"Việc đầu tư, ứng dụng, đổi mới thiết bị, máy móc, công nghệ tạo một bước chuyển biến tích cực trong việc hiện đại hóa sản xuất, giảm lao động thủ công, tăng năng suất chất lượng, giá trị sản phẩm.
“Việc đầu tư, ứng dụng, đổi mới thiết bị, máy móc, công nghệ tạo một bước chuyển biến tích cực trong việc hiện đại hóa sản xuất, giảm lao động thủ công, tăng năng suất chất lượng, giá trị sản phẩm. Từ đó tăng sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường”- ông Vũ Ngọc Tú- Phó Giám đốc Sở Công thương đánh giá.
Nhiều doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư máy móc, thiết bị mới để nâng cao năng suất, chất lượng. |
Cần thiết phải đổi mới
Hội nhập kinh tế đã mở ra cho các doanh nghiệp (DN) những cơ hội song cũng đặt ra không ít những thách thức.
Để tồn tại thì bản thân mỗi DN phải tự trang bị “vũ khí”, để cạnh tranh trên thị trường. Một trong những yếu tố góp phần tạo nên thương hiệu, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm chính là việc áp dụng khoa học công nghệ, máy móc thiết bị tiên tiến, hiện đại trong sản xuất. Việc đổi mới công nghệ đang dần trở nên bức thiết, thậm chí là sống còn để tăng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.
Vĩnh Long có khoảng 2.800 DN, phần lớn là các DN vừa, nhỏ và siêu nhỏ. Theo đánh giá, hiện nay tình trạng máy móc thiết bị công nghệ ở nhiều cơ sở rất cũ kỹ, lạc hậu.
Nhiều cơ sở sản xuất nhỏ quy mô gia đình, mang tính tự phát, chậm đổi mới, năng suất lao động thấp, sản phẩm làm ra còn hạn chế, thiếu tính cạnh tranh, nguồn nhân lực tuy dồi dào về số lượng nhưng trình độ chuyên môn còn thấp, thiếu lực lượng có tay nghề cao, khó khăn về vốn. Bên cạnh đó, các cơ sở, DN chưa tiếp cận được nhiều về các chương trình hỗ trợ khuyến công.
Chú Trương Nhựt Khánh- Chủ cơ sở sản xuất bún, bánh phở Ba Khánh (xã Trường An- TP Vĩnh Long) cho biết: Sản xuất bằng cách truyền thống, vừa tốn nhân công vừa chưa đảm bảo vệ sinh, tốn kém, sản phẩm không bắt mắt, khó cạnh tranh, khó mở rộng thị trường.
Phó Giám đốc Sở Công thương Vũ Ngọc Tú cho biết: Việc cải tiến máy móc, thiết bị đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường, tiết kiệm chi phí đầu vào là giải pháp hiệu quả, bền vững được một số DN áp dụng.
Tuy nhiên, chi phí đầu tư đổi mới công nghệ khá lớn, trong khi chủ yếu là DN nhỏ và vừa, nguồn vốn còn hạn chế nên một số chưa mạnh dạn tham gia.
Đổi mới để phát triển
Thời gian qua, nhiều biện pháp tháo gỡ khó khăn cho các DN đã được thực hiện. Qua đó, hầu hết các DN đều đồng tình ủng hộ chương trình hỗ trợ khuyến công, đặc biệt là hỗ trợ máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất.
Cụ thể, năm 2015, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp (Sở Công thương) đã triển khai thành công 5 đề án hỗ trợ đầu tư máy móc, thiết bị với kinh phí trên 400 triệu đồng.
Là một trong những cơ sở được hỗ trợ đầu tư dây chuyền sản xuất bún tươi không sử dụng nước kết hợp máy đóng gói tự động, chú Trương Nhựt Khánh cho biết:
Lúc trước sản xuất bún phải xử lý nước rất nhiều, nước thải ra còn gây ảnh hưởng vệ sinh. Khi được hỗ trợ đầu tư dây chuyền không sử dụng nước tiết kiệm 70- 80% nước rửa, tăng năng suất hơn, giảm chi phí sản xuất 10%.
Nếu như trước sản xuất được chừng 50kg bún/giờ thì hiện nay được 300 kg/giờ. Thêm vào đó, trước đây cột bún- bánh phở bằng tay, không gọn gàng, chưa hợp vệ sinh, giờ có máy đóng gói, sản phẩm bắt mắt hơn, nâng cao giá trị. Có thương hiệu, đóng gói sạch sẽ, đàng hoàng nên cơ sở mở rộng thêm được thị trường tiêu thụ.
Mới đây, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp vừa hỗ trợ 125 triệu đồng cho dây chuyền sản xuất của cơ sở sản xuất cà phê Trung Hải (xã Lộc Hòa- Long Hồ). Anh Liêu Trung Hải- Chủ cơ sở cho biết:
Thành lập từ năm 2013, lúc đầu cơ sở sản xuất bằng máy móc thiết bị thô sơ, năng suất không cao, chất lượng chưa đồng đều. Lò thủ công chỉ sản xuất được khoảng 350kg/ngày, còn dây chuyền này sản xuất giờ được tối đa 1,5 tấn/ngày.
Chất lượng hạt đạt 95%, hạt màu đẹp, không bị đốm. Đồng thời, giảm được 50% nhân công lại tiết kiệm nhiên liệu đáng kể. Một thước củi tràm rang bằng lò truyền thống chỉ được 2 mẻ, giờ rang được 6- 8 mẻ.
Anh Hải phấn khởi nói: Nhờ có máy móc hiện đại sản xuất mà tìm thêm được nhiều đối tác, đại lý phân phối, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường. Thời gian tới, tôi sẽ tích cực tìm đầu ra để đầu tư thêm máy móc.
Ông Đỗ Hữu Quang- Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp cho biết: Thời gian qua, trung tâm đã hỗ trợ cho các cơ sở công nghiệp nông thôn về máy móc, thiết bị tiên tiến, thiết kế bao bì, mẫu mã sản phẩm, hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường, xây dựng và phát triển thương hiệu...
Việc đầu tư thiết bị mới giúp cơ sở nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm giá thành, nâng cao sức cạnh tranh, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, hạn chế ô nhiễm môi trường.
Có thể thấy, không chỉ nâng cao giá trị hàng hóa, đầu tư thiết bị mới còn giúp DN mở rộng thị trường tiêu thụ, phát triển thương hiệu, đồng thời giúp trụ vững, tồn tại trong thời kỳ hội nhập kinh tế hiện nay. Do đó, các DN cần phải nhận thức rõ tầm quan trọng của đổi mới công nghệ, có tinh thần dám nghĩ dám làm để nâng giá trị sản phẩm trên thị trường.
Trong năm 2016, trung tâm thực hiện 9 đề án hỗ trợ với kinh phí 1 tỷ đồng, gồm: Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất cà phê; Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào xe lõi lác (Tổ hợp tác ấp Hòa Thuận); Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào xe lõi lác (Tổ hợp tác ấp Phú Nông; Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị vào sản xuất bánh; Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất nước chấm; Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào chế biến gỗ; Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào trong sản xuất giày; Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào may công nghiệp; Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào dây chuyền thiết bị rửa rau quả. |
Bài, ảnh: THẢO LY
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin