Biến đổi khí hậu (BĐKH) đang làm suy thoái tài nguyên và sức sản xuất của vùng, nhất là tác động mạnh lên ngành "chủ lực" nông nghiệp với khả năng cung cấp 90% sản lượng gạo xuất khẩu quốc gia, 70% sản lượng trái cây, thủy sản.
Biến đổi khí hậu (BĐKH) đang làm suy thoái tài nguyên và sức sản xuất của vùng, nhất là tác động mạnh lên ngành “chủ lực” nông nghiệp với khả năng cung cấp 90% sản lượng gạo xuất khẩu quốc gia, 70% sản lượng trái cây, thủy sản.
Để ứng phó BĐKH và hội nhập thành công là những thách thức lớn cho doanh nghiệp và nền kinh tế ĐBSCL hiện nay, trong đó, có ngành thủy sản.
Theo VCCI Cần Thơ, tuy diện tích, sản lượng cá tra nguyên liệu trong những tháng đầu năm nay có giảm, nhưng không đến mức nghiêm trọng. |
Thách thức của thủy sản
Tại TP Cần Thơ, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) vừa tổ chức hội nghị “Doanh nghiệp thủy sản ĐBSCL ứng phó với BĐKH để hội nhập thành công”.
Theo VASEP, xuất khẩu thủy sản của cả nước quý I/2016 đạt 1,4 tỷ USD, tăng gần 9% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, 2 mặt hàng chủ lực là tôm và cá tra tăng lần lượt là 12,2% và 4,2%.
Xuất khẩu sang các thị trường chính đều tăng mạnh, nhất là Mỹ tăng 39% so với cùng kỳ, Trung Quốc tăng 31%, EU tăng gần 3%, Nhật Bản tăng 3,5%...
VASEP dự báo trong năm 2016, xuất khẩu tôm tiếp tục bị ảnh hưởng của làn sóng giảm giá và áp lực cạnh tranh song vẫn có tác động tích cực từ các FTA đối với việc xuất khẩu sang các thị trường chính như Hàn Quốc, ASEAN, Nhật Bản, EU.
Cũng theo VASEP, xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ sẽ chịu tác động bởi quyết định cuối cùng của đợt xem xét hành chính lần thứ 11 với mức thuế khá cao 0,69 USD/kg.
Bên cạnh đó, những tác động của BĐKH, hạn mặn ở ĐBSCL cũng tác động đến ngành tôm và cá tra, làm giảm sản lượng con giống thủy sản, tăng chi phí sản xuất và ảnh hưởng đến nguyên liệu phục vụ chế biến.
Trước kiến nghị của nhiều doanh nghiệp, đề xuất ngành nông nghiệp cần có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh công tác giống thủy sản và quản lý dịch bệnh trên thủy sản để đảm bảo ổn định chất lượng, sản lượng nguồn giống đầu vào.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp- PTNT Vũ Văn Tám, cho biết năm 2016, Bộ Nông nghiệp- PTNT đã có kế hoạch tăng cường các hoạt động kiểm tra, kiểm soát, xử lý các vi phạm về sử dụng chất cấm, chất kháng sinh trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản.
Bộ cũng triển khai các chương trình về sản xuất tôm sạch, nghiên cứu các tác nhân gây bệnh trên tôm và huy động sự tham gia của các địa phương, doanh nghiệp để nhân rộng mô hình tiến tới đảm bảo ổn định nguồn cung tôm nguyên liệu, phục vụ chế biến.
Theo Phòng Công nghiệp và Thương mại (VCCI) chi nhánh Cần Thơ, thủy sản ĐBSCL chiếm khoảng 57% cả nước.
Tuy nhiên, tương tự các ngành hàng khác như lúa gạo, trái cây, thủy sản cũng chịu sự biến động khó lường của thị trường do tác động từ quá trình hội nhập cũng như các rào cản kỹ thuật, chi phí nhân công tăng và chủ trương chính sách thay đổi liên tục có thể làm chậm đà tăng trưởng của các chuỗi ngành hàng.
Bên cạnh đó, một số yếu tố khác gây suy giảm cho ngành nông nghiệp có thể kể đến gồm: nguyên liệu đầu vào, đầu ra cho xuất khẩu và chất lượng sản phẩm, hàng hóa thiếu ổn định.
Hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường cá tra
Hiệp hội Cá tra Việt Nam (VN Pangasius) cho biết, quý I/2016, diện tích nuôi cá tra ở ĐBSCL giảm 22% và sản lượng giảm 20% so với cùng kỳ năm 2015.
Thời gian gần đây, một số doanh nghiệp chế biến cá tra ở ĐBSCL cho biết sản lượng cá tra nguyên liệu giảm nhiều so với cùng kỳ năm ngoái, thậm chí có một số nhà máy phải đóng cửa vì “đói” nguyên liệu.
Theo ông Võ Hùng Dũng- Giám đốc VCCI chi nhánh Cần Thơ, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VN Pangasius, diện tích và sản lượng nuôi cá tra giảm trong khi kim ngạch xuất khẩu tăng có thể do các yếu tố như: lượng hàng cá tra còn tồn trong doanh nghiệp xuất khẩu từ cuối năm 2015 chuyển sang.
Ngoài ra, cũng không loại trừ trường hợp doanh nghiệp làm giá cá tra khi hệ thống thông tin về thị trường cá tra còn hạn chế. Nếu việc giảm diện tích, giảm nguồn cung nguyên liệu để làm giá góp phần thúc đẩy tăng giá xuất khẩu, tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp là điều có thể chấp nhận.
Do đó, VN Pangasius đang nỗ lực hoàn thiện các hệ thống cung cấp thông tin về thị trường cá tra.
Về tình hình xuất khẩu, theo VASEP, đầu năm đến giữa tháng 3/2016, xuất khẩu cá tra Việt Nam đạt gần 298 triệu USD, tăng 4,2%.
Cụ thể, xuất khẩu sang Mỹ đạt trên 68 triệu USD, chiếm 23,1% tỷ trọng toàn ngành, tăng 9,7% so với cùng kỳ; sang EU đạt trên 51 triệu USD, chiếm 17,2% tỷ trọng toàn ngành, giảm 1,9% so với cùng kỳ năm ngoái; sang Trung Quốc và Hong Kong đạt trên 34 triệu USD, chiếm 11,4% tỷ trọng toàn ngành, tăng 39% so với cùng kỳ năm ngoái, và khu vực ASEAN đạt trên 27 triệu USD, chiếm 9,2% tỷ trọng toàn ngành, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm ngoái…
Cũng theo ông Võ Hùng Dũng, hiện mức giá thu mua cá tra nguyên liệu chỉ tiệm cận với mức giá năm 2014 và vẫn thấp hơn năm 2015. Dự báo mức giá cá tra nguyên liệu tại ĐBSCL sẽ tăng trong thời gian tới nhưng không nhiều.
Song nhờ giá thức ăn đầu vào giảm nên lợi nhuận của người nuôi sẽ tăng. Tuy diện tích, sản lượng cá tra nguyên liệu trong những tháng đầu năm nay có giảm so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng không đến mức nghiêm trọng.
Bà Võ Thị Thu Hương- Phó Tổng thư ký VN Pangasius, cho biết định hướng quan trọng của VN Pangasius là tập trung giải quyết vấn đề chất lượng ngành hàng cá tra. Đồng thời hoàn tất các website về thông tin thương mại cá tra và bảng đồ vùng nuôi cá tra để từng bước hiện đại hóa thương mại và minh bạch chất lượng vùng nguyên liệu cá tra.
Bài, ảnh: LAN THƯƠNG
[links()]
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin