Nếu hạn mặn đến đô thị, ứng phó ra sao?

06:03, 02/03/2016

Khô hạn và xâm nhập mặn khốc liệt làm cho nhiều đô thị khu vực ĐBSCL có khả năng thiếu nước sinh hoạt. Riêng ngay từ đầu năm nay tại Vĩnh Long, nhiều vùng đô thị nhỏ nước mặn đã lấn tới, gây khó khăn cho sinh hoạt của người dân. Nước mặn đã vào từng bữa ăn...

Khô hạn và xâm nhập mặn khốc liệt làm cho nhiều đô thị khu vực ĐBSCL có khả năng thiếu nước sinh hoạt. Riêng ngay từ đầu năm nay tại Vĩnh Long, nhiều vùng đô thị nhỏ nước mặn đã lấn tới, gây khó khăn cho sinh hoạt của người dân. Nước mặn đã vào từng bữa ăn...

Hạn mặn tấn công, sinh hoạt người dân gặp khó khăn.
Hạn mặn tấn công, sinh hoạt người dân gặp khó khăn.

Trung tâm Dự báo khí tượng- thủy văn Trung ương, mùa khô năm 2015- 2016 tình hình hạn hán, xâm nhập mặn ở khu vực ĐBSCL là rất nghiêm trọng, đến sớm, xâm nhập sâu trên diện rộng và kéo dài, ảnh hưởng lớn đến sản xuất và sinh hoạt. Hiện nay, dòng chảy thượng lưu sông Mekong về đồng bằng đang diễn biến rất phức tạp, do có sự chi phối của các hồ chứa thượng lưu.

Kỹ sư Bùi Phan Trí Hải- Đài Khí tượng- Thủy văn tỉnh Vĩnh Long cho biết: Trong những năm đầu nghiên cứu về biến đổi khí hậu, các nhà khoa học dự báo nhiệt độ tăng, sự biến động của mưa, nước biển dâng cho kịch bản năm 2030, thì đến nay những dự báo này đang xảy ra nhanh chóng hơn, có thể chỉ trong vài năm nữa thôi.

Theo ghi nhận, đợt mặn bất thường vừa qua không chỉ tấn công đến ruộng đồng, mà còn ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân ở nhiều vùng đô thị nhỏ, xã, thị trấn. Trong đó, Trà Ôn là một trong 2 huyện bị ảnh hưởng nặng nhất do xâm nhập mặn mà chủ yếu là nguồn nước phục vụ cho sinh hoạt của người dân. Bên cạnh đó, tại một số huyện khác như: Tam Bình nước mặn đã tới Ngãi Tứ, TX Bình Minh nước mặn tới Mỹ Hòa, Mang Thít mặn tới vàm Mỹ An...

Cô Nguyễn Thị Lệ (chợ Trà Côn- Trà Ôn) cho biết: “Tôi nghe nhiều thông tin nước mặn tấn công rồi mà sắp tới sẽ còn thêm đợt nữa, mặn hơn nữa nên tôi dự định xây hoặc mua thêm lu chứa nước. Nếu không, tôi lo sắp tới không có nước ngọt để xài”.

Độ mặn tại vàm Vũng Liêm tăng khá nhanh qua từng thập niên. Trong biểu đồ: Độ mặn cao nhất qua các năm (‰).
Độ mặn tại vàm Vũng Liêm tăng khá nhanh qua từng thập niên. Trong biểu đồ: Độ mặn cao nhất qua các năm (‰).

Tại một số vùng bị ảnh hưởng mặn, người dân vẫn còn đang “sốc” bởi trong rất nhiều năm qua họ chưa bao giờ sử dụng nước mặn có nồng độ cao như vậy. Ông Nguyễn Văn Tám (thị trấn Cái Nhum) cho hay: “Mấy bữa nước mặn lên, pha trà uống cũng hết thấy ngon lành gì. Nước cứ lợ lợ, mằn mặn, rất khó chịu, nấu ăn rồi tắm rửa cũng thấy bất tiện. Từ nào tới giờ mới thấy tình trạng này”.

Tại thị trấn Vũng Liêm, nước mặn tấn công cũng khiến sinh hoạt người dân bị xáo trộn. Các nhà máy nước ở Thanh Bình, thị trấn Vũng Liêm, Trung Thành Tây lấy nước cấp cho sinh hoạt rất khó khăn do nguồn nước bị nhiễm mặn. Chị Nguyễn Xuân Thảo (Khóm 3- thị trấn Vũng Liêm) cho biết: “Nước mặn tới rất khó chịu, nấu đồ ăn không thấy ngon, nấu nước uống cũng không được, tôi phải mua thêm bình nước tinh khiết để xài. Nhưng nghe đâu mai mốt mặn lên tiếp thì nước máy cũng sẽ bị ảnh hưởng theo. Mùa này không có mưa, không biết sắp tới tính sao”.

Theo Thạc sĩ Lưu Nhuận- Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, đi đôi với xâm nhập mặn là kiệt, nước sông liên tục giảm từ tháng 1 đến tháng 4. Hạn hán ở Vĩnh Long chủ yếu xảy ra ở cuối vụ Đông Xuân kéo dài đến hết vụ Hè Thu (trùng với thời kỳ mùa khô ở Nam Bộ). Những năm xâm nhập mặn lên cao, kéo dài (năm 2013), những nơi bị ảnh hưởng (Vũng Liêm, Trà Ôn) đóng cống ngăn mặn làm cho diện tích bị thiếu nước càng tăng thêm. Thống kê trong 6 năm 2009- 2014: toàn tỉnh có 4.791 hộ bị ảnh hưởng nguồn nước sinh hoạt.

Theo Đài Khí tượng- Thủy văn tỉnh, căn cứ kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng năm 2012 của Việt Nam do Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố, diện tích ngập ở ĐBSCL đến năm 2100 có khả năng chiếm khoảng 39% toàn diện tích ĐBSCL. Ngoài việc bị ngập nước biển, khoảng 70% diện tích đất của ĐBSCL còn bị xâm nhập mặn, mất khoảng 2 triệu hecta đất trồng lúa. Thời gian úng ngập có thể kéo dài từ 4- 5 tháng, 39% diện tích đồng bằng bị nhấn chìm, 90% diện tích đồng bằng có thể bị nhiễm mặn.

Có thể thấy, một trong những biện pháp nhằm cải thiện tình trạng cung cấp nước sạch trên địa bàn tỉnh trong thời điểm xâm nhập mặn là triển khai các dự án đầu tư xây dựng mới, cải tạo và nâng cấp hệ thống cấp nước trên địa bàn tỉnh. Theo đó, để góp phần khai thác bền vững, ổn định và bảo vệ nguồn tài nguyên nước, mới đây, UBND tỉnh phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch cấp nước vùng tỉnh Vĩnh Long đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.

Theo đó, đối tượng lập quy hoạch bao gồm: 8 đô thị và các khu- cụm- tuyến công nghiệp hiện hữu, khu vực ven đô thị (khu vực có tuyến ống cấp nước đô thị đi ngang qua), khu dân cư nông thôn tập trung, các khu đô thị và khu- cụm- tuyến công nghiệp dự kiến phát triển của tỉnh. Tổng diện tích đất xây dựng đô thị dự kiến đến năm 2020 khoảng 5.900ha; Quy mô dân số đô thị trong phạm vi lập quy hoạch được dự báo đến năm 2020 khoảng 400.000 người.

Mục tiêu lập quy hoạch cũng tính đến việc lựa chọn các dự án ưu tiên thực hiện từng giai đoạn, ứng phó với điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Xây dựng mô hình quản lý và phát triển cấp nước trên địa bàn tỉnh. Từng bước hiện đại hóa hệ thống sản xuất, quản lý và kinh doanh nước sạch. Mở rộng phạm vi bao phủ dịch vụ cấp nước ra ngoài khu vực đô thị, khu vực công nghiệp, khu dân cư nông thôn tập trung.

Bài, ảnh: LÊ SƠN- THẢO NGUYÊN

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh