Hạ tầng mở đường cho công nghiệp

10:02, 13/02/2016

Phát triển công nghiệp từ "bệ phóng" nông nghiệp, trong đó, sản xuất nông nghiệp theo hướng phục vụ sản xuất công nghiệp chế biến để nâng cao chuỗi giá trị gia tăng cho sản phẩm hàng hóa.

Phát triển công nghiệp từ “bệ phóng” nông nghiệp, trong đó, sản xuất nông nghiệp theo hướng phục vụ sản xuất công nghiệp chế biến để nâng cao chuỗi giá trị gia tăng cho sản phẩm hàng hóa.

Bên cạnh việc thắt chặt mối dây liên kết này, ngành công nghiệp Vĩnh Long cũng cần được tạo dựng trên nền tảng hạ tầng để phát triển.

Đầu tư phát triển hạ tầng giao thông được ưu tiên nhằm tạo nền tảng phát triển công nghiệp.
Đầu tư phát triển hạ tầng giao thông được ưu tiên nhằm tạo nền tảng phát triển công nghiệp.

Đầu tư cho hạ tầng

Đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng là một trong những đột phá của tỉnh trong giai đoạn 2011- 2015, trong đó hạ tầng giao thông được ưu tiên phát triển. Ngoài các tuyến giao thông đã được Trung ương đầu tư, nâng cấp như tuyến tránh Quốc lộ 1, Quốc lộ 53, xây mới một số cầu trên Quốc lộ 53, Quốc lộ 54, các tuyến Đường tỉnh 902, Đường tỉnh 907.

Từ 2011- 2015, tỉnh đã đầu tư trên 2.500 tỷ đồng cho các công trình trọng điểm phục vụ phát triển kinh tế- xã hội.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh- Nguyễn Văn Quang, việc đầu tư kết cấu hạ tầng phát triển kinh tế- xã hội được quan tâm và ngày càng hoàn thiện, tuy nhiên chưa đáp ứng tốt yêu cầu phát triển kinh tế- xã hội. Hệ thống giao thông nội tỉnh phát triển chưa hoàn chỉnh, còn một số tuyến chưa được đầu tư, nâng cấp đảm bảo yêu cầu sản xuất và lưu thông vận chuyển hàng hóa, thu hút đầu tư.

Đầu tư cho “bệ phóng” nông nghiệp, thời gian qua, tỉnh đã huy động nhiều nguồn lực để đầu tư vào hạ tầng thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp, thủy sản. Theo đó, toàn tỉnh đầu tư 1.264 tỷ đồng để đầu tư mới, nâng cấp, cải tạo 108 công trình thủy lợi, nâng diện tích khép kín chủ động tưới tiêu, bảo vệ sản xuất nông nghiệp- thủy sản toàn tỉnh lên 107.518ha, chiếm 91% diện tích đất nông nghiệp, góp phần thực hiện có hiệu quả đề án và kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh đến năm 2020.

Tỉnh đã tập trung đầu tư mới, cải tạo hệ thống lưới điện hiện có với các công trình trọng điểm như đường dây 110 KVA Bình Minh- Cầu Kè, 110 KVA Khu công nghiệp Hòa Phú, tuyến cáp ngầm về 4 xã cù lao thuộc huyện Long Hồ, 113 công trình điện bức xúc phục vụ sinh hoạt cho người dân nông thôn.

Đến nay, điện lưới quốc gia đã phủ khắp 100% ấp- khóm trong tỉnh, phục vụ tốt cho hoạt động sản xuất kinh doanh và nhu cầu sinh hoạt cho người dân.

Hạ tầng các khu- cụm- tuyến công nghiệp từng bước được hoàn thiện và đồng bộ. Đến nay, toàn tỉnh quy hoạch 5 khu công nghiệp với diện tích 1.333ha, trong đó có 2 khu và tuyến công nghiệp đang hoạt động; có 37 dự án đang hoạt động với diện tích đất công nghiệp sử dụng là 185ha; trong đó có 12 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 123 triệu USD và 25 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký 3.931 tỷ đồng, vốn đầu tư thực hiện của các dự án 1.113 tỷ đồng, chiếm 28,33% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Tỉnh đã phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phát triển cụm công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn giai đoạn 2011- 2015 và định hướng đến năm 2020 gồm 14 cụm công nghiệp, trong đó giai đoạn 2011- 2015 tập trung triển khai 8 cụm công nghiệp đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết.

Đến nay, đã có 2 cụm công nghiệp đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư, các nhà đầu tư đang tiếp tục thực hiện các thủ tục liên quan để triển khai dự án.

Đòn bẩy logistics

ĐBSCL là vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm, có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế- xã hội của đất nước. Tuy nhiên, việc phát triển kinh tế- xã hội của vùng vẫn chưa tương xứng với các tiềm năng, lợi thế sẵn có, nhất là giá trị các ngành nông- thủy sản hiện vẫn còn thấp và không ổn định.

Hình thành và phát triển cảng, trung tâm logistics là nhu cầu cấp bách để vận chuyển hàng hóa phục vụ xuất khẩu.
Hình thành và phát triển cảng, trung tâm logistics là nhu cầu cấp bách để vận chuyển hàng hóa phục vụ xuất khẩu.

Theo TS Võ Hùng Dũng- Giám đốc Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần Thơ, thời gian qua, dù các kết cấu hạ tầng giao thông và hệ thống logistics của vùng ĐBSCL đã được đầu tư phát triển nhưng hiện vẫn chưa đồng bộ.

Khả năng khai thác các phương tiện lớn, tốc độ cao còn hạn chế và chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các phương thức giao thông thủy- bộ và đường hàng không, chưa có đường sắt kết nối cảng.

Do đó, việc kết nối vận chuyển hàng hóa từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ còn gặp khó. Việc xuất khẩu nhiều loại nông sản của vùng phải trung chuyển qua các cảng ở TP Hồ Chí Minh và Bà Rịa- Vũng Tàu, khiến mất nhiều thời gian và tăng chi phí, ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của hàng hóa trong vùng.

Từ thực tế đó, tại hội thảo về chiến lược phát triển hệ thống logistics vùng ĐBSCL, nhiều đại biểu cho rằng ngoài việc sớm hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông, vùng ĐBSCL cần đầu tư xây dựng các trung tâm logistics với kết cấu hạ tầng và dịch vụ đồng bộ để có thể bảo quản tốt chất lượng hàng hóa và vận chuyển hàng hóa đến nơi tiêu thụ một cách nhanh nhất, với chi phí thấp và giảm rủi ro.

Có như vậy mới giúp nâng cao sức cạnh tranh cho hàng nông sản, thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững kinh tế- xã hội của vùng trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, hàng hóa trong nước phải đối mặt với sức ép cạnh tranh gay gắt ở cả thị trường trong ngoài nước.

TS. Võ Hùng Dũng tin tưởng rằng với nền tảng nông nghiệp vững chắc hướng tới năng suất, chất lượng sẽ thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm. Những ngành phái sinh từ nông nghiệp và hỗ trợ nông nghiệp như công nghệ sinh học, ứng dụng công nghệ, cơ khí nông nghiệp, chuỗi cung ứng, dịch vụ nông nghiệp cũng rất tiềm năng.

Tuy nhiên đến nay, những dự án trọng điểm được các tỉnh đề xuất lại có quy mô nhỏ, thiếu các dự án quy mô ngành, dự án có tính các liên tỉnh, liên vùng, trong khi nhu cầu hiện nay cần có các dự án mang tính cạnh tranh, có tác động thúc đẩy sự phát triển như dự án cảng biển, cảng cạn, trung tâm logistics, sàn giao dịch nông sản, thủy sản.

Ông Phạm Thành Khôn- Trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh

Tại Vĩnh Long, doanh nghiệp xuất khẩu có thể vận chuyển hàng tại 3 cảng. Trong đó 2 cảng thuộc Vĩnh Long gồm cảng tại Khu công nghiệp Bình Minh với năng lực cập cảng 7.000 tấn, cảng Vĩnh Thái năng lực 3.500 tấn. Bên cạnh, hàng hóa xuất khẩu của tỉnh còn có thể được xuất bến tại cảng Cái Cui (Cần Thơ) với năng lực từ 20.000- 25.000 tấn, về cơ bản đủ đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp xuất khẩu hiện nay.

Bài, ảnh: THÀNH LONG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh