Tín hiệu vui cho lúa, gạo

10:11, 09/11/2015

Liên tiếp có được hợp đồng cung cấp 450.000 tấn gạo cho Philippines, rồi lại trúng thầu cung cấp gần 1 triệu tấn gạo cho Indonesia… đã giúp thị trường lúa, gạo Việt Nam sôi động.

Liên tiếp có được hợp đồng cung cấp 450.000 tấn gạo cho Philippines, rồi lại trúng thầu cung cấp gần 1 triệu tấn gạo cho Indonesia… đã giúp thị trường lúa, gạo Việt Nam sôi động. Theo dự báo, giá lúa, gạo trong nước sẽ ổn định ít nhất đến hết quý I-2016, tương đương kết thúc vụ thu đông và đông xuân ở ĐBSCL.

Trúng thầu, giá lúa tăng

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), 9 tháng của năm 2015, tổng lượng gạo xuất khẩu của cả nước chỉ đạt 4,48 triệu tấn, giảm 10% so cùng kỳ 2014. Giá gạo xuất khẩu giảm đã kéo giá gạo nội địa giảm theo, nông dân canh tác lúa cũng thấp thỏm lo âu vì giá thấp.

Tuy nhiên, từ đầu tháng 10, khi thông tin về việc có được hợp đồng cung ứng gạo cho Philippines, giá lúa trong nước đã nhích nhẹ. Tiếp theo thông tin Việt Nam trúng thầu cung cấp gạo số lượng lớn cho Indonesia, thời gian giao hàng vào tháng 3-2016, trùng với thời điểm giao hàng cho Philippines, khiến giá lúa tăng mạnh thật sự.

Tuy hợp đồng chi tiết về việc cung cấp 1 triệu tấn gạo cho Indonesia chưa được công bố nhưng theo một số doanh nghiệp xuất khẩu, khả năng nước này sẽ nhập khoảng 3/4 là loại gạo 25% tấm. Đây là nguyên nhân khiến lúa IR50404 được tiêu thụ mạnh, nhằm đáp ứng nguồn cung chế biến gạo xuất khẩu 25% tấm.

Anh Trần Văn Sáng, thương lái quê Chợ Mới, cho biết, từ đầu tháng 11, giá lúa IR50404 ở Tri Tôn (An Giang), Giang Thành, Kiên Lương, Hòn Đất, Gò Quao (Kiên Giang) đã lên mức 4.600 - 4.800 đồng/kg (lúa tươi), tăng 600 đồng/kg so cuối tháng 10. Các giống lúa hạt dài cũng tăng lên theo. “Hiện nay, giá lúa vẫn duy trì ở mức cao.

Một số nông dân canh tác vụ thu đông không bán lúa tươi ngay mà phơi khô trữ vào kho với tâm lý chờ giá. Nếu như các vụ trước, nông dân cần thương lái thì thời gian này, chúng tôi phải thuyết phục nông dân để mua được lúa” – anh Sáng cho hay.

Theo một doanh nghiệp xuất khẩu lớn ở An Giang, việc các đối tác nhập khẩu như Philippines, Indonesia yêu cầu giao hàng sớm khiến các doanh nghiệp trong nước phải tăng cường thu mua lúa về chế biến, đảm bảo theo đơn hàng. Do vậy, không những vụ thu đông này mà đến cả vụ đông xuân tới, giá lúa trong nước vẫn sẽ tiếp tục có lợi cho nông dân.

Không lo thiếu nguồn cung

Mới đây, lãnh đạo cơ quan Chính sách kinh tế Philippines cho biết, Chính phủ nước này sẽ xem xét nhập khẩu thêm 1,3 triệu tấn gạo trong năm 2016, do mất mùa sau những cơn bão lớn và khô hạn gây ra. Con số này nằm ngoài 500.000 tấn mà Philippines đã mua của Việt Nam và Thái Lan (kỳ hạn giao quý I-2016).

Theo VFA, Indonesia, Iran và các quốc gia Châu Phi cũng sẽ mua thêm gạo do sản lượng thu hoạch sụt giảm. Đây là những tín hiệu tốt cho thị trường lúa, gạo Việt Nam, nhất là vùng ĐBSCL khi nông dân đang trúng mùa vụ thu đông và dự báo vụ đông xuân cũng sẽ thuận lợi.

Trước thông tin nhu cầu nhập khẩu của nhiều nước tăng mạnh, không ít người lo lắng Việt Nam sẽ thiếu nguồn cung gạo phục vụ xuất khẩu, dẫn đến lượng gạo trong nước khan hiếm, giá tăng cao. Tuy nhiên, theo một lãnh đạo VFA, khả năng thiếu hụt nguồn gạo phục vụ xuất khẩu khó có thể xảy ra. Tính đến giữa tháng 10, lượng gạo tồn kho của Việt Nam vẫn còn hơn 1,5 triệu tấn.

Trong khi đó, lượng hợp đồng xuất khẩu còn lại chưa giao là hơn 2,9 triệu tấn. Nếu cân đối giữa lượng gạo tồn kho và số lượng hợp đồng còn lại chưa giao, doanh nghiệp xuất khẩu gạo đang thiếu hụt khoảng 1,4 triệu tấn. Tuy nhiên, lúa thu đông ở nhiều nơi đang thu hoạch rộ, đảm bảo nguồn cung cho xuất khẩu.

Đối với các hợp đồng giao gạo vào tháng 3-2016 và những hợp đồng tiếp theo trong năm 2016, vụ đông xuân với năng suất và sản lượng cao nhất so các vụ khác trong năm sẽ đáp ứng được. Do vậy, thông tin về sốt gạo hay giá lúa, gạo tăng cao bất thường chỉ là đồn đoán. Người dân không nên nghe thông tin này mà mua gạo dự trữ số lượng lớn, dẫn đến cơn sốt ảo như đã từng xảy ra cách nay 5 năm, làm lợi cho những kẻ “đục nước béo cò”.

Ưu tiên bình ổn thị trường nội địa

Bà Nguyễn Thị Minh Kiều, Phó Giám đốc Sở Công thương An Giang, cho biết, dù giá lúa đang tăng sau khi Việt Nam có được những hợp đồng xuất khẩu lớn nhưng thị trường gạo trong nước vẫn ổn định. Riêng đối với An Giang, các doanh nghiệp có kế hoạch cung ứng 3.000 tấn gạo trắng tốt để bình ổn thị trường cuối năm 2015 và Tết Nguyên đán Bính Thân 2016. Giá bán bình ổn sẽ được niêm yết công khai và thống nhất bán đúng giá ở các điểm tham gia bán hàng bình ổn. Do vậy, người dân không cần lo thiếu nguồn cung hay giá tăng bất thường.

Theo http://www.baoangiang.com.vn/An-Giang-24-Gio/Thoi-su/Tin-hieu-vui-cho-lua-gao.html

[links()]

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh