Đồ chơi Trung Quốc- lo độc sợ hại

07:05, 06/05/2016

Không phụ đề tiếng Việt, không nơi sản xuất, không hướng dẫn sử dụng... là hiện trạng của nhiều loại đồ chơi trẻ em trên thị trường hiện nay. Đặc biệt, nhiều loại đồ chơi xuất xứ từ Trung Quốc chứa chất độc hại vẫn còn bày bán tràn lan.

Không phụ đề tiếng Việt, không nơi sản xuất, không hướng dẫn sử dụng... là hiện trạng của nhiều loại đồ chơi trẻ em trên thị trường hiện nay. Đặc biệt, nhiều loại đồ chơi xuất xứ từ Trung Quốc chứa chất độc hại vẫn còn bày bán tràn lan.

Thời gian qua, ngành chức năng đã tiêu hủy số lượng lớn đồ chơi trẻ em không rõ nguồn gốc.
Thời gian qua, ngành chức năng đã tiêu hủy số lượng lớn đồ chơi trẻ em không rõ nguồn gốc.

Mua gì cho con trẻ?

Dù có nhiều thông tin cảnh báo về đồ chơi không rõ nguồn gốc, xuất xứ, nhất là đồ chơi trẻ em Trung Quốc chứa chất độc hại có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm lý trẻ nhỏ song theo ghi nhận, từ thành thị đến nông thôn các sản phẩm đồ chơi xuất xứ Trung Quốc hầu như đâu đâu cũng có, đặc biệt ở khu vực gần các trường học, chợ nông thôn.

Thời gian qua, Chi cục Quản lý thị trường (Sở Công thương) đã phát hiện, tịch thu và tiêu hủy nhiều trường hợp kinh doanh đồ chơi trẻ em không rõ nguồn gốc, không nhãn phụ tiếng Việt như các loại vỉ bác sĩ, vỉ cá dĩa pin, búp bê, ráp hình siêu nhân, xe trớn không pin,...

Trong đó, đáng lo ngại là sự xuất hiện càng ngày nhiều của các loại đồ chơi sử dụng pin từ Trung Quốc như ôtô, robot điều khiển từ xa… mà pin lại có khả năng tự cháy nổ, gây nguy hiểm cho người sử dụng.

Ghi nhận tại một cửa hàng bán đồ chơi trẻ em ở chợ thị trấn Cái Nhum (Mang Thít), hầu hết đồ chơi ở đây đều có ghi xuất xứ “Made in China”. Trong đó, nhiều loại đồ chơi chỉ có tiếng Trung Quốc.

Khi hỏi chủ cửa hàng về cách sử dụng bộ đồ chơi bếp cho bé gái 4- 6 tuổi, thì được giải thích “mấy cái này dễ chơi lắm, mấy đứa con nít tự mày mò là biết, cái này bán chạy lắm”.

Tại chợ Hựu Thành (Trà Ôn), một tiểu thương bán đồ chơi cũng cho biết: “Đồ chơi trẻ em hết 90% là của Trung Quốc sản xuất rồi, mẫu mã đẹp, màu sắc bắt mắt nên trẻ con rất thích, giá cũng rẻ, phù hợp túi tiền của người dân ở nông thôn”.

Trong khi đó, chợ đêm tại các vùng nông thôn, hầu như các quầy, gian hàng bán đồ chơi trẻ em đều là hàng của Trung Quốc, bên cạnh đó còn có một số loại đồ chơi “3 không”: không nguồn gốc, không phụ đề, không hướng dẫn sử dụng.

Chị Lý- chủ quầy hàng đồ chơi ở xã Hòa Phú (Long Hồ) nói: “Người mua phần lớn là công nhân, chủ yếu chỉ chọn mẫu với giá, ít ai hỏi nguồn gốc lắm”.

Nhiều phụ huynh than thở, dù nghe thông tin đồ chơi không rõ nguồn gốc, xuất xứ từ Trung Quốc độc hại nhưng khi ra chợ mua cho con thì hầu như nơi nào cũng có bán hàng “Made in China”, riết rồi “cũng không biết mua gì cho con chơi để an toàn”.

Đang chọn mua robot biến hình cho con trai 10 tuổi, anh Lê Văn Quang (Long Hồ) cho biết: “Con tôi rất thích chơi robot, nhưng loại này chỉ có của Trung Quốc sản xuất mới đẹp.

Tôi có nghe thông tin đồ chơi Trung Quốc độc hại nhưng giá rẻ hơn, đẹp hơn, nếu không mua thì không biết mua gì cho con chơi bởi đồ chơi trẻ em của Việt Nam sản xuất còn thô sơ, chưa bắt mắt, trẻ con không khoái bằng”.

Phải đảm bảo an toàn cho trẻ

Đáng nói là dù có nhiều cảnh báo về miếng dán đồ chơi trẻ em xuất xứ Trung Quốc có khả năng khiến trẻ em mắc chứng vô sinh, ung thư; hay bóng hơi, thú nhún xuất xứ Trung Quốc nhiễm chất độc hại gây ung thư, phá hủy thận, lệch lạc giới tính… song, những loại đồ chơi này vẫn được bày bán khắp nơi.

Theo Viện Nghiên cứu hóa học, các sản phẩm đồ chơi càng nhiều màu sắc thì tiềm ẩn nguy cơ độc hại càng cao. Vì dung dịch tạo màu này là màu dành cho ngành công nghiệp được tạo nên từ các loại hóa chất độc hại như: crom, chì, thủy ngân,…

Có thể thấy, khi mua một món đồ chơi cho con, nhiều người thường ít quan tâm đến món đồ chơi đó có được dán tem hợp quy hay không, chúng có độc hại cho con mình hay không... mà họ chỉ chú ý đến việc con mình thích không và hợp với túi tiền hay không.

Điều này có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe con trẻ nếu không may chọn sản phẩm không an toàn.

Song, trước hàng ngàn sản phẩm đồ chơi bày bán trên thị trường, người tiêu dùng không thể nào nhận biết được đâu là hàng độc hại, đâu là an toàn.

Chỉ đến khi cơ quan chức năng tiến hành kiểm nghiệm, người tiêu dùng mới “té ngửa” hóa ra đã sử dụng bấy lâu nay mà không biết và rồi lại hoang mang, lo lắng “sử dụng lâu vậy, sẽ ảnh hưởng gì không, ảnh hưởng như thế nào?”.

Theo Chi cục Quản lý thị trường, chi cục cũng thường xuyên đi kiểm tra các cửa hàng đồ chơi dành cho trẻ em ở các cửa hàng và trên khâu lưu thông. Những loại đồ chơi nào không nằm trong danh mục cho phép nhập khẩu, lưu hành hoặc không rõ nguồn gốc, ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng thì sẽ xử lý theo pháp luật.

Thiết nghĩ, có thể trước mắt những loại đồ chơi này chưa ảnh hưởng tới ngay sức khỏe của trẻ song sẽ ảnh hưởng về lâu, về dài, do vậy, phụ huynh nên kiểm soát kỹ việc mua đồ chơi cho trẻ, đặc biệt là ở cổng các trường học.

Bên cạnh đó, không nên ham rẻ mà chọn đồ chơi không rõ nguồn gốc, hàng dỏm, hàng kém chất lượng, để đảm bảo an toàn sức khỏe cho trẻ.

Và nên chăng người tiêu dùng cần thay đổi thói quen thay vì chọn hàng bắt mắt giá rẻ, thì hãy chọn những sản phẩm đồ chơi trẻ em Việt Nam, xuất xứ nguồn gốc hẳn hoi, có thể không bắt mắt nhưng an toàn, an tâm hơn. Đồng thời, các cơ quan chức năng cần thường xuyên kiểm tra, xử lý các vi phạm, nhằm bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.

Bài, ảnh: THẢO LY

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh