Mỗi tối, bờ kè Phường 2- TP Vĩnh Long trở thành "điểm hẹn lý tưởng" của mọi người, khi nhiều hàng quán chiếm dụng cả vỉa hè để buôn bán.
Mỗi tối, bờ kè Phường 2- TP Vĩnh Long trở thành “điểm hẹn lý tưởng” của mọi người, khi nhiều hàng quán chiếm dụng cả vỉa hè để buôn bán.
Thật ra, đây chỉ là một trong những điểm nóng chiếm dụng lòng- lề đường, vỉa hè trên địa bàn thành phố. Tình trạng lấn chiếm lòng- lề đường không chỉ làm mất mỹ quan đô thị mà còn ảnh hưởng đến an toàn giao thông. Thực trạng vi phạm này rất cần được xử lý triệt để.
Vòng luẩn quẩn: bán- kiểm tra- trốn- bán
Việc hàng quán chiếm dụng vỉa hè khiến người đi bộ vô tình vi phạm vào lỗi đi không đúng phần đường. Ảnh chụp trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (Phường 1- TP Vĩnh Long). |
Lòng- lề đường, vỉa hè là nơi dành cho phương tiện lưu thông và người đi bộ, nói cách khác chỉ để phục vụ cho mục đích giao thông. Việc chúng bị trưng dụng làm nơi buôn bán không còn là chuyện mới. Tuy nhiên, tình trạng này dường như đang ngày một phổ biến, khiến lòng đường, vỉa hè vốn nhỏ hẹp nay lại càng chật hẹp hơn.
Ghi nhận trên một số tuyến đường thường xuyên vi phạm như: Đường 1/5, Nguyễn Thị Út (Phường 1), Nguyễn Huệ (Phường 2),… không khó bắt gặp hình ảnh hàng quán, xe bán hàng rong vi phạm.
Nhất là khu vực bờ kè của Phường 1 và Phường 2, tầm khoảng 18 giờ mỗi ngày, một số hàng quán chiếm dụng triệt để khoảng trống trên vỉa hè để bày bàn ghế buôn bán, xe máy thì đậu la liệt dưới lề đường khiến người đi bộ phải đi dưới lòng đường.
Tương tự là tuyến đường đoạn bến phà An Bình, khi có báo động lực lượng đến tuần tra, lập tức người bán hàng rong di chuyển tang vật hoặc trốn đi nơi khác hoặc mang hàng hóa xuống phà để tránh bị thu gom.
Khu vực chợ Vĩnh Long (đường 1 Tháng 5) cũng là nơi có nhiều người lấn chiếm lòng đường. Chỉ mỗi khi thấy bóng dáng của lực lượng chức năng, người vi phạm mới vội vã dọn hết các rổ rau, trái cây, mớ cá,… đem vào khu vực bên trong nhưng một lúc sau thì đâu lại vào đấy.
Chị T.- chủ một xe bán trái cây cho biết: “Do không có điều kiện mở tiệm nên tôi mới phải đi bán dạo. Với lại bán theo kiểu “di động” hút khách hơn vì thuận tiện cho người mua. Tôi biết lấn chiếm lòng, lề đường là sai nhưng vì miếng cơm manh áo nên đành chấp nhận may rủi”.
Thực tế, đa số những đối tượng chiếm dụng lòng- lề đường, vỉa hè để buôn bán đều ý thức được hành vi vi phạm pháp luật của mình. Song, họ vẫn cố tình vi phạm, điều này một phần cho thấy chế tài xử lý vẫn chưa thích đáng nên một bộ phận người dân còn xem thường pháp luật.
Khó giải quyết dứt điểm?
Đại diện công an các khu vực trong thành phố cho biết, quá trình tuần tra, xử phạt những đối tượng buôn bán lấn chiếm lòng- lề đường, vỉa hè gặp không ít khó khăn. Thực tế, ngày càng phát sinh nhiều tuyến đường vi phạm nên không đủ lực lượng để bố trí dàn trải.
Bờ kè là nơi lý tưởng để thư giãn sau những ngày làm việc mệt mỏi nhưng không được kinh doanh, buôn bán trái phép trên đó. Ảnh chụp bờ kè Phường 2- TP Vĩnh Long vào buổi chiều. |
Vì vậy, nơi nào có lực lượng kiểm tra, mạnh tay xử lý thì tình trạng chiếm dụng vỉa hè, lấn chiếm lòng- lề đường giảm bớt, nơi nào lơ là thì tình trạng này vẫn cứ tái diễn.
Mặt khác, hầu hết người vi phạm chủ yếu là những đối tượng buôn thúng bán bưng nên khi bị cơ quan chức năng xử phạt họ thường “bỏ của chạy lấy người” khi tang vật có giá trị thấp hơn mức phạt hoặc chửi bới, chống đối lại người thi hành công vụ, tạo hình ảnh không đẹp trong mắt mọi người.
Lực lượng công an các phường cũng đã nhiều lần phối hợp cùng Đội Kiểm tra trật tự đô thị tuần tra, xử phạt và thu giữ tang vật vi phạm, nhưng không thể xử lý dứt điểm. “Nhiệm vụ tuần tra được chúng tôi phối hợp thực hiện thường xuyên.
Tuy nhiên, việc làm này cứ như “ném đá ao bèo”- khi kiểm tra tại những điểm nóng vi phạm thì họ đi đến nơi khác bán, hễ không thấy có lực lượng đứng chốt thì họ quay lại buôn bán tiếp. Mặt khác, người vi phạm đa số là bà con lao động nghèo nên xử phạt cũng khó, chỉ nhắc nhở là chính”- đại diện Công an Phường 1 cho biết.
Đối với các tiểu thương, họ được phép buôn bán trên vỉa hè của một số tuyến đường. Nhưng thực tế vẫn còn tồn tại nhiều bất cập, như việc người mua không có nơi để xe và phải đậu dưới lòng đường, hoặc tiểu thương đặt cố định luôn quầy hàng để buôn bán lâu dài.
Thượng tá Hồ Quyết Tiến- Phó trưởng Công an TP Vĩnh Long cho biết: Theo quy định, vỉa hè là nơi dành cho người đi bộ, nhưng trên vỉa hè một số tuyến đường trong thành phố có kẻ vạch sơn trắng, quy định từ vạch sơn trở vào là nơi đậu xe, phần vỉa hè còn lại dành riêng cho người đi bộ.
Vừa qua, UBND thành phố đã có công văn chỉ đạo các ban, ngành liên quan đề xuất giải pháp để chấn chỉnh lại trật tự văn minh đô thị trên địa bàn. Hiện tại, các cơ quan chức năng sẽ cùng phối hợp đồng bộ và tăng tần suất kiểm tra, nhằm kéo giảm tình trạng buôn bán lấn chiếm lòng- lề đường xuống mức thấp nhất có thể.
Thiết nghĩ, nếu đối tượng chiếm dụng lòng- lề đường, vỉa hè để buôn bán là những người lao động nghèo và họ thực sự có nhu cầu buôn bán để mưu sinh, thì cơ quan chức năng nên tạo điều kiện để người dân có nơi buôn bán ổn định và đúng luật.
Nên chăng, cần phân loại lại vỉa hè, chẳng hạn đối với những vỉa hè rộng rãi, ngoài việc dành cho người đi bộ, có thể cho phép sử dụng một phần vào một số mục đích cần thiết khác nhưng ở mức độ có kiểm soát và phải quản lý sao cho hài hòa, phù hợp thực tế mỗi nơi.
Riêng đối tượng vi phạm là hàng quán, kinh doanh để kiếm thêm lợi nhuận thì cần phải xử lý nghiêm và triệt để, nhằm chấn chỉnh lại trật tự an toàn giao thông và gìn giữ nét mỹ quan đô thị. Bên cạnh việc xử phạt, để nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của người dân, cơ quan chức năng cần tuyên truyền bằng nhiều hình thức.
Việc tổ chức thực hiện phải có sự phối hợp đồng bộ giữa các phường giáp ranh và cơ quan, ban, ngành liên quan thì mới tạo chuyển biến tích cực, tránh tình trạng “đuổi”- “chạy” như thời gian qua.
Luật Giao thông đường bộ tại khoản 1, Điều 36 quy định lòng đường và hè phố chỉ được sử dụng cho mục đích giao thông. Khoản 3, Điều 8 của luật này cũng nghiêm cấm hành vi sử dụng lòng- lề đường, hè phố trái phép. Theo Điều 12 Nghị định 171/2013/NĐ-CP, người bán hàng rong hoặc bán hàng hóa nhỏ lẻ khác trên lòng đường đô thị, vỉa hè các tuyến phố có quy định cấm bán hàng sẽ bị phạt tiền từ 100- 200 ngàn đồng. Phạt tiền từ 2- 3 triệu đồng đối với cá nhân, từ 4- 6 triệu đồng đối với tổ chức có hành vi họp chợ, kinh doanh dịch vụ ăn uống… hoặc thực hiện các hoạt động, dịch vụ khác trái phép trên lòng đường, hè phố gây cản trở giao thông. |
Bài, ảnh: PHẠM TẤN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin