Trong giai đoạn 2016-2020 thực hiện tái cấu trúc doanh nghiệp Nhà nước, trên cả nước sẽ tiếp tục sắp xếp, đổi mới và chuyển đổi sở hữu các doanh nghiệp nhà nước còn lại, với mục tiêu số lượng doanh nghiệp nhà nước đến năm 2020 còn gần 200
Trong giai đoạn 2016-2020 thực hiện tái cấu trúc doanh nghiệp Nhà nước, trên cả nước sẽ tiếp tục sắp xếp, đổi mới và chuyển đổi sở hữu các doanh nghiệp nhà nước còn lại, với mục tiêu số lượng doanh nghiệp nhà nước đến năm 2020 còn gần 200 (giảm 50% số lượng tại thời điểm năm 2015), đồng thời cơ bản hoàn thành việc xử lý các tồn tại về tài chính, lao động dôi dư của khu vực doanh nghiệp nhà nước.
Đóng gói sản phẩm tại Công ty Phân bón Dầu khí Cà Mau. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN) |
Theo Cục Tài chính Doanh nghiệp (Bộ Tài chính), công việc cần làm tiếp theo của giai đoạn này là giải phóng nguồn lực xã hội, thúc đẩy các doanh nghiệp tư nhân, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển nhanh, bền vững.
Bên cạnh đó, nâng cao năng lực quản trị, công khai, minh bạch và gia tăng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp nhà nước còn lại thích ứng với cơ chế thị trường, yêu cầu hội nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN.
“Cụ thể, doanh nghiệp nhà nước hoạt động kinh doanh phải có lợi nhuận, cạnh tranh được với các doanh nghiệp trong và ngoài nước; doanh nghiệp nhà nước phục vụ xã hội dân sinh phải tạo ra sản phẩm, hàng hóa đảm bảo chất lượng,” ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính Doanh nghiệp cho biết.
Ông Đặng Quyết Tiến cũng nhấn mạnh, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước không phải theo phong trào mà phải có lộ trình, kế hoạch, không chạy theo số lượng mà phải chú trọng vấn đề cốt yếu là “chất.” Tức là sau cổ phần hóa, doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả hơn và sức cạnh tranh tăng. Cùng với đó, vốn nhà nước bán ra phải thu hồi được giá trị cao nhất.
“Một trong những mặt được của cổ phần hóa trong giai đoạn 2014- 2015 là chúng ta đã giải phóng nguồn lực, thúc đẩy sự tham gia mạnh mẽ của thành phần kinh tế tư nhân. Các doanh nghiệp tư nhân lớn của Việt Nam đã cạnh tranh với các nhà đầu tư nước ngoài tham gia mua lại 100% như cảng Quảng Ninh, 85% như cảng Sài Gòn, Hải Phòng…
Điều này cho thấy người dân đã nhận thức được cơ hội đầu tư trong việc tham gia mua cổ phần đối với những đơn vị đã được nhà nước đầu tư, tạo ra “làn sóng” đầu tư mạnh mẽ,” ông Đặng Quyết Tiến nói.
Ông Đặng Quyết Tiến, cũng cho biết, ngay từ những ngày đầu năm 2016, việc triển khai công tác cổ phần hóa, sắp xếp đổi mới các doanh nghiệp vẫn được tăng cường.
Thống kê đến hết tháng Ba vừa qua, có 30 đơn vị đã thực hiện cổ phần hóa và sắp xếp. Đặc biệt, năm 2016, Chính phủ đã đưa ra danh sách một số tổng công ty sẽ đẩy nhanh cổ phần hóa trong giai đoạn 2016-2020, trong đó có nhiều tên tuổi lớn như Tập đoàn Công nghiệp cao su, Tổng Công ty phát điện 3-Tập đoàn Điện lực Việt Nam; Tổng Công ty viễn thông Mobifone...
Mặc dù vậy, việc cổ phần hóa còn đang gặp phải nhiều rào cản, mà theo đại diện Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN), việc tìm kiếm cổ đông chiến lược của các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực như công nghiệp điện, khí, dịch vụ dầu khí hay hóa dầu... là rất khó, do nguồn vốn lớn, cùng với tỷ lệ nắm giữ của PVN cao dẫn đến tâm lý cho rằng việc cổ phần hóa thực chất không thay đổi nhiều về phương diện quản lý doanh nghiệp.
Trong khi đó, Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV) chia sẻ, việc chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng đối với 3 Tổng công ty thuộc TKV có vốn điều lệ trên 1.000 tỷ đồng đạt tỷ lệ thấp.
Các đơn vị này không thu hút được nhà đầu tư chiến lược và nhà đầu tư mua số lượng lớn, do tỷ lệ nắm giữ vốn nhà nước tại các đơn vị này đều ở mức 98-99% vốn điều lệ trở lên.
Chuyên gia kinh tế Trần Hoàng Ngân cho rằng dù kết quả cổ phần hóa chưa được như mong đợi nhưng cũng cho thấy đã đạt những bước tiến đáng kể trong tiến trình thực hiện. Việc Chính phủ đã chỉ đạo SCIC thực hiện thoái vốn nhưng không có nghĩa thoái vốn bằng mọi giá mà ưu tiên thoái vốn các doanh nghiệp không phải giữ vị trí chủ lực trong nền kinh tế, hoặc liên quan tới dịch vụ công, hoặc an ninh quốc phòng, bảo đảm an sinh xã hội.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho rằng, cơ chế chính sách về cổ phần hóa doanh nghiệp hiện hành cần sớm được hoàn chỉnh do đối tượng thực hiện cổ phần hóa giai đoạn tiếp theo là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, công ty mẹ-con có quy mô vốn lớn, tình hình tài chính phức tạp nên đã phát sinh một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện cổ phần hóa.
Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, giải pháp thực hiện là tiếp tục theo dõi, rà soát và hoàn thiện cơ chế và chính sách liên quan tới cổ phần hóa, đồng thời rà soát, phân loại lại doanh nghiệp nào nhà nước cần nắm giữ, doanh nghiệp nào không cần nắm giữ thì theo thị trường sẽ thoái dần dần.
Hoàn chỉnh gia tăng nhiệm vụ của bộ, ngành cơ quan, tổng công ty, địa phương và tăng cường kiểm tra giám sát việc thoái vốn, đảm bảo hiệu quả, đồng bộ trên thị trường tài chính.
Bên cạnh việc đưa ra các chính sách tháo gỡ kịp thời, theo Bộ Tài chính, các bộ, ngành và doanh nghiệp cần thực hiện quyết liệt việc chỉ đạo sát sao tiến độ hoàn thành cổ phần hóa các doanh nghiệp còn lại theo kế hoạch đã đề ra trong năm.
Các bộ, ngành và địa phương cũng cần công khai danh sách và tiến độ cổ phần hóa các doanh nghiệp, đồng thời đẩy mạnh công tác giám sát, kiểm tra để kịp thời xử lý các vấn đề vướng mắc phát sinh tại doanh nghiệp.
Ngoài ra, triển khai các giải pháp tái cấu trúc thị trường chứng khoán theo tinh thần Quyết định số 1826/QĐ-TTg ngày 6/12/2012 của Thủ tướng Chính phủ, qua đó hỗ trợ thu hút và khuyến khích nhà đầu tư tham gia mua cổ phần của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh truyền thông và công tác kiểm tra, đôn đốc, giám sát trong tái cơ cấu doanh nghiệp cùng với thực hiện nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh được giao.
Theo TTXVN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin