Chỉ còn 2 tuần nữa Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) chính thức hình thành. Theo Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc, các doanh nghiệp cần chuẩn bị tích cực hơn để đón đầu cơ hội này, đặc biệt, cần tăng cường tính liên kết, một trong những điểm yếu nhất của doanh nghiệp hiện nay…
Toàn cảnh Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam hướng tới AEC |
Chỉ còn 2 tuần nữa Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) chính thức hình thành. Theo Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc, các doanh nghiệp cần chuẩn bị tích cực hơn để đón đầu cơ hội này, đặc biệt, cần tăng cường tính liên kết, một trong những điểm yếu nhất của doanh nghiệp hiện nay…
Vấn đề được đề cập tại Diễn đàn doanh nghiệp (DN) Việt Nam hướng tới AEC 2015 do VCCI phối hợp với Ban Chỉ đạo liên ngành về hội nhập quốc tế về kinh tế, Bộ Ngoại giao tổ chức hôm qua (13/12).
AEC – “sân chơi” hợp tác
Theo Chủ tịch VCCI, có 4 mục tiêu và cấu thành Cộng đồng kinh tế AEC, đó là đảm bảo tự do lưu chuyển hàng hóa, dịch vụ, đầu tư và vốn. Ông Lộc lưu ý, AEC là tiến trình hội nhập chứ không phải là hiệp định, là khát vọng chứ không phải bắt buộc đối với các nước trong Cộng đồng kinh tế ASEAN.
“Thực ra 1/1/2016 là thời điểm tuyên bố hình thành AEC, là khởi đầu để xây dựng cộng đồng kinh tế ASEAN. Nên để xây dựng được Cộng đồng kinh tế như EU thì cần một thời gian dài nữa…”- ông Lộc nhận định. Vì vậy, ông khuyên các DN nên bình tĩnh vì sẽ không có gì thay đổi đáng kể so với hiện tại.
Chia sẻ về khái niệm ASEAN, chuyên gia kinh tế, TS Võ Trí Thành khẳng định, ASEAN là một hình mẫu liên kết của các nước đang phát triển. “Nếu TPP cơ bản là luật chơi thị trường thì ASEAN lại hướng tới tự do hóa, và nhấn mạnh tới hợp tác – đó chưa phải là cam kết, mà là đoàn kết và ý chí. ASEAN là kết nối. Nếu bỏ chữ kết nối thì không còn là ASEAN. Ngoài ra, chúng ta cần phải hiểu ASEAN rất mở. Cộng đồng kinh tế này giữ vai trò rất quan trọng trong việc xây dựng thiết chế ở khu vực. Nếu mất vai trò trung tâm này thì không còn vai trò của ASEAN…”- TS Thành phân tích.
Theo ông Nguyễn Hồng Cường, Vụ trưởng Vụ ASEAN, Bộ Ngoại giao, tham gia AEC, DN sẽ có môi trường kinh doanh rộng lớn hơn và thuận lợi hơn, có thị trường tiêu thụ sản phẩm rộng lớn hơn, có điều kiện nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua việc quy mô, năng suất và giảm chi phí sản xuất; thuận lợi hơn khi đầu tư ra các nước ASEAN khác. Tuy nhiên, các DN cũng sẽ phải cạnh tranh quyết liệt, thậm chí ngay tại thị trường Việt Nam; một số DN với năng lực cạnh tranh thấp sẽ khó có khả năng tham gia vào chuỗi cung ứng có giá trị cao và lợi nhuận tốt.
“ASEAN là sân chơi thú vị bởi nó là một phần trong mạng chuỗi giá trị toàn cầu. Hãy nhớ rằng ASEAN không chỉ là kinh doanh mà còn là hợp tác. Tại sân chơi này, DN sẽ có nhiều lợi thế bởi có rất nhiều chương trình hỗ trợ DN nhỏ và vừa. Các chương trình này không chỉ dạy cách làm tiền mà còn hướng dẫn chúng ta làm tiền một cách xanh hơn, bền vững hơn, trách nhiệm hơn”. – TS Thành nhấn mạnh.
Cơ hội từ sự liên kết
Mở ra nhiều cơ hội cho DN khi AEC hình thành với một khu vực có dân số 650 triệu người, tổng sản lượng GDP hàng năm khoảng 2.000 tỷ USD, song theo Chủ tịch VCCI, thách thức lớn nhất của các DN Việt Nam là tính liên kết yếu. “Điều quan trọng nhất là làm sao tăng cường tính liên kết, hoạt động tập thể, đặc biệt là vai trò của các hiệp hội DN…”- TS Lộc lưu ý.
Theo TS Phạm Thị Thu Hằng, Tổng Thư ký VCCI, có vẻ như các DN Việt Nam đang rất lạc quan với triển vọng các FTA mang lại nhưng hầu như chưa nhìn thấy mặt trái của nó. “Đa số DN nhìn nhận ASEAN như cơ hội tiếp cận thị trường, gia tăng xuất khẩu, mà lợi ích này trong ASEAN là tương đối hạn chế. Trên thực tế, việc kết nối một “thị trường và cơ sở sản xuất thống nhất” mới là mục tiêu chính của ASEAN và là lợi ích dài hạn mà các DN trong ASEAN cần nhắm đến…”- bà Hằng phân tích.
Theo bà Hằng, trên thực tế, sự tham gia của các DN Việt Nam trong mạng lưới sản xuất chuỗi giá trị toàn cầu là thấp so với các nền kinh tế có quy mô tương tự trong khu vực Đông Nam Á. Và ngay khi có sự tham gia các dự án lớn của các tập đoàn đa quốc gia thì các DN Việt Nam cũng không tận dụng được cơ hội này để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
“Điều quan trọng mà tôi muốn nhấn mạnh đó là liên kết: Liên kết theo chuỗi giá trị và liên kết trong các hiệp hội DN. Chưa bao giờ cộng đồng DN Việt Nam nói chung và DN nhỏ và vừa nói riêng lại cần phải liên kết lại trong các chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng như lúc này, để có thể gia tăng về giá trị và năng lực, đồng thời gia tăng về số lượng và khả năng đáp ứng nhu cầu thị trường ASEAN và rộng hơn là thị trường thế giới.
Tiếp theo, cần đổi mới tổ chức và cơ chế hoạt động của các hiệp hội DN, hiệp hội ngành hàng của Việt Nam và tham gia vào các hiệp hội DN, hiệp hội ngành hàng trong khu vực. Đây chắc chắn sẽ là những việc cần phải được ưu tiên thực hiện nếu chúng ta muốn cạnh trang ngang ngửa với các DN ASEAN, và tạo sức mạnh tổng hợp trong bối cảnh cộng đồng kinh tế ASEAN đã bắt đầu chính thức có hình hài và chắc chắn sẽ phát triển, mang lại nhiều lợi ích cho sự phát triển của DN và nền kinh tế Việt Nam” –Tổng thư ký VCCI nhấn mạnh.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin