Kết nối cung cầu tiêu thụ nông sản Vĩnh Long

04:12, 15/12/2015

Đó là chủ đề buổi hội thảo vừa được Trung tâm Thông tin nông nghiệp (Sở Nông nghiệp- PTNT) tổ chức. Tại đây, các doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân sản xuất đã nắm bắt được nhiều thông tin lẫn nhau, cam kết liên kết mạnh mẽ thời gian tới.

Đó là chủ đề buổi hội thảo vừa được Trung tâm Thông tin nông nghiệp (Sở Nông nghiệp- PTNT) tổ chức. Tại đây, các doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân sản xuất đã nắm bắt được nhiều thông tin lẫn nhau, cam kết liên kết mạnh mẽ thời gian tới.

Nhiều doanh nghiệp tại TP Hồ Chí Minh đến tìm hiểu thông tin nông sản Vĩnh Long.
Nhiều doanh nghiệp tại TP Hồ Chí Minh đến tìm hiểu thông tin nông sản Vĩnh Long.

Mạnh về nông sản

Với đất đai màu mỡ nên nông sản Vĩnh Long khá đa dạng chủng loại và lợi thế bậc nhất trong vùng về nguồn nguyên liệu tại chỗ phục vụ sản xuất và chế biến.

Lúa là cây trồng chủ lực với sản lượng hàng năm khoảng 1 triệu tấn. Mô hình cánh đồng mẫu lớn đang phát triển, với tổng diện tích hơn 11.000ha, trong đó có 5 mô hình đạt chứng nhận VietGAP. Trái cây Vĩnh Long đứng nhất, nhì ở đồng bằng về sản lượng và chất lượng. Với diện tích khoảng 7.800ha, sản lượng 65.000 tấn mỗi năm, bưởi Năm Roi Bình Minh đang là khẳng định giá trị trên thị trường trong và ngoài nước nhờ chứng nhận GlobalGAP.

Hợp tác xã Cam sành Tam Bình đang được gầy dựng lại với mục tiêu đưa loại trái cây ngon, bổ dưỡng này xuất khẩu. Toàn tỉnh hiện có hơn 7.000ha trồng cam, trong đó, có 5ha vừa được chứng nhận VietGAP ở Ngãi Tứ và Bình Ninh.

Bên cạnh, Vĩnh Long còn biết đến với trái chôm chôm được trồng nhiều ở 2 huyện Long Hồ và Trà Ôn nổi tiếng ngon nhờ thịt dày, cơm trắng, vị ngọt đậm, thanh. Nhãn thì thu hoạch 2 vụ mỗi năm, với nhiều loại giống như: nhãn da bò, xuồng cơm vàng, Edor (còn gọi là Ido),...

Khoai lang Bình Tân, cải xà lách xoong Bình Minh và nhiều loại rau màu khác đang được đầu tư sản xuất hướng an toàn. Lĩnh vực chăn nuôi, Vĩnh Long cũng có bước phát triển cả số lượng lẫn chất lượng. Hiện đàn heo đứng đầu ở ĐBSCL về chất lượng con giống. Đặc biệt, nuôi thủy sản, nhất là cá tra và nuôi cá lồng bè có tiếng ở ĐBSCL, một số cơ sở đạt chứng nhận GlobalGAP.

Thạc sĩ Nguyễn Văn Liêm- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT Vĩnh Long cho biết, đề án tái cơ cấu nông nghiệp Vĩnh Long đang hướng đến mục tiêu nâng chất lượng, giá trị nông sản và thu nhập, tiến tới mời gọi doanh nghiệp tham gia ký kết hợp đồng tiêu thụ ổn định.

Cơ hội đi Mỹ của nông sản sạch

Tại hội thảo, 3 sản phẩm là nhãn, xoài và chôm chôm đã được trao giấy chứng nhận mã Code (mã vạch thông tin sản phẩm).

Đây là phần thưởng xứng đáng cho quá trình lao động miệt mài của nhà vườn ở 6 tổ hợp tác sản xuất. Cánh cửa để trái cây Vĩnh Long vào được những thị trường khó tính như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản đã mở, nhưng để khai thác tốt cơ hội đòi hỏi nhà vườn phấn đấu thực hiện tốt quy trình phía đối tác đặt ra.

Theo ông Nguyễn Hữu Đạt- Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu II (Cục Bảo vệ thực vật), mã Code chỉ là thành công bước đầu. Để trái cây xuất vào được các thị trường này phải đáp ứng các yêu cầu như trồng trên vùng đăng ký và được Cục Bảo vệ thực vật Việt Nam theo dõi nhằm đảm bảo không có bệnh; phải được chiếu xạ để loại bỏ ký sinh trùng; mỗi lô hàng phải kèm theo chứng chỉ của Cục Bảo vệ thực vật, xác định sản phẩm phù hợp với quy định. Ngoài ra, các sản phẩm trên còn phải tuân thủ các quy định rất ngặt nghèo về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật... Tuy vậy, khi đánh giá về khả năng trái cây Vĩnh Long xuất vào thị trường này thời gian tới, ông Nguyễn Hữu Đạt cho rằng “hoàn toàn có thể, bởi hiện nông dân hiểu và tuân thủ rất tốt quy trình và được đối tác đánh giá rất cao”.

“Mỹ đã mở cửa cho thanh long, tới đây là nhãn, chôm chôm và xoài. Hiện chôm chôm Việt Nam bán tại siêu thị Mỹ tới 17 USD/kg, còn nhãn 18 USD. Ngoài thị trường Mỹ thì Hàn Quốc, Nhật Bản… cũng đang mở cửa và cơ hội cho trái cây sạch Việt Nam thời gian tới là rất lớn.”- ông Nguyễn Hữu Đạt nói thêm.

Một số doanh nghiệp trực tiếp xuất khẩu trái cây ra nước ngoài cho rằng, nhược điểm của trái cây Việt Nam giá cao so các nước như Thái Lan, Trung Quốc do khâu trung gian. Mặt khác, phần lớn trái cây Việt Nam xuất khẩu bằng đường biển, nhưng công nghệ giữ tươi được lâu còn yếu kém nên rất khó cạnh tranh.

6 tổ hợp tác (THT) được trao chứng nhận mã Code gồm: THT Nhãn tiêu da bò Tân Hạnh, THT Chôm chôm Java Bình Hòa Phước, THT Trồng nhãn xuồng cơm vàng An Bình, THT Kinh tế vườn Hòa Lợi (Long Hồ), THT Xoài xiêm núm Trung Chánh, THT Xoài xiêm núm Quới An (Vũng Liêm).

 

Bài, ảnh: HOÀNG MINH

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh