chú Lê Thanh Long (Phường 2- TP Vĩnh Long) cũng cho hay: “Một số tuyến đường chỉ cần mưa lớn là ngập ứ khiến việc đi lại rất khó khăn, nhất là trong giờ tan học, tan sở”.

Dù hệ thống thoát nước đã được nâng cấp, tuy nhiên, việc ngăn ngừa ngập lụt, triều cường vẫn chưa được giải quyết phù hợp, hiện trạng ngập ứ ngày càng nghiêm trọng.

Ông Ngô Thành Thía- Phó Giám đốc Công ty TNHH 1TV Công trình công cộng cho biết: Nội ô TP Vĩnh Long mưa lớn chừng 30 phút là ngập, khoảng hơn một tiếng sau mới thoát hết.

Năm nay, đường Phạm Thái Bường ngập nhiều do hệ thống thoát nước bị lấp nhiều. Cụ thể, các miệng cống trên đường này chủ yếu thoát ra rạch Cá Trê và phía đường Trần Phú.

Tuy nhiên, hiện tại các hộ dân đã lấn chiếm, san lấp gần hết. Nếu không có biện pháp khắc phục sớm, thời gian tới tình trạng ngập sẽ còn nghiêm trọng hơn.

Bên cạnh đó, nhiều tuyến đường cống đã xuống cấp, tuy có nâng cấp nhưng không kịp, thoát nước rất chậm, như đường Trưng Nữ Vương, Hưng Đạo Vương, 19 Tháng 8, Nguyễn Thị Minh Khai, 30 Tháng 4, 3 Tháng 2...

Nếu tình trạng ngập đường thường xuyên và kéo dài thì nỗi lo lớn nhất là đường sá sẽ bị hư, khi đó tốn kinh phí sửa chữa rất lớn.

Theo ông Ngô Thành Thía, nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngập ứ mỗi khi mưa lớn chủ yếu là do hệ thống thoát nước không “đuổi kịp” sự phát triển của đô thị.

Đường xuống cấp, nhưng chưa khắc phục được nhiều. Trước đây, nước sinh hoạt, nước mưa của thành phố tự thoát thẳng xuống kinh rạch, song tốc độ đô thị hóa quá nhanh, người dân làm nhà, xây dựng công trình lấn chiếm, san lấp… nên nước mưa bị “dí” không lối thoát.

Điệp khúc mưa lớn là ngập không chỉ xảy ra ở TP Vĩnh Long mà còn có ở các đô thị cấp huyện như Vũng Liêm, Trà Ôn, TX Bình Minh... Ông Trương Trung Ân- Chủ tịch UBND thị trấn Trà Ôn cho biết: Hễ mưa lớn là thị trấn bị ngập khoảng 10%. Hệ thống cống đã có lâu đời, xuống cấp trầm trọng nên giờ chỉ biết ngập chỗ nào xử lý chỗ đó.

Còn tại Vũng Liêm, cơn mưa kéo dài hơn 2 giờ cuối tuần qua đã khiến nhiều đoạn đường trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa ngập sâu, nước mưa tràn lên cả vỉa hè, xe máy phải chạy sang phần đường dành cho ôtô hoặc chạy lên vỉa hè. Nhiều nhánh cây khô gãy, rơi xuống, khiến người đi đường lo sợ.

Ông Nguyễn Văn Thanh Thảo- Chủ tịch UBND thị trấn Vũng Liêm nói: Đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa ngập do trong quá trình làm đường chưa phù hợp với hố ga thoát nước. Một số nơi trũng nước thoát không kịp. Thêm vào đó mưa làm lá cây rụng, bít cống thoát nước.

Sẵn sàng ứng phó... tạm thời

Rong mé cây xanh trước mùa mưa bão.
Rong mé cây xanh trước mùa mưa bão.

Để ứng phó với mùa mưa lũ sắp tới, ông Ngô Thành Thía cho biết: Đã cho nạo vét các miệng cống ở những tuyến đường chính, dự kiến tháng 6 sẽ xong. Bố trí lực lượng trực mưa, thông miệng thu nước ở các hố ga.

Lắp thêm 4 máy bơm điện ở dốc cầu Hưng Đạo Vương, bến tàu khách, góc đường Trần Văn Ơn, đường Phạm Thái Bường để kịp thời xử lý khi có mưa lớn và triều cường.

Hiện công ty đã trang bị được 4 máy bơm dầu và 4 máy bơm điện, sẽ hỗ trợ thêm cho việc chống ngập. Vào đầu mùa mưa cũng đã khảo sát cây cổ thụ xem cây nào sâu, khô, tán rộng che khuất tầm nhìn, có nguy cơ ngã đổ sẽ cho rong mé, chống đỡ, gia cố.

Tại Vũng Liêm, anh Nguyễn Văn Tấn- Đội trưởng Đội Quản lý duy tu sửa chữa các công trình giao thông cho biết: Đã cho cắt tỉa cây xanh, khai thông hố ga.

Ông Trương Trung Ân cho biết: Để chống ngập cho năm nay, trước tiên thị trấn cho nạo vét khai thông cống, hố ga, song đây chỉ là những giải pháp cục bộ. Sắp tới, sau khi triển khai các công trình theo chuẩn đô thị loại IV thì hy vọng đô thị sẽ không còn ngập nữa.

Còn tại thị trấn Mang Thít, tuy ngập úng không xảy ra nhưng bà Lê Kim Tuyến- công chức địa chính- xây dựng- đô thị- môi trường, cũng cho biết: Thị trấn đã cho nạo vét khai thông cống rãnh, miệng hố ga, cắt tỉa cây xanh, trang bị 4 máy phòng khi có ngập úng.

Để giải quyết tận gốc chuyện ngập ở đô thị, cần phải có giải pháp dài hạn. Nếu đô thị được quy hoạch tốt và quản lý quy hoạch tốt thì nỗi lo chống ngập sẽ giảm rất nhiều. Tuy nhiên, vấn đề này cần nguồn lực đầu tư rất lớn và cần sự vào cuộc mạnh mẽ của nhiều ngành.

Phó Giám đốc Công ty TNHH 1TV Công trình công cộng- Ngô Thành Thía

 

Chuẩn bị ứng phó triều cường công ty cũng đã cho cải tạo, sửa chữa van một chiều, cuối tháng 6 đầu tháng 7âl sẽ hoàn thành. Tuy nhiên đây cũng chỉ là những biện pháp tạm thời. Về lâu dài cần có biện pháp căn cơ hơn. Hiện tỉnh đang xúc tiến tìm nguồn vốn bên ngoài để nâng cấp và xử lý hệ thống thoát nước đô thị. Đối với tình trạng lấn chiếm sông rạch gây khó khăn cho việc thoát nước, công ty đã có kiến nghị đến chính quyền địa phương các phường, mong các phường mạnh tay xử lý để góp phần giúp thoát nước ra sông rạch dễ dàng hơn, hạn chế ngập úng ở đô thị.

Bài, ảnh: THẢO LY

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh