Vĩnh Long- dọn đường hội nhập

08:12, 31/12/2015

Kể từ ngày 1/1/2016, Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) chính thức được hình thành là một bước ngoặt đánh dấu sự hòa nhập toàn diện của các nền kinh tế Đông Nam Á.

Kể từ ngày 1/1/2016, Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) chính thức được hình thành là một bước ngoặt đánh dấu sự hòa nhập toàn diện của các nền kinh tế Đông Nam Á.

Cùng Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ giúp Việt Nam mở rộng tiềm năng hợp tác và làm sâu sắc quan hệ giữa Việt Nam với các đối tác hàng đầu thế giới và khu vực.

Nhiều sản phẩm công nghiệp của Vĩnh Long có thị trường trong, ngoài nước.
Nhiều sản phẩm công nghiệp của Vĩnh Long có thị trường trong, ngoài nước.

Riêng Vĩnh Long, đánh giá của Sở Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, quá trình tham gia hội nhập kinh tế quốc tế, tỉnh đã tận dụng tốt cơ hội, vượt qua thách thức đưa nền kinh tế phát triển nhanh, bền vững. Trong đó, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh, doanh nghiệp (DN) và sản phẩm đã đạt những bước tiến đáng kể.

Kinh tế phát triển toàn diện

Tại cuộc họp UBND tỉnh thường kỳ tháng 12/2015, đã sơ kết đánh giá tình hình kinh tế- xã hội của tỉnh trong năm 2015 khép lại với sự phát triển khá toàn diện trên tất cả các mặt. Sản xuất nông nghiệp luôn giữ vai trò quan trọng trong quá trình phát triển- theo Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT Phan Nhựt Ái- tỉnh đã hình thành vùng luân canh màu trên đất lúa quy mô lớn, tập trung, có thương hiệu như vùng trồng khoai lang tím Nhật, rau xà lách xoong,…

Vùng chuyên canh cây ăn trái: bưởi Năm Roi, cam sành, chôm chôm, sầu riêng,… và nhiều cơ sở đã được chứng nhận VietGAP, GlobalGAP. Đặc biệt, xây dựng được những cánh đồng lớn, chất lượng cao gắn sản xuất với tiêu thụ. Một thành tựu nổi bật của ngành là sản lượng lúa luôn đạt trên 1 triệu tấn/năm và đảm bảo thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp đúng hướng.

Trong khi đó, hoạt động công nghiệp- thương mại có dấu hiệu chững lại, nhưng thị trường bán lẻ rất sôi động sau thời gian “trải thảm đỏ” chào đón các thành phần kinh tế đến đầu tư. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trong năm ước đạt trên 35.000 tỷ đồng, tăng 10,62% so năm 2014. Tổng lượt khách du lịch đến Vĩnh Long đạt 101.420 lượt (tăng gần 12%), trong đó 68% là khách quốc tế.

Sở Kế hoạch- Đầu tư cho biết, năm 2015 chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 12,07% so cùng kỳ năm trước và ghi nhận một số ngành công nghiệp có mức sản xuất tăng cao như đóng tàu và cấu kiện nổi, sản xuất bê tông và sản phẩm từ xi măng, sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm và thủy sản... Hoạt động ngành ngân hàng tiếp tục tăng trưởng ổn định.

Trong năm 2015, tổng dư nợ cho vay trên địa bàn ước đạt 16.000 tỷ đồng, nợ xấu còn 290 tỷ đồng, chiếm 1,81% trên tổng dư nợ cho vay, giảm 0,09 điểm phần trăm so năm trước. “Đây là tín hiệu rất đáng mừng”- Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Quang nhận định và cho rằng ngành ngân hàng cần tiếp tục kéo giảm nợ xấu, xem xét cơ cấu lại nợ cho các DN.

Dọn đường hội nhập

Với việc hình thành các vùng chuyên canh rau, màu, cây ăn trái, vùng nuôi trồng thủy sản… hướng tới sản xuất sản lượng ổn định, đạt tiêu chuẩn chất lượng. Ông Nguyễn Văn Còn- Phó Giám đốc Sở Công thương- cũng cho biết thông qua các kỳ hội chợ đã tạo điều kiện cho các DN giao lưu kinh tế, trao đổi kinh nghiệm và ký kết hợp đồng hợp tác. Đồng thời, là cơ hội để người tiêu dùng hiểu rõ hơn về chất lượng, thương hiệu hàng Việt Nam do các DN trong nước sản xuất.

Nông nghiệp công nghệ cao là mục tiêu ngành nông nghiệp Vĩnh Long hướng tới.
Nông nghiệp công nghệ cao là mục tiêu ngành nông nghiệp Vĩnh Long hướng tới.

Bên cạnh nỗ lực dọn đường cho hàng nông sản “xuất ngoại”, Vĩnh Long đang từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông phục vụ nhu cầu phát triển. Và năm 2015 được ghi dấu ấn với 3 gói thầu quan trọng thuộc dự án cải tạo, nâng cấp Đường tỉnh (ĐT) 902 và dự án đầu tư xây dựng ĐT 907 được khánh thành. ĐT 907 qua 3 huyện: Trà Ôn, Vũng Liêm và Mang Thít, tổng mức đầu tư trên 1.000 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Ngọc Đông- Bí thư Đảng ủy xã Tân Mỹ (Trà Ôn), cho biết ĐT 907 đoạn Tân Mỹ- Trà Côn là tuyến giao thông quan trọng trên địa bàn xã, giải quyết nhu cầu vận chuyển hàng hóa nông sản và đi lại của nhân dân, tạo động lực mới cho kinh tế nông thôn phát triển. Tương tự, ĐT 902 qua 3 huyện: Long Hồ, Mang Thít và một phần của cầu Quới An thuộc Vũng Liêm, tổng mức đầu tư 520,9 tỷ đồng, là tuyến huyết mạch phát triển tuyến công nghiệp Cổ Chiên…

Ngành điện cũng ghi dấu ấn trong năm 2015 với “Dự án nâng cao hiệu quả năng lượng khu vực nông thôn” đã được hoàn thành. Dự án được triển khai tại 92 xã- phường- thị trấn trong toàn tỉnh, cấp điện cho khoảng 7.000 hộ dân nông thôn thông qua điện kế chính.

Với công trình quan trọng tuyến cáp điện ngầm 22kV được nối từ khu vực Phường 5 (TP Vĩnh Long) qua xã An Bình (Long Hồ), có tổng chiều dài gần 700m, là tuyến cáp điện ngầm đầu tiên của tỉnh Vĩnh Long, góp phần cung cấp điện cho hơn 11.000 hộ dân ở 4 xã cù lao huyện Long Hồ.

Trong khi đó, ngày 1/12, trạm biến áp 110kV Phước Hòa (Khu công nghiệp Hòa Phú) đã hoàn thành đóng điện. Ông Nguyễn Phước Năng- Giám đốc Công ty Điện lực Vĩnh Long- cho biết: “Công trình này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng góp phần nâng cao độ tin cậy cung cấp điện trên địa bàn tỉnh, đảm bảo cấp điện cho Khu công nghiệp Hòa Phú, đáp ứng nhu cầu điện cho các nhà đầu tư, DN sản xuất kinh doanh được tốt hơn”.

Để bước vào hội nhập

Đánh giá của Sở Kế hoạch- Đầu tư cho thấy, quá trình hội nhập WTO, đã tạo chuyển biến về tư duy kinh doanh, xóa dần tư tưởng ỷ lại vào sự bảo hộ nhà nước.

Môi trường cạnh tranh khắc nghiệt đã tác động thúc đẩy các DN đổi mới thiết bị, công nghệ, nâng cao trình độ quản lý, tay nghề kỹ thuật, áp dụng hệ thống chất lượng… để nâng cao năng lực cạnh tranh. Bên cạnh, sự hiện diện ngày càng nhiều các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) cũng tác động tích cực đến các DN trong tỉnh về nhiều mặt.

Trạm biến áp 110kV Phước Hòa đảm bảo cấp điện ổn định cho Khu công nghiệp Hòa Phú.
Trạm biến áp 110kV Phước Hòa đảm bảo cấp điện ổn định cho Khu công nghiệp Hòa Phú.

Các sản phẩm công nghiệp ngày càng đa dạng. Từ sản phẩm của các DN nhà nước, các mặt hàng của khu vực dân doanh có khả năng cạnh tranh trên thị trường, đến các sản phẩm của khu vực FDI… góp phần tăng trưởng mạnh mẽ cho ngành công nghiệp tỉnh. Các thành phần kinh tế tiếp tục phát triển đúng hướng theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Từ năm 2016, khi hình thành AEC, Hiệp định Việt Nam- Hàn Quốc đã hoàn thành, Hiệp định Việt Nam với liên minh kinh tế Á Âu… Việt Nam đã có thêm hàng loạt FTA với các nước khác nhau và tham gia TPP. Như vậy, đã có FTA với 57 quốc gia khác nhau trên thế thế, các quốc gia cộng lại là những nền kinh tế rất lớn và có hàm lượng gần 90% tổng lượng thương mại của Việt Nam với toàn cầu và cũng là những nhà đầu tư chủ chốt của Việt Nam.

Sức ép cạnh tranh, theo bà Phạm Chi Lan- Chuyên gia kinh tế cao cấp- thật sự đó là vấn đề hết sức đáng quan tâm, đáng lo ngại. Bởi ngoài mở cửa thị trường hàng hóa, chúng ta còn mở cửa dịch vụ, đồng vốn, di chuyển lao động có kỹ năng cũng tạo khả năng cạnh tranh rất cao, trực diện với lao động Việt Nam…

Khi bước vào hội nhập, theo ông Nguyễn Tường Nam- Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Vĩnh Long: “Hội nhập kinh tế ảnh hưởng trực tiếp đến sự sống còn của DN và sự phát triển của quốc gia. Điều này đòi hỏi phải có sự thay đổi thích ứng không chỉ ở các DN mà các cơ quan quản lý nhà nước cũng phải đổi mới.

Đổi mới nhanh tư duy quản lý từ cai quản sang phục vụ và kiến tạo môi trường phát triển, thúc đẩy xây dựng chính quyền điện tử, nâng cao tính minh bạch, tạo sự công bằng. Qua đó, để các DN dù quy mô lớn hay nhỏ vẫn có thể tham gia vào chuỗi giá trị và hoạt động hiệu quả, tạo nên sức mạnh tổng hợp cho nền kinh tế quốc gia”.

Bài, ảnh: NHÓM PV KINH TẾ

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh