Bên cạnh những thách thức về cơ sở hạ tầng giao thông, logistic, nguồn nhân lực, môi trường kinh doanh nói chung thì biến đổi khí hậu hiện được cho là rào cản tăng trưởng kinh tế ĐBSCL trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.
Bên cạnh những thách thức về cơ sở hạ tầng giao thông, logistic, nguồn nhân lực, môi trường kinh doanh nói chung thì biến đổi khí hậu (BĐKH) hiện được cho là rào cản tăng trưởng kinh tế ĐBSCL trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.
BĐKH đang có những tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế ĐBSCL và được xem là thách thức của quá trình hội nhập. |
Minh chứng cho điều này, TS. Võ Hùng Dũng- Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh tại Cần Thơ cho rằng, nếu mực nước biển dâng cao 1m sẽ làm ngập hơn 15.000km (38% diện tích vùng ĐBSCL), thiên tai xảy ra ngày càng nhiều và nặng nề hơn, đa dạng sinh học bị mất đi, sản lượng nông nghiệp bị suy giảm, 90% diện tích đồng bằng có thể bị nhiễm mặn.
Tổng lượng mưa Hè Thu sẽ giảm, hạn đầu vụ sẽ gay gắt hơn, lượng mưa giảm dưới từ 5% đến trên 35% và phân bố bất lợi cho sản xuất. Vùng ven biển mưa giảm, khả năng mặn xâm nhập gia tăng.
Vùng có nhiệt độ trên 37 độ C trở lên mở rộng. Số ngày nóng trên 40 độ C vào mùa hè nhiều hơn. Diện tích ngập lũ sẽ mở rộng vào năm 2030, nhưng số ngày ngập lũ ở vùng đầu nguồn sẽ giảm và tăng ở khu vực hạ lưu. Tác động này sẽ gây ảnh hưởng tới vùng nuôi tôm ở Bạc Liêu, Cà Mau. Nhiệt độ không khí ở vùng ĐBSCL tăng cao và xảy ra hạn hán thất thường.
BĐKH đang làm suy thoái tài nguyên và sức sản xuất của vùng, tác động mạnh lên ngành nông nghiệp ĐBSCL- vốn được xem là vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm của cả nước, cung cấp 90% sản lượng gạo xuất khẩu quốc gia, 70% sản lượng trái cây, thủy sản.
Theo TS. Nguyễn Hồng Tín- Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL, những biểu hiện tiêu cực của BĐKH như nhiệt độ tăng cao, mưa trái mùa, lũ và đặc biệt hạn, mặn là yếu tố chính tác động xấu lên ngành nông nghiệp ĐBSCL thời gian qua.
Theo đó, trong các năm 2004, 2010 và 2016, xâm nhập mặn đã lấn sâu vào đất liền tại 8 tỉnh ven biển ĐBSCL (gồm Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang).
Tính riêng từ tháng 1 đến tháng 3 năm nay, xâm nhập mặn gây thiệt hại gần 166 ngàn hecta lúa tại ĐBSCL. Ngay cả địa phương không giáp biển như Vĩnh Long cũng đã xuất hiện tình trạng xâm nhập mặn nghiêm trọng.
TS. Võ Hữu Thoại- Phó Viện trưởng Viện Cây ăn quả Miền Nam cho biết: Đất bị nhiễm mặn gây trở ngại cho sinh trưởng và phát triển cây trồng, phá hủy cấu trúc đất, ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống của người dân.
Kết quả nghiên cứu của Viện Cây ăn quả miền Nam cho thấy, những năm gần đây, nước mặn theo sông xâm nhập sâu vào đất liền ngày một trầm trọng, nhất là những tháng mùa khô (kéo dài từ 1- 4 tháng mỗi năm).
Ranh mặn và độ mặn xâm nhập vào các sông chính gây ảnh hưởng đến vùng sản xuất nông nghiệp ở nhiều địa phương ĐBSCL hiện đang ở mức rất cao như Bến Tre độ mặn 2,4‰ vào sâu 60km, Tiền Giang độ mặn gần 3‰ vào sâu 55km.
Ngay cả Sóc Trăng vốn có hệ thống sông ngòi chằng chịt, đất đai phì nhiêu do được phù sa bồi đắp hàng năm, nay cũng đang gặp trở ngại khi canh tác tại các vùng nông nghiệp chính của tỉnh.
Trước ý kiến cho rằng nước mặn vào sẽ thúc đẩy ngành nuôi tôm nước lợ, GS, TS. Bùi Chí Bửu (Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Miền Nam) lý giải: Mấy năm gần đây, việc nuôi tôm ở ĐBSCL đang đối mặt với quá nhiều thách thức bao gồm dịch bệnh và khai thác nước ngọt qua các giếng bơm nước ngầm. Nhiều nông dân đã thất bại và bị phá sản.
Để ứng phó lâu dài với hạn mặn và BĐKH, Viện Cây ăn quả Miền Nam đề xuất một số giải pháp như việc tiếp tục đầu tư đồng bộ hệ thống đê bao tưới tiêu, đầu tư cho công tác chọn lọc, lai tạo giống có khả năng chống chịu tốt. Song song đó, các cơ quan hữu quan cần tăng cường năng lực dự báo những biến động thời tiết, khí hậu, thủy văn giúp ngành nông nghiệp chủ động trước những diễn biến bất lợi của BĐKH.
Ở góc độ thu hút đầu tư trong điều kiện thích ứng với những tác động tiêu cực của BĐKH, bà Nguyễn Thị Thương Linh- Phó Giám đốc VCCI Cần Thơ, cho rằng các cơ quan hữu quan trong vùng cần cải thiện môi trường kinh doanh một cách quyết liệt. Theo đó, cần đặt mục tiêu khởi nghiệp chú trọng lĩnh vực mới, ứng dụng công nghệ hiện đại trong sản xuất, hạn chế phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp.
Tuy vậy, theo TS. Võ Hùng Dũng, các lĩnh vực như nông nghiệp hướng tới năng suất, chất lượng cao, chế biến sản phẩm từ nông nghiệp, chế biến thực phẩm, những ngành phái sinh từ nông nghiệp và hỗ trợ nông nghiệp như công nghệ sinh học, ứng dụng công nghệ, cơ khí nông nghiệp, chuỗi cung ứng, dịch vụ nông nghiệp vẫn có nhiều triển vọng đầu tư vào ĐBSCL.
Cho dù BĐKH đã và đang tác động mạnh đến nông nghiệp và ảnh hưởng đến sự biến đổi cấu trúc kinh tế, nhưng vấn đề hiện nay là cần có những hành động kịp thời để thích ứng nhằm phát huy những lợi thế sẵn có của vùng trong tăng trưởng và hội nhập.
Bài, ảnh: LÊ SƠN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin