Mối mọt, ẩm mốc, nhiễm vi sinh vật trong quá trình vận chuyển hoặc do không nắm rõ các quy định về nhập khẩu hàng hóa của nước đối tác... là những lý do "trời ơi" khiến các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu gạo mất cả trăm tỷ đồng mỗi năm.
Mối mọt, ẩm mốc, nhiễm vi sinh vật trong quá trình vận chuyển hoặc do không nắm rõ các quy định về nhập khẩu hàng hóa của nước đối tác... là những lý do “trời ơi” khiến các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu gạo mất cả trăm tỷ đồng mỗi năm.
Nhiều doanh nghiệp không nắm rõ các quy định của nước nhập khẩu gạo nên thiệt hại hàng tỷ đồng. Ảnh: T.L |
Mất tiền tỷ vì “đối tác dỏm”
Là DN chuyên xuất khẩu gạo sang châu Phi trong nhiều năm qua, ông Phạm Hoàng Lâm - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Hưng Lâm (TP.HCM), cho rằng đây là thị trường tiêu thụ lúa gạo rất lớn và không yêu cầu khắt khe về chất lượng như các thị trường Nhật, Hàn hay châu Âu. Tuy nhiên, DN Việt Nam làm ăn với phía châu Phi cũng rất dễ bị lừa và gặp rắc rối về pháp lý vì những “đối tác dỏm”. Đặc biệt, nếu DN thực hiện tìm kiếm đối tác trên mạng thì rủi ro càng lớn, nhất là ở khu vực Tây và Trung Phi.
Ông Lâm thừa nhận, chính DN của ông cũng từng mất 800.000 USD tại thị trường này do áp phương thức thanh toán hàng giao trước. Đến khi phát hiện bị mất hàng, ông Lâm phải “cầu cứu” Tham tán thương mại Việt Nam ở nước sở tại, song việc can thiệp cũng rất khó khăn, tốn nhiều thời gian, tiền của.
Cùng cảnh ngộ, bà Nguyễn Thị Tuyết Nhung - Giám đốc Công ty Phước Thành Bảy Mập (quận 11, TP.HCM) cho hay, công ty bà thường xuất khẩu gạo đi thị trường Mỹ, nhưng gần đây do thiếu thông tin, không biết chất nào bị cấm, tỉ lệ bao nhiêu nên DN gặp nhiều rắc rối tại thị trường này. Phải đến khi hàng tới Mỹ, bà Nhung mới biết sản phẩm phải niêm phong, gửi kho, chờ kiểm định… Nếu hàng hóa đạt tiêu chuẩn, không có tồn dư chất cấm thì mới được giao cho khách hàng. Trong khi đó, những kết quả kiểm định mà công ty của bà Nhung thực hiện tại Việt Nam (như kiểm dịch thực vật...) hoàn toàn không có giá trị gì tại Mỹ.
Ông Hoàng Tuấn Việt - Tham tán thương mại Việt Nam tại Mexico cũng thông tin, trong năm qua, nhiều DN Việt Nam do không nắm rõ các quy định về xuất nhập khẩu hàng hóa của Mexico nên đã phải chuốc “quả đắng” khi bị trả hàng về.
Cụ thể, trong năm qua, có DN đã phải mất trắng hàng trăm nghìn USD khi bị trả về 20 container gạo xuất khẩu vào Mexico do không đảm bảo các yêu cầu về kê pallet giữa các thùng hàng. Cũng có DN khi xuất hàng đi không giám định container, tới khi hàng nhập cảng, container thủng, gạo ẩm mốc nên bị trả về, qua đó cũng ảnh hưởng tới uy tín chung của gạo Việt.
“Đập bàn, đập ghế” đòi nợ thay DN
Các DN khi xuất khẩu gạo phải giám định cả chất lượng container, đề phòng trường hợp container không đảm bảo các điều kiện khi vận chuyển hàng hóa. Cũng cần kiểm tra để tránh trường hợp container có chứa vi sinh vật gây hại cho gạo như mối mọt, nấm mốc hoặc các loại côn trùng khác mà nước nhập khẩu không chấp nhận... Ông Hoàng Tuấn Việt - Tham tán thương mại tại Mexico |
Nhiều vụ tranh chấp thương mại đã xảy ra trong hoạt động xuất khẩu gạo do DN thiếu thông tin về thị trường, đối tác nhập khẩu. Đến khi có sự hỗ trợ, can thiệp của Tham tán thương mại Việt Nam ở nước sở tại mới đòi lại được phần nào tiền hàng.
Đại diện Thương vụ Việt Nam tại Dubai - ông Phạm Trung Nghĩa cho biết, đã có rất nhiều vụ tranh chấp thương mại giữa DN Việt Nam và đối tác Dubai phải nhờ đến sự can thiệp của đại sứ quán. Thông qua việc tác động đến các cảng, hãng tàu… Tham tán thương mại yêu cầu ngừng chuyển hàng, chuyển tiền… để hạn chế thiệt hại cho DN Việt Nam. Chỉ riêng năm 2015, đơn vị này đã hỗ trợ 8 DN Việt đòi lại được 4 triệu USD.
“Nhiều lúc phải đập bàn, đập ghế làm căng mới giải quyết được vấn đề. Tuy vậy, có nhiều vụ DN chậm cung cấp thông tin hoặc cung cấp thông tin không đầy đủ nên thương vụ chỉ hỗ trợ đòi được gần 40% số tiền cần đòi” - ông Nghĩa nói thêm.
Ông Phạm Hoàng Lâm thì cho rằng, các DN trước khi thực hiện xuất khẩu hàng hóa vào châu Phi nên tham vấn ý kiến các tham tán tại thị trường này. Nếu phát hiện biểu hiện bất thường, DN cần liên hệ Vụ Thị trường châu Phi, Tây Á - Nam Á (Bộ Công Thương) hoặc các thương vụ Việt Nam tại châu Phi nhờ hỗ trợ kịp thời. Còn theo mong muốn của bà Nhung, các tham tán thương mại tại Mỹ nên phối hợp với cơ quan quản lý trong nước để cập nhật, hướng dẫn cụ thể cho DN biết chất cấm nào phía Mỹ đang quy định. Ngoài ra, bà Nhung cũng đề nghị cơ quan quản lý nên xem xét cho DN bỏ bớt các khâu kiểm dịch tại Việt Nam nhưng không được phía Mỹ chấp nhận. Qua đó, hạn chế công sức, thời gian, tiền của của DN.
Ông Nguyễn Trung Kiên – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Gentraco (Cần Thơ), thì cho rằng, thông qua các tham tán thương mại, Việt Nam cần thiết lập kênh hỗ trợ thông tin về các thị trường nhập khẩu gạo Việt Nam, cập nhật lộ trình TPP, cung cấp các thông tin về những DN đối thủ, đối tác, tình hình giá cả thị trường ở nước sở tại … Có như vậy, DN mới hạn chế được tình trạng mờ mịt thông tin, nhiều lần “sập bẫy” vì đối tác dỏm.
Theo http://danviet.vn/nha-nong/doanh-nghiep-gao-mat-hang-tram-ty-dong-vi-ly-do-troi-oi-662801.html
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin