Báo cáo kinh tế vĩ mô quý 1 của Viện nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR) dẫn số liệu thống kê đến quý 3/2015, dòng vốn đầu tư khác mà cấu phần chủ yếu là tiền gửi ở nước ngoài, vốn không đáng kể ở những giai đoạn trước, đã gia tăng đột biến lên mức 7,3 tỷ USD.
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN) |
Báo cáo kinh tế vĩ mô quý 1 của Viện nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR) dẫn số liệu thống kê đến quý 3/2015, dòng vốn đầu tư khác mà cấu phần chủ yếu là tiền gửi ở nước ngoài, vốn không đáng kể ở những giai đoạn trước, đã gia tăng đột biến lên mức 7,3 tỷ USD.
Tiến sỹ Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện VEPR nhận định: "Đây là diễn biến bất thường cần phải tiếp tục theo dõi xu hướng, giải thích và dự báo xu hướng chặt chẽ. Cũng cần lưu ý là trong cùng giai đoạn trên, trạng thái ngoại hối của hệ thống ngân hàng thương mại không có sự biến động quá lớn. Theo giả thuyết của chúng tôi, diễn biến bất thường này, một phần, có thể xem như tình trạng 'bẫy thanh khoản' với ngoại tệ của hệ thống ngân hàng."
VEPR cũng nhấn mạnh, đây là diễn biến mới khi mà trước đây ngân hàng Việt Nam chỉ nhận tiền gửi và ít có trường hợp mang tiền gửi ra nước ngoài. Do đó, xu hướng mang tiền gửi ra nước ngoài có tiếp tục nữa hay không, cần được theo dõi thêm.
Bình luận về con số này, ngày 16/4, ông Tô Huy Vũ, Vụ trưởng Vụ dự báo Thống kê thuộc Ngân hàng Nhà nước thừa nhận: “Đúng là có con số 7,3 tỷ USD, nhưng số liệu này là số liệu được phản ánh trong hạng mục đầu tư khác ròng trên bảng cán cân thanh toán quý 3/2015 mà Ngân hàng Nhà nước đã công bố trên trang thông tin điện tử. Tuy nhiên, con số này không chỉ bao gồm tiền gửi ra nước ngoài, mà còn bao gồm khoản vay trả nợ nước ngoài ngắn, trung dài hạn của nền kinh tế.”
Ông Vũ lý giải, cán cân thanh toán trong quý 3/2015, tiền gửi ở nước ngoài của các ngân hàng thương mại tăng thêm 5,9 tỷ USD. Do hệ thống ngân hàng là trung gian tài chính nên số liệu này biến động thường xuyên, liên tục và phản ánh đúng diễn biến của nền kinh tế trong nước.
Ngoài hạng mục tiền và tiền gửi của các tổ chức tín dụng, trên bảng cán cân thanh toán còn có hạng mục tiền và tiền gửi của khu vực khác (các doanh nghiệp, các tổ chức tài chính khác…). Trong quý 3/2015, tiền và tiền gửi của khu vực khác là 2 tỷ USD, không có biến động bất thường so với các quý trước.
"Cũng trong quý này, số liệu này tăng mạnh chủ yếu do xu hướng găm giữ ngoại tệ của doanh nghiệp và dân cư tăng lên trước sự kiện đồng Nhân dân tệ bị phá giá mạnh trong tháng 8/2015 và những đồn đoán về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ sớm tăng lãi suất đã gia tăng sức ép đối với tỷ giá VND/USD. Khi tiền gửi ngoại tệ của khu vực tổ chức kinh tế và dân cư tăng mạnh thì việc các ngân hàng thương mại mang ngoại tệ ra gửi ở nước ngoài trong bối cảnh tín dụng ngoại tệ giảm là diễn biến hết sức bình thường trong hoạt động ngân hàng," ông Vũ cho biết.
Có một số ý kiến cho rằng đây là do tác động của chính sách lãi suất tiền gửi 0%, ông Vũ phủ nhận giả thiết trên vì diễn biến này là của quý 3/2015 trong khi lãi suất tiền gửi 0% bắt đầu thực hiện đối với tổ chức kinh tế từ 28/9 và đối với dân cư từ 18/12/2015.
"Cũng cần nói thêm rằng, sau khi Ngân hàng Nhà nước có phản ứng nhanh nhạy về chính sách tỷ giá, thị trường ổn định trở lại thì sang quý 4/2015, tâm lý thị trường được giải tỏa, lượng tiền gửi ra nước ngoài của các ngân hàng chỉ tăng thêm có 369 triệu USD," ông Vũ nhấn mạnh.
Một số chuyên gia lo ngại về bẫy thanh khoản ngoại tệ đối với nền kinh tế, ông Vũ chia sẻ, hệ thống ngân hàng là trung gian tài chính, khi huy động tiền gửi ngoại tệ của tổ chức kinh tế và dân cư, nếu phần sử dụng ở trong nước ít hơn thì họ tăng tiền gửi ở nước ngoài là chuyện hết sức bình thường.
“Các ngân hàng chỉ để một phần ngoại tệ tiền mặt để phục vụ các nhu cầu của dân cư, còn lại đầu tư dưới hình thức nào phải phù hợp với quy định của pháp luật về quản lý ngoại hối. Việc gửi tiền ở nước ngoài là để đảm bảo tính thanh khoản cao, có thể sử dụng bất cứ khi nào nhằm đáp ứng nhu cầu thanh toán của doanh nghiệp và người dân,” ông Vũ khẳng định thêm./.
Theo VIETNAM+
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin