Trong điều kiện giá khoai lang chưa có dấu hiệu phục hồi, ngành nông nghiệp khuyến cáo nông dân không tăng thêm diện tích trồng, cơ cấu canh tác nhiều giống, không trồng khoai Tím Nhật quá 60% so tổng diện tích...
Trong điều kiện giá khoai lang chưa có dấu hiệu phục hồi, ngành nông nghiệp khuyến cáo nông dân không tăng thêm diện tích trồng, cơ cấu canh tác nhiều giống, không trồng khoai Tím Nhật quá 60% so tổng diện tích; không trồng khoai lang 2 vụ liên tiếp mà phải bố trí luân canh và rải vụ để giảm áp lực khi thu hoạch rộ;...
Nông dân trồng khoai mong muốn quảng bá rộng rãi thương hiệu “Khoai lang Bình Tân, Vĩnh Long, Việt Nam”. |
Trong điều kiện giá khoai lang chưa có dấu hiệu phục hồi, ngành nông nghiệp khuyến cáo nông dân không tăng thêm diện tích trồng, cơ cấu canh tác nhiều giống, không trồng khoai Tím Nhật quá 60% so tổng diện tích; không trồng khoai lang 2 vụ liên tiếp mà phải bố trí luân canh và rải vụ để giảm áp lực khi thu hoạch rộ;...
Trước những thực trạng đã đề cập trong 2 kỳ báo trước, ngành nông nghiệp đã kết hợp với chính quyền địa phương tổ chức nhiều cuộc hội thảo, tập huấn, xây dựng thương hiệu, liên kết trong xúc tiến thương mại,… nhằm hỗ trợ cho sản xuất và tiêu thụ khoai lang của vùng này.
Tuy nhiên, để làm được những vấn đề khuyến cáo, đòi hỏi người trồng khoai lang cần phải có những điều chỉnh về quy mô sản xuất, cơ cấu giống, lịch thời vụ, kỹ thuật canh tác và nhất là phải hợp tác, liên kết trong sản xuất lẫn tiêu thụ, hay nói cách khác là người trồng khoai cần phải chuyên nghiệp hơn trong sản xuất và tiêu thụ khoai lang theo hướng sản xuất bền vững.
Điều này đặt ra nhiều yêu cầu và thách thức cho nông dân trồng khoai, bởi vì kiểu sản xuất cá thể theo tập quán truyền thống đã tồn tại trong nhiều năm nay, cần có thời gian để tổ chức sắp xếp lại.
Trồng khoai chuyên nghiệp
Trước tiên về quy mô, lịch thời vụ và cơ cấu giống sản xuất: vấn đề này cần có sự tham gia xây dựng kế hoạch sản xuất khoai lang của chính quyền địa phương.
Căn cứ vào tình hình thực tiễn, hàng năm cần ban hành kế hoạch sản xuất cụ thể, trong đó có phân chia theo hình thức rải vụ và cân đối tỷ lệ các giống khoai hợp lý, tránh sản xuất tập trung giống khoai Tím Nhật.
Từng hộ dân cũng cần tự ý thức trong việc bố trí cơ cấu giống, không nên chỉ tập trung trồng quá nhiều một loại giống dễ dẫn đến nguy cơ cung vượt cầu, sẽ bị sụt giảm về giá bán.
Vấn đề thứ hai là việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa để giảm chi phí lao động nhất là công cuốc vồng và thu hoạch bằng thủ công. Theo tính toán chi phí thuê công cuốc vồng và thu hoạch chiếm một tỷ lệ khá cao nhất là khi trùng thời điểm vào vụ sản xuất tập trung.
Vì vậy, nếu được thay thế bằng máy móc cho khâu này thì có thể giảm được một phần chi phí sản xuất. Hiện tỉnh đã triển khai thực hiện đề tài nghiên cứu ứng dụng cơ giới hóa khâu cuốc vồng và thu hoạch, bước đầu cho kết quả khả quan.
Ngoài ra, việc chọn giống chất lượng và áp dụng quy trình phòng trừ sâu bệnh tổng hợp, chỉ sử dụng thuốc BVTV khi thật cần thiết cũng phải được nông dân thực hiện đồng bộ kết hợp với áp dụng các biện pháp phòng trừ sinh học, hạn chế thấp nhất việc sử dụng thuốc BVTV định kỳ, đảm bảo đúng thời gian cách ly, sản xuất có ghi chép sổ tay nhật ký VietGAP để khoai lang đạt chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm và phải phát triển sản xuất theo hướng sạch, an toàn.
Trong đó, chủ yếu là nông dân phải thay đổi thói quen sử dụng tùy tiện thuốc BVTV, cách tưới xà như từ trước đến nay bằng việc tưới theo hướng dẫn của các nhà chuyên môn để sản phẩm đạt tiêu chuẩn an toàn là cần thiết.
Hỗ trợ nông dân quảng bá sản phẩm
Vấn đề tiếp theo là việc đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, xây dựng vùng nguyên liệu và tổ chức liên kết lại theo hình thức tổ hợp tác hoặc hợp tác xã để tạo điều kiện cho việc thương thảo ký kết hợp đồng tiêu thụ với các doanh nghiệp, đảm bảo cân đối thị trường đem lại lợi nhuận cho người trồng; tránh tình trạng thương lái không mua hoặc mua ép giá.
Ngoài ra, việc tăng cường các hoạt động chế biến khoai lang làm thực phẩm, làm thức ăn chăn nuôi hoặc làm nhiên liệu, dược liệu,... có thể giải quyết một phần đầu ra tại chỗ. Vào cuối năm 2013, Cục Sở hữu trí tuệ ra quyết định cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể cho “Khoai lang Bình Tân, Vĩnh Long, Việt Nam”.
Hiện tại có 2 đơn vị tại huyện Bình Tân kinh doanh khoai lang và các sản phẩm của khoai lang gồm: HTX Khoai lang Tân Thành và Công ty CP Khoai lang Nhật Thành. Vùng nguyên liệu khoai lang Bình Tân đã được chứng nhận 17ha sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP và diện tích cánh đồng mẫu lớn 32ha sản xuất theo hướng an toàn.
Tuy nhiên, số lượng diện tích được chứng nhận theo tiêu chuẩn GAP còn quá ít so với quy mô trên 10.000ha sản xuất mỗi năm là điều mà nông dân và chính quyền địa phương vùng này cần nhiều nỗ lực phấn đấu.
Ngành nông nghiệp kết hợp cùng chính quyền địa phương cần khảo sát lại các vùng quy hoạch chuyên canh khoai lang, bố trí diện tích xuống giống khoai lang xen kẽ với các loại màu phù hợp, gắn kết vùng sản xuất với các doanh nghiệp chuyển giao công nghệ thực hiện bảo quản, chế biến khoai lang.
Sở Công thương Vĩnh Long kết hợp với ngành nông nghiệp xây dựng nhãn hiệu tập thể khoai lang Bình Tân để tiến tới xây dựng thương hiệu, thực hiện dự án chứng nhận thương hiệu VietGAP cho khoai lang ở Bình Minh và Bình Tân, tạo điều kiện đưa vùng chuyên canh khoai lang phát triển theo hướng bền vững.
Cuối cùng là việc thực hiện hợp đồng tiêu thụ sản phẩm: đây là vấn đề cực kỳ khó khăn. Do trong thời gian qua, giá khoai lang (nhất là đối với giống khoai Tím Nhật) biến động rất lớn, có thời điểm giá khoai lên đến trên 1 triệu đồng/tạ (60kg) nhưng cũng có lúc xuống dưới 200.000đ/tạ nên rất khó cho việc thương thảo hợp đồng giữa doanh nghiệp và bà con nông dân. Vì vậy, cần có định mức hợp lý để đảm bảo lợi ích của đôi bên.
Như vậy, ngoài việc xây dựng thương hiệu và mở rộng thị trường tiêu thụ, thì bà con nông dân phải chú ý trong vấn đề chất lượng sản phẩm. Trong chăm sóc khoai lang phải ứng dụng tốt với các biện pháp khoa học kỹ thuật và đừng lạm dụng thuốc BVTV.
Hay nói đúng hơn là để sản xuất khoai lang theo hướng an toàn và bền vững thì ngành chuyên môn và bà con nông dân còn rất nhiều việc phải làm, trong đó vấn đề hiệu quả và thiệt hại cần được tính toán một cách hài hòa, nhất là phải tổ chức lại sản xuất khoai lang theo tiêu chuẩn an toàn để có đủ điều kiện tham gia ký kết tiêu thụ ổn định.
Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Rồng Đỏ từng có đề nghị ký kết với HTX Khoai lang Thành Đông mua khoai đạt tiêu chuẩn an toàn (diện tích đã được chứng nhận GlobalGAP) với mức giá chuẩn 600.000đ/tạ, nếu giá khoai trên thị trường cao hơn sẽ cộng thêm cho nông dân 10% và ngược lại nếu giá khoai giảm thấp hơn thì cộng thêm 15%. Tuy nhiên, sau khi thử mẫu khoai, do còn dư lượng thuốc BVTV nên công ty chưa hợp đồng tiêu thụ được cho khoai lang vùng này. |
Bài, ảnh: Ths. Nguyễn Văn Liêm (TP Vĩnh Long)
[links()]
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin