Trong quá trình hoàn thiện chuỗi giá trị cá tra, nhiều chuyên gia trong ngành nhận định vẫn còn một số thách thức lớn cần giải quyết từ khâu sản xuất giống đến tiêu thụ sản phẩm.
Trong quá trình hoàn thiện chuỗi giá trị cá tra, nhiều chuyên gia trong ngành nhận định vẫn còn một số thách thức lớn cần giải quyết từ khâu sản xuất giống đến tiêu thụ sản phẩm.
Theo TS Võ Hùng Dũng- Giám đốc VCCI Cần Thơ kiêm Phó Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam (VNPA), kết quả nghiên cứu của hiệp hội cho thấy hầu hết các khâu trong chuỗi giá trị ngành cá tra hiện tại đang gặp vấn đề. Hiện tại, chuỗi ngành hàng đang đối mặt với những khó khăn từ khâu giống đầu vào, khâu nuôi- chế biến cho đến thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Cụ thể ở khâu chế biến, thay vì hội nhập dọc theo chuỗi để phát triển thị trường, cạnh tranh với nước ngoài, các doanh nghiệp (DN) chế biến lại mở rộng vùng nuôi, tự sản xuất thức ăn, gia tăng cạnh tranh ngược lại trong nước làm suy giảm lợi nhuận ngành.
Vấn đề thị trường tiêu thụ đang bị cạnh tranh ngày một gay gắt và nhiều rào cản kỹ thuật mới được đặt ra. Theo ước tính của VNPA, tổng kim ngạch xuất khẩu cá tra năm 2015 có chiều hướng giảm so năm 2014. Xuất khẩu sang một số thị trường truyền thống như Mỹ, EU, Nga suy giảm trong khi các thị trường mới gồm Trung Quốc, Hong Kong lại có sự tăng trưởng.
Trong khi đó, Bộ Nông nghiệp Mỹ đã triển khai chương trình giám sát cá da trơn nhập khẩu vào Mỹ trong khuôn khổ đạo luật Farm Bill, với những quy định rất nghiệm ngặt việc kiểm soát từng công đoạn trong chuỗi giá trị từ khâu sản xuất giống, thức ăn, kiểm tra dư lượng kháng sinh đến chế biến, vận chuyển và đưa ra tiêu thụ… Điều này đã làm tăng đáng kể chi phí đầu vào cho các hộ nuôi cá tra tại ĐBSCL.
Để giải quyết khó khăn, các chuyên gia đề xuất cần quy hoạch lại vùng nuôi, chế biến cá tra ở ĐBSCL cũng như đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Trong đó, chú trọng đến các hoạt động sản xuất con giống, bảo đảm hài hòa lợi ích theo chuỗi giá trị từ người tiêu dùng đến các cá nhân, tổ chức, DN hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, chế biến, xuất khẩu và công nghiệp phụ trợ cho ngành hàng cá tra.
Dựa trên diễn biến giá cả thị trường gần đây, nhiều ý kiến cho rằng trong những năm tới, không nên đầu tư các cơ sở chế biến cá phi lê đông lạnh nữa mà chuyển sang thúc đẩy chế biến nhiều sản phẩm cao cấp đóng gói để tăng giá trị cho cá tra.
Ngoài ra, cần đa dạng hóa các thị trường tiêu thụ sản phẩm, không để phụ thuộc quá nhiều vào một vài thị trường chính cũng là việc làm mà các cơ quan quản lý nhà nước cùng các DN và đơn vị có liên quan cần quan tâm thực hiện trong quá trình tái cấu trúc lại ngành cá tra.
Về phía Nhà nước, cũng cần hỗ trợ DN, các hộ nông dân xây dựng vùng nuôi, hỗ trợ kinh phí để duy trì, cấp giấy chứng nhận chất lượng cũng như hỗ trợ DN xây dựng chuỗi siêu thị bán hàng ở nước nhập khẩu để tiếp thị sản phẩm đến gần hơn với người tiêu dùng. Trên thực tế đây là điều mà bản thân các DN lẫn hộ nuôi không đủ lực để tự thực hiện nên rất cần có sự trợ lực từ các đơn vị chuyên môn và cơ quan nhà nước.
THÀNH LONG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin