Phát huy vai trò chủ lực trong phát triển kinh tế

06:10, 15/10/2015

Phát huy truyền thống tự hào của giới doanh nhân, đội ngũ doanh nhân tỉnh Vĩnh Long ngày càng được hoàn thiện và phát triển.

Phát huy truyền thống tự hào của giới doanh nhân, đội ngũ doanh nhân tỉnh Vĩnh Long ngày càng được hoàn thiện và phát triển. Nhiều doanh nghiệp (DN), doanh nhân đã cố gắng đầu tư đổi mới công nghệ thiết bị hiện đại, mạnh dạn chuyển đổi ngành nghề, cơ cấu lại sản xuất kinh doanh, từng bước tự khẳng định mình.

Doanh nghiệp Phước Thành IV quyết tâm xây dựng thương hiệu gạo, đồng thời tiến tới tận dụng nguồn nguyên liệu địa phương.
Doanh nghiệp Phước Thành IV quyết tâm xây dựng thương hiệu gạo, đồng thời tiến tới tận dụng nguồn nguyên liệu địa phương.

Những đóng góp tích cực

Tại buổi họp mặt doanh nhân mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Quang biểu dương cộng đồng DN có những đóng góp quan trọng vào việc duy trì tốc độ tăng trưởng cao và ổn định của nền kinh tế tỉnh nhà.

Thời gian qua, việc sản xuất kinh doanh chịu nhiều tác động của các yếu tố bất lợi như lạm phát tăng cao, thời tiết diễn biến phức tạp, dịch bệnh tiếp tục xảy ra trên cây trồng vật nuôi, nhưng kinh tế của tỉnh vẫn duy trì được mức tăng trưởng khá và đều ở tất cả các lĩnh vực.

Tỉnh đã cụ thể hóa chủ trương chính sách của Trung ương, tạo điều kiện cho các DN, doanh nhân tỉnh nhà phát triển mạnh. Nhiều DN khắc phục vượt qua khó khăn ổn định cả về số lượng, chất lượng, sản xuất kinh doanh có hiệu quả.

Cụ thể, sản xuất công nghiệp ổn định và phát triển khá, hầu hết các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đều tăng trưởng, nhiều mặt hàng, sản phẩm mới xuất hiện đã góp phần đáng kể vào sự tăng trưởng chung của tỉnh, đặc biệt là các DN có vốn đầu tư nước ngoài.

Trong 9 tháng, các DN đã đóng góp ngân sách 1.195 tỷ đồng, chiếm 63% trong tổng thu ngân sách toàn tỉnh. Đặc biệt công tác an sinh xã hội luôn được cộng đồng DN chung tay góp sức. Trong phong trào xây dựng nông thôn mới, cộng đồng DN đã có những việc làm thiết thực hiệu quả như hỗ trợ vật chất, đầu tư trực tiếp về hạ tầng gắn với sử dụng lao động giúp nông dân phát triển sản xuất tiêu thụ sản phẩm.

Tuy nhiên, xuất khẩu gặp rất nhiều khó khăn. Tổng kim ngạch xuất khẩu 9 tháng ước thực hiện 209,2 triệu USD, chỉ đạt 63,39% kế hoạch, giảm 11,76% so cùng kỳ. Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực như gạo đang mất dần thị phần do sự cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa các nước xuất khẩu lớn. Thị trường truyền thống ngày càng thu hẹp, thị trường mới vẫn không ký được hợp đồng do phẩm cấp gạo thấp, dù được chào bán với giá thấp hơn.

Cá tra bị các rào cản kỹ thuật tương đối khắt khe của Mỹ, EU. Một số mặt hàng xuất khẩu thuận lợi như rau quả, dệt may, thủ công mỹ nghệ nhờ chủ động cải tiến chất lượng sản phẩm, mẫu mã thiết bị, và linh hoạt tiếp cận thị trường.

Tổng giá trị nhập khẩu 9 tháng đạt 116,29 triệu USD, tăng 31,69% so với cùng kỳ. Nhập khẩu tăng mạnh chủ yếu ở nhóm các nguyên liệu chế biến thức ăn gia súc. Trong khi đó đất của vùng ĐBSCL trồng đậu nành, trồng bắp cho năng suất khá cao nhưng mỗi năm phải nhập khẩu 3 triệu tấn đậu nành, bắp để làm nguyên liệu làm thức ăn cho cá, gia súc. Đây là một nghịch lý cần quan tâm giải quyết trong thời gian tới.

Chưa kể nguyên liệu dệt may, da giày, nguyên liệu sản xuất thực phẩm phần lớn phải nhập khẩu. Dự báo tổng kim ngạch nhập khẩu cả năm 139,33 triệu USD, tăng 17,65% so cùng kỳ.

Phát huy vai trò chủ lực

Trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng, ông Nguyễn Văn Quang mong muốn các DN, doanh nhân đóng vai trò chủ lực trong mặt trận kinh tế. Theo đó DN cần chủ động tìm kiếm và mở rộng thị trường, nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh, sử dụng hiệu quả các nguồn lực để đáp ứng nhu cầu hội nhập kinh tế quốc tế.

Ông Nguyễn Văn Thành- Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Phước Thành IV chia sẻ, là một DN chế biến gạo, khó khăn của DN lâu nay vẫn là xuất khẩu. Để trụ vững, DN quyết tâm xây dựng thương hiệu gạo. Để đạt được thành công là nhờ quyết định thay đổi công nghệ chế biến hiện đại. Nhiều lô hàng đã thử nghiệm cho thấy thành phẩm thu hồi đạt trên 70%, so với công nghệ cũ thì con số này chỉ 65%. Đặc biệt, cùng một sản phẩm nhưng sản xuất theo quy trình mới đã nâng cao chất lượng hạt gạo rõ rệt, thành phẩm thu được rất cao.

Cũng theo ông Thành, DN đã xây dựng kế hoạch tìm hiểu thị trường bột mì, bột gạo, bột khoai lang ở một số nước tiến tới thành lập nhà máy chuyên sản xuất bột gạo, bột khoai lang xuất khẩu nhằm tận dụng lợi thế nguồn nguyên liệu địa phương được tốt hơn.

Ông Nguyễn Việt Trung- Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tỷ Xuân cho rằng: Hiệp định TPP có hiệu lực thì DN cần chuẩn bị để đón đầu. Yêu cầu lớn hiện nay là ổn định chất lượng để cạnh tranh. Hiện DN nhận được nhiều đơn hàng với độ khó cao hơn nhưng giá thì không tăng, trong khi tiền lương và các chính sách khác đối với người lao động thì phải luôn giữ vững.

Do đó để DN giữ được độ phát triển bền vững thì cần có chính sách lâu dài. Đồng thời phải đảm bảo nguồn lao động đáp ứng đủ sản lượng theo yêu cầu. Hiện tại DN đang có 17.000 lao động và dự kiến sắp tới sẽ có đến 25.000 lao động.

Trước ngưỡng cửa hội nhập, vấn đề cạnh tranh về nguồn lao động là tất yếu. Do đó DN đã và đang xây dựng những chính sách ổn định và lâu dài để thu hút và giữ chân lao động hiệu quả.

Chia sẻ những khó khăn của DN, ông Nguyễn Văn Quang kỳ vọng các DN phải thường xuyên nâng cao trình độ quản lý và cạnh tranh, nhanh nhạy nắm bắt thị trường, xây dựng củng cố và không ngừng nâng cao uy tín thương hiệu, tăng cường hợp tác phát triển.

Bên cạnh đó, mỗi DN cần tìm hiểu sâu, nắm vững các vấn đề hội nhập, luật pháp và công nghệ quốc tế, phát huy mặt mạnh, nêu cao tinh thần vượt khó, không ngừng tự phấn đấu vươn lên để khẳng định vị trí của mình trong xã hội, ra sức làm giàu cho bản thân và cho đất nước.

 Bài, ảnh: LÊ SƠN- TUYẾT HIỀN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh