Đó là những chia sẻ đầy tâm huyết của Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Vĩnh Long Nguyễn Tường Nam, trong bài viết riêng cho Báo Vĩnh Long Xuân 2016.
LTS: Hội nhập kinh tế ảnh hưởng trực tiếp đến sự sống còn của doanh nghiệp và sự phát triển của quốc gia. Điều này đòi hỏi phải có sự thay đổi thích ứng không chỉ ở các DN, mà các cơ quan quản lý nhà nước cũng phải đổi mới…
Đó là những chia sẻ đầy tâm huyết của Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Vĩnh Long Nguyễn Tường Nam, trong bài viết riêng cho Báo Vĩnh Long Xuân 2016.
Hơn bao giờ hết, hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay được rất nhiều DN quan tâm và có nhận thức sâu sắc hơn bởi thời gian qua nó đã tác động lớn đến đời sống xã hội, làm thay đổi ít nhiều hiệu quả kinh doanh của DN tùy theo quy mô và ngành nghề khác nhau. Hội nhập ngày càng sâu và rộng đã tạo ra nhiều cơ hội và thách thức cho các DN và các cơ quan quản lý nhà nước.
Cơ hội
Trước tiên có thể thấy, sự gắn kết các nền kinh tế tạo ra sự giao thương lớn hơn, đa dạng hơn và tất nhiên các DN sẽ có thêm những điều kiện thuận lợi, tận dụng ưu thế để mở rộng thị trường.
Tự do hóa thương mại thông qua lộ trình cắt giảm thuế quan cũng giúp cho DN Việt Nam tiết giảm chi phí, do các hàng hóa nhập khẩu làm đầu vào sản xuất trở nên rẻ đi và đa dạng hơn, giúp hàng hóa sản xuất trong nước nâng cao khả năng cạnh tranh so với các sản phẩm nhập khẩu.
Tiếp nhận công nghệ mới và công cụ quản lý tiên tiến, những DN trong nước có điều kiện tốt hơn để tham gia vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu.
Bên cạnh đó, hội nhập kinh tế cũng thu hút vốn đầu tư nước ngoài từ đó mở ra cơ hội hợp tác đầu tư cho các DN Việt Nam.
Về mặt quản lý nhà nước, hội nhập kinh tế quốc tế góp phần thúc đẩy quá trình tái cấu trúc nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng, thúc đẩy quá trình hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật, nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền, hoàn thiện rõ nét hơn nền kinh tế thị trường và cạnh tranh bình đẳng.
Thách thức
Khả năng thích ứng của DN trong nước khi hội nhập kinh tế quốc tế là vấn đề lớn. Việc cạnh tranh thể hiện ở sản phẩm dịch vụ, cạnh tranh DN và cả cạnh tranh tổng thể ở cấp độ quốc gia là sức mạnh chung của các nền kinh tế.
Thách thức về nguồn nhân lực (các nhà quản trị DN, chuyên gia pháp lý, chuyên gia về các tiêu chuẩn…) cũng rất lớn để đáp ứng các yêu cầu cho phát triển.
Cạnh tranh trên thị trường nội địa ngày càng gắt do hàng hóa ngày càng đa dạng, thị trường quốc tế nhìn chung với DN Việt Nam là bất lợi do luôn biến động và cạnh tranh các thị trường xuất khẩu ngày càng quyết liệt, nhiều hàng rào phi thuế quan và kỹ thuật được nhiều nước đặt ra rất khó vượt qua.
Năng lực của DN trong nước còn nhiều hạn chế, công nghiệp phụ trợ chưa phát triển, nguyên liệu đầu vào còn phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu.
Tính liên kết giữa các DN chưa cao và các công ty đa quốc gia, FDI ít kết nối với DN Việt Nam. Bên cạnh đó, sự hội nhập kinh tế luôn kèm theo những tác động ảnh hưởng đến đời sống văn hóa xã hội, thói quen tiêu dùng nên cũng đòi hỏi hơn nữa sự linh hoạt và chuẩn bị.
Thay đổi và thích ứng
Hội nhập kinh tế ảnh hưởng trực tiếp đến sự sống còn của DN và sự phát triển của quốc gia. Điều này đòi hỏi phải có sự thay đổi thích ứng không chỉ ở các DN mà các cơ quan quản lý nhà nước cũng phải đổi mới.
Đối với DN, cần khẩn trương chuyển đổi mô hình và chiến lược tăng trưởng bằng cách khẳng định lại giá trị cốt lõi của mình để chọn thị trường mục tiêu và phương thức cạnh tranh phù hợp, xây dựng mạng lưới sản xuất và kinh doanh hiệu quả để tiết kiệm chi phí, nhanh chóng tạo lập thị phần, coi trọng yếu tố nguồn nhân lực và xây dựng văn hóa DN.
Bên cạnh, cũng cần đề cao trách nhiệm với xã hội, môi trường và cộng đồng, trách nhiệm với người lao động để tạo nên sức mạnh tổng thể và sự đồng tình ủng hộ.
Đối với cơ quan quản lý nhà nước, cần đẩy mạnh cải tạo cơ sở hạ tầng, khẩn trương xây dựng chiến lược phát triển các địa phương dựa trên thế mạnh từng vùng để thúc đẩy liên kết, khuyến khích các DN tham gia vào chuỗi hàng hóa, nhanh chóng tái cơ cấu các ngành, đặc biệt coi trọng tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng ứng dụng khoa học công nghệ, nhất là công nghệ sinh học và công nghệ chế biến.
Ngoài ra, cơ quan quản lý cũng cần đổi mới nhanh tư duy quản lý và kiến tạo môi trường phát triển, thúc đẩy xây dựng chính quyền điện tử, nâng cao tính minh bạch, tạo sự công bằng. Qua đó, để các DN dù quy mô lớn hay nhỏ vẫn có thể tham gia vào chuỗi giá trị và hoạt động hiệu quả, tạo nên sức mạnh tổng hợp cho nền kinh tế quốc gia.
NGUYỄN TƯỜNG NAM-
CHỦ TỊCH HỘI DOANH NHÂN TRẺ VĨNH LONG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin