Cải thiện PCI từ việc xây dựng hình ảnh địa phương

02:05, 19/05/2016

Năm 2015, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Vĩnh Long đạt 59,49 điểm, xếp hạng 19 cả nước.

Năm 2015, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Vĩnh Long đạt 59,49 điểm, xếp hạng 19 cả nước.

So với năm 2014, Vĩnh Long tuy có tăng hạng nhưng lại giảm điểm (năm 2014 đạt 59,54 điểm, xếp hạng 21), tiếp tục đứng thứ 6 trong 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL và vẫn thuộc nhóm khá.

Xây dựng hình ảnh địa phương gắn với những sản phẩm đặc trưng của tỉnh được xem là cách quảng bá tốt nhằm thu hút đầu tư.
Xây dựng hình ảnh địa phương gắn với những sản phẩm đặc trưng của tỉnh được xem là cách quảng bá tốt nhằm thu hút đầu tư.

Tại hội nghị phân tích PCI vừa qua, nhiều ý kiến cho rằng cũng không quá chú trọng vào thứ hạng, vấn đề là xây dựng được hình ảnh của tỉnh trong mắt nhà đầu tư và quảng bá tốt những thế mạnh địa phương.

Tăng hạng nhưng giảm điểm

Theo phân tích của ông Trương Đặng Vĩnh Phúc- Giám đốc Sở Kế hoạch- Đầu tư, trong 10 chỉ số thành phần thì có 6 chỉ số đã được cải thiện đó là “Tiếp cận đất đai”, “Chi phí về thời gian và việc thực hiện các quy định của nhà nước”, “Chi phí không chính thức”, “Đào tạo lao động”, “Thiết chế pháp lý”, “Cạnh tranh bình đẳng”. Trong đó có sự cải thiện nhiều nhất đó là chỉ số “Chi phí về thời gian và việc thực hiện các quy định của nhà nước” tăng 17 hạng từ hạng 21 (năm 2014) lên hạng 4 (năm 2015), tăng 1,07 điểm.

Bên cạnh 4 chỉ số thành phần giảm so với năm 2014 như “Tính năng động và tiên phong của lãnh đạo”, “Dịch vụ hỗ trợ kinh doanh”, “Tính minh bạch và trách nhiệm” và “Chi phí gia nhập thị trường”.

Năm 2015, doanh nghiệp đánh giá cao việc UBND tỉnh linh hoạt trong khuôn khổ pháp luật nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp tư nhân và năng động sáng tạo trong các vấn đề mới phát sinh. Cán bộ tại bộ phận một cửa cũng được đánh giá là nhiệt tình, thân thiện, ứng dụng công nghệ thông tin được đánh giá tốt hơn năm 2014.

Tuy nhiên, thông qua các chỉ số thành phần có thể thấy một số hạn chế như hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về đất đai rất nhiều, thay đổi thường xuyên nên doanh nghiệp khó nắm bắt kịp.

Việc áp dụng văn bản giữa cơ quan nhà nước với doanh nghiệp không thống nhất, dẫn đến thời gian doanh nghiệp chờ đợi để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất kéo dài.

Cảm nhận của doanh nghiệp về tính tích cực của chính quyền tỉnh đối với khu vực tư nhân sụt giảm, vẫn còn tình trạng lãnh đạo chọn “giải pháp an toàn” thiếu đột phá trong xử lý các vấn đề chính sách, văn bản trung ương. “Chi phí không chính thức” vẫn còn chiều hướng đáng lo ngại.

Các chỉ số đánh giá về niêm yết thủ tục công khai, hướng dẫn thủ tục và trình độ am hiểu chuyên môn của cán bộ tại bộ phận một cửa lại sụt giảm.

Xây dựng hình ảnh địa phương

Tiến sĩ Võ Hùng Dũng- Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần Thơ cho rằng cần cải thiện hình ảnh địa phương đối với nhà đầu tư trong và ngoài nước nhằm thu hút đầu tư.

Vĩnh Long có nhiều sản phẩm đặc trưng được nhiều người biết đến như bưởi Năm Roi, cam sành Tam Bình,… tại sao không xây dựng hình ảnh địa phương gắn với những đặc sản này?

Với những thương hiệu, sản phẩm cụ thể, hình ảnh của tỉnh sẽ được quảng bá tốt hơn. Bên cạnh, những lợi thế về vị trí, nguồn nhân lực cũng cần có cách quảng bá tốt hơn nữa đến nhà đầu tư.

Cải thiện PCI còn thể hiện ở khả năng giải quyết việc làm. Vĩnh Long từng đối mặt với tình trạng người lao động ra ngoài tỉnh để tìm việc làm.

Điều này thể hiện cấu trúc kinh tế tại thời điểm không tạo ra đủ việc làm, mà ĐBSCL nói chung vẫn còn nặng về nông nghiệp do đó cần có những thay đổi cần thiết để thích ứng.

Cũng theo TS. Võ Hùng Dũng, cải thiện PCI không nhất thiết phải tăng bao nhiêu thứ hạng, quan trọng là tạo ra môi trường kinh doanh tốt, dự án mời gọi đầu tư hấp dẫn, tạo bước chuyển cụ thể ở những dự án đầu tư mới.

Để thu hút đầu tư nước ngoài, ông Hà Duy Dũng- Tổng Giám đốc Công ty CP Hòa Phú nêu dẫn chứng, để chuẩn bị đầu tư, các nhà đầu tư nước ngoài luôn điều tra, khảo sát rất kỹ nhưng khi đưa ra quyết định cuối cùng lúc nào họ cũng yêu cầu được gặp mặt lãnh đạo cấp tỉnh. Do đó, tính năng động và tiên phong của lãnh đạo góp phần quan trọng vào thu hút đầu tư nước ngoài.

Đồng tình ý kiến trên, ông Phạm Thành Khôn- Trưởng Ban Quản lý Các khu công nghiệp thêm rằng, không chỉ riêng lãnh đạo cấp tỉnh, mà tính năng động, sáng tạo cũng cần được thể hiện ở lãnh đạo cấp địa phương, sở, ngành mà đây lại là một trong các chỉ số thành phần giảm so với năm 2014 cần được cải thiện.

Với thông điệp rõ ràng “cải thiện môi trường kinh doanh để phát triển doanh nghiệp, Chủ tịch UBND tỉnh- Nguyễn Văn Quang cho rằng, trong năm 2016, cần tiếp tục tăng cường đối thoại doanh nghiệp, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, rút ngắn thời gian các trình tự thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp sản xuất kinh doanh.

Chủ tịch cũng tâm đắc với hiến kế xây dựng hình ảnh địa phương dựa trên những sản phẩm đặc trưng của tỉnh, bên cạnh đó là phát huy, quảng bá tốt những lợi thế về vị trí, nguồn nhân lực của tỉnh để thu hút đầu tư.

Bài, ảnh: LÊ SƠN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh