Văn hóa doanh nghiệp-giải pháp "mềm" để phát triển

06:10, 13/10/2015

Chú trọng xây dựng văn hóa doanh nghiệp (DN), tạo môi trường làm việc thân thiện, thăng tiến, thúc đẩy sự phát triển là mục tiêu mà các DN luôn hướng tới.

Chú trọng xây dựng văn hóa doanh nghiệp (DN), tạo môi trường làm việc thân thiện, thăng tiến, thúc đẩy sự phát triển là mục tiêu mà các DN luôn hướng tới.

Nhận diện văn hóa DN

Một cuộc khảo sát “bỏ túi” của chúng tôi cho thấy, vấn đề xây dựng văn hóa DN đã được các DN trong tỉnh quan tâm nhiều hơn.

Tùy quy mô, lĩnh vực ngành nghề mà mỗi DN có những nguyên tắc, chuẩn mực xây dựng văn hóa DN riêng mang tính đặc thù, “cá tính” của DN mình.

Định nghĩa về văn hóa DN, có không dưới 300 quan điểm khác nhau, nhưng đều có nét chung coi văn hóa DN là toàn bộ các giá trị văn hóa được xây dựng trong suốt quá trình tồn tại và phát triển của DN, chi phối tình cảm, nếp suy nghĩ và hành vi mọi thành viên của DN; tạo nên sự khác biệt giữa các DN và được coi là truyền thống riêng của mỗi DN.

Theo ông Phạm Thành Lộc- Giám đốc VietinBank chi nhánh Vĩnh Long, nói xây dựng văn hóa DN tuy hơi trừu tượng nhưng thực ra đó là những việc rất thường ngày. “Đơn giản như việc mặc đồng phục, không hút thuốc trong công sở, không đi trễ.

Đó là cách ứng xử cấp trên đối với cấp dưới, đồng nghiệp với nhau. Nói chung, người ta chỉ nhìn là biết “người của VietinBank”- ông còn nói- trong “đối nội” là thế còn khi “đối ngoại” thì “giao tiếp với khách hàng không được mang “tâm trạng” cá nhân, gia đình vào công việc, có chuyện gì đi chăng nữa thì với khách hàng vẫn phải niềm nở, tận tâm. Cả trong lối sống nơi gia đình, hàng xóm của mỗi người cũng phải chú ý, không để phản ánh về cách cư xử thiếu văn hóa”.

Ông Phạm Thành Lộc cũng cho biết khi chú trọng xây dựng văn hóa DN thì hình ảnh, thương hiệu cũng được nâng lên. Thời gian qua, văn hóa DN đã được nghiên cứu và ban hành “Sổ tay văn hóa VietinBank” áp dụng rộng rãi từ lãnh đạo đến nhân viên.

Như vậy, văn hóa DN có là gánh nặng đối với DN nhỏ? Ông Nguyễn Tường Nam- Giám đốc DNTN Hồng Hương- cho rằng không phải vậy, văn hóa trong DN nhỏ và vừa thể hiện qua ứng xử giữa chủ DN đối với người lao động. Văn hóa DN chính là cái hồn để hệ thống hoạt động hiệu quả.

“Tuy xây dựng văn hóa DN sẽ phải có những quy định, nhưng không tạo sự gò bó cho người lao động. Mà nó phải được cập nhật, bổ sung cho phù hợp từng thời điểm. Và khi quy định đã phát triển lên thành ý thức văn hóa thì mọi người sẽ tự nguyện chấp hành. Do đó, nếu người quản lý xây dựng một tổ chức không gắn liền với văn hóa, thì khi tổ chức phát triển sẽ rất khó kiểm soát tất cả các mối quan hệ, DN sẽ nảy sinh nhiều vấn đề”- ông Nguyễn Tường Nam bảo vậy.

Văn hóa DN và trách nhiệm

“Văn hóa DN là xây dựng môi trường làm việc hòa nhã nhất có thể. Đồng thời, phục vụ tận tâm để mang đến sự hài lòng cho khách hàng. Đó còn là cam kết phục vụ tốt đối với khách hàng.

Chúng tôi xác định bán một sản phẩm luôn đi kèm dịch vụ, chú trọng chăm sóc khách hàng tận tình. Hiện chúng tôi thực hiện chúc mừng sinh nhật, điện thoại nhắc kiểm tra xe định kỳ, hướng dẫn khách hàng sử dụng xe tốt hơn… đến 80- 90% khách hàng.

Còn nhân viên khi tham gia giao thông phải tuân thủ an toàn giao thông, không đi ngược chiều, vượt đèn đỏ…”- ông Châu Tuấn Đạt- Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng Thương mại Tân Thành- cho thấy góc nhìn nhận diện về văn hóa DN một cách cụ thể, thực tế hơn.

Nhiều lãnh đạo DN cho rằng, văn hóa DN là không thể thiếu. Với VietinBank chi nhánh Vĩnh Long- theo ông Phạm Thành Lộc- nhờ quan tâm xây dựng văn hóa DN đã tạo chuyển biến mạnh trong nhận thức của cán bộ- nhân viên và khách hàng có thể cảm nhận được điều này ngay từ khi bước vào ngân hàng. Bảo vệ, giữ xe lịch sự hướng dẫn khách đậu xe, nhân viên giao dịch luôn nở nụ cười cởi mở…

“Làm nhân viên ngân hàng không được… mặc đồ xấu”- ông Lộc khẳng định điều đó như một quy định bắt buộc để tạo hình ảnh đẹp. Văn hóa DN còn tạo sự phân công nhiệm vụ rõ ràng từng bộ phận nhưng sẵn sàng bổ trợ, phối hợp nhau để cùng đạt mục tiêu phục vụ tốt nhất “vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi”. “Mỗi nhân viên luôn có 1 câu “thần chú” là: khách hàng luôn đúng!”- ông Phạm Thành Lộc bảo.

Ở góc nhìn khác, ông Nguyễn Tường Nam cho rằng: Văn hóa DN còn thể hiện trách nhiệm của DN đối với sản phẩm, dịch vụ phải an toàn, chất lượng. Trách nhiệm đối với cộng đồng xã hội không hủy hoại môi trường, vi phạm pháp luật.

Đảm bảo duy trì các điều kiện, môi trường làm việc hạn chế những rủi ro ảnh hưởng đến người lao động. Trong sản xuất kinh doanh, có những quy định phải tuân thủ, nhưng trách nhiệm của DN phải duy trì và đảm bảo thực hiện.

Ông Phạm Thành Lộc-Giám đốc VietinBank chi nhánh Vĩnh Long

Văn hóa DN có những chuẩn mực chung nhưng phải cập nhật theo những tiến bộ xã hội thì giá trị mới nâng cao hơn. Để thực hiện tốt văn hóa DN, vai trò của thủ trưởng cực kỳ quan trọng. Minh bạch trong xét khen thưởng, là người phát động phong trào, gương mẫu thực hiện… Bên cạnh, văn hóa của lãnh đạo là phải làm sao cho cuộc sống của anh em ngày càng cải thiện trên cơ sở chiến lược kinh doanh của DN.

Ông Nguyễn Tường Nam- Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Vĩnh Long

Văn hóa doanh nhân gắn liền với thương hiệu của doanh nhân đó. Theo tôi, văn hóa doanh nhân thể hiện trong các ứng xử bên ngoài DN, các mối quan hệ, đạo đức xã hội, thái độ của lãnh đạo DN với cộng đồng, xã hội. Tuy nhiên, nếu các DN nhỏ phát triển thương hiệu gắn liền thương hiệu cá nhân thì có thể thúc đẩy, tạo điều kiện cho văn hóa DN phát triển nhiều hơn.

Ông Châu Tuấn Đạt- Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng Thương mại Tân Thành

Đối với DN nhỏ và vừa thì việc xây dựng chất lượng sản phẩm cũng là xây dựng văn hóa DN. Khi xây dựng DN, cần xây dựng văn hóa DN ngay từ đầu, nếu không, một khi đi chệch hướng sẽ rất khó thay đổi.

 

Bài, ảnh: TRẦN PHƯỚC- TUYẾT HIỀN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh