Kinh tế 3 tháng cuối năm 2015: "Dư địa" tăng trưởng- trông vào đâu?

06:10, 27/10/2015

Theo đánh giá của UBND tỉnh cho thấy tăng trưởng kinh tế cao hơn và dự tính tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) cả năm 2015 tăng 6,8% so năm trước, nhưng còn thấp hơn kế hoạch năm và một số chỉ tiêu kinh tế dự ước sẽ không đạt. 

Theo đánh giá của UBND tỉnh cho thấy tăng trưởng kinh tế cao hơn và dự tính tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) cả năm 2015 tăng 6,8% so năm trước, nhưng còn thấp hơn kế hoạch năm và một số chỉ tiêu kinh tế dự ước sẽ không đạt.

Các tháng là thời gian để Vĩnh Long “chạy nước rút” về đích, nhưng trước tình hình khó khăn của sản xuất kinh doanh thì “dư địa” tăng trưởng kinh tế có thể trông chờ vào khu vực nào?

Nông nghiệp được cho là còn nhiều “dư địa” tăng trưởng trong 3 tháng cuối năm.
Nông nghiệp được cho là còn nhiều “dư địa” tăng trưởng trong 3 tháng cuối năm.

Trông chờ vào khu vực nông nghiệp?

Theo ngành công thương, trong 9 tháng có một số ngành công nghiệp mức sản xuất tăng cao so cùng kỳ như đóng tàu và cấu kiện nổi tăng gấp 3,13 lần, sản xuất bia và mạch nha ủ bia tăng hơn 57%, sản xuất bê tông và các sản phẩm từ xi măng tăng hơn 47%, sản xuất sản phẩm thuốc lá tăng hơn 33%...

Mặc dù vậy, theo ông Vũ Ngọc Tú- Phó Giám đốc Sở Công thương, dự ước chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) cả năm chỉ tăng 12,3% và khó đạt mức tăng 13% như kế hoạch năm. Nguyên nhân một số ngành chủ lực gặp khó về thị trường xuất khẩu nên chỉ số tiêu thụ giảm mạnh như: xay xát và sản xuất bột thô, thủy sản, gốm sứ,…

Đáng quan tâm là kim ngạch xuất khẩu cả năm ước đạt 273 triệu USD, đạt khoảng 83% kế hoạch năm, do 2 mặt hàng xuất khẩu chủ lực là gạo và thủy sản sụt giảm rất mạnh. Các yếu tố này, theo ông, làm cho 2 chỉ số IIP và xuất khẩu khó đạt được.

Ông Hà Văn Ban- Phó Cục trưởng Cục Thống kê- cũng nhận xét ngành công nghiệp sẽ khó đạt chỉ tiêu kế hoạch 13%. Mặc dù Vĩnh Long đã có thêm các mặt hàng xuất khẩu như giày, thủ công mỹ nghệ, hàng rau củ quả,… nhưng không mạnh. Còn xuất khẩu chủ lực là gạo, thủy sản giảm, trong khi ngành thủ công mỹ nghệ có tăng nhưng không nhiều, riêng gạch gốm khó phát triển nổi. Thế nên ông cho rằng khả năng IIP chỉ đạt 12,3% thôi.

Chính vì thế, “dư địa” tăng trưởng chỉ còn trông chờ vào sản xuất nông nghiệp với các sản phẩm rau màu, cây ăn trái, nuôi trồng thủy sản. Ông Phan Nhựt Ái- Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT- tin rằng ngành nông nghiệp nhiều khả năng đạt kế hoạch năm.

Theo ông, khả năng này dựa trên cơ sở đánh giá tình hình sản xuất của các loại rau màu, lúa, chăn nuôi đều tăng, còn nuôi trồng thủy sản tuy sản lượng cá tra giảm nhưng các loại thủy sản khác có tăng, chẳng hạn nuôi cá lồng bè tăng 78 cái so năm trước.

Sản xuất khoai lang giảm, nhưng điểm sáng là chăn nuôi, kinh tế vườn phát triển khá, các vườn nhãn bị chổi rồng có sự phục hồi so với đầu năm.

Tăng trưởng của ngành nông nghiệp được đánh giá là còn nhiều “dư địa”, theo ông Hà Văn Ban với sự chỉ đạo và thực hiện quyết liệt của các ngành, các cấp thì nông nghiệp có khả năng đạt chỉ tiêu.

Và để phát huy thế mạnh, hỗ trợ nông nghiệp, ông đề xuất cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện đề án tái cơ cấu nông nghiệp với việc giải quyết đầu ra cho sản phẩm, gắn với phát triển thị trường. Bên cạnh, đẩy mạnh các thị trường xuất khẩu, đa dạng hóa nguồn hàng, tăng cường quảng bá các mặt hàng nông sản thế mạnh, phát triển ngành nghề nông thôn gắn xây dựng nông thôn mới.

Lãnh đạo một số địa phương cũng đồng tình khi cho rằng, đạt chỉ tiêu kế hoạch là cần thiết, nhưng mặt khác phải quan tâm cải thiện thu nhập cho nông dân. Do đó, tỉnh phải tập trung thực hiện dự án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và cần đặt mục tiêu phải gắn sản xuất với thị trường tiêu thụ.

Cần hỗ trợ sản xuất, kinh doanh thiết thực hơn

Trong khi một số ý kiến dự báo “bi quan” tăng trưởng GRDP 6,8% của năm 2015 và một số chỉ tiêu dự báo không đạt sẽ khó tạo ra đột biến trong những tháng cuối năm, vì kinh tế Vĩnh Long không có năng lực sản xuất mới bổ sung các ngành hàng sụt giảm.

Ông Nguyễn Hoàng Học- Chánh Văn phòng UBND tỉnh- lại cho rằng tăng trưởng kinh tế có thể đạt cao hơn dự ước. Bởi theo ông: “Nếu nhận định năm 2015 kinh tế có dấu hiệu phục hồi và tăng trưởng của Vĩnh Long là tương đối chứ không phải thấp, thì dự báo các chỉ tiêu còn chủ quan, không sát thực tế. Những năm trước, yếu tố khách quan tác động rất lớn, nhưng năm 2015 hầu như không có.

Đặt ra vấn đề này để xem xét các chỉ tiêu không đạt, chúng ta phải tính toán”. Ông cũng cho rằng, tuy sản xuất toàn ngành công nghiệp không tăng, nhưng đã có phát triển mới, như Công ty TNHH 1TV Thành Công vừa khánh thành Nhà máy may 1, Công ty TNHH De Hues cũng đang đầu tư rất lớn…

Đó là những năng lực sản xuất mới và một số ngành nghề sản xuất có tăng thêm cũng phải được tính tới. Hơn nữa, ông cũng cho thấy những tín hiệu vui. Đó là từ đầu năm đến nay, Vĩnh Long tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN), có những vướng mắc nhiều năm ách tắc đã được giải quyết. Đây là dấu hiệu cho thấy việc tháo gỡ đã có hiệu quả hơn những năm trước.

Đặc biệt, cũng đã có rất nhiều đoàn nước ngoài liên tục tới tìm hiểu môi trường đầu tư, Vĩnh Long tiếp đón và tạo điều kiện thân thiện. Tuy đầu tư thực tế chưa nhiều nhưng đây là dấu hiệu đáng mừng. Vì thế, đề nghị tỉnh cần quan tâm công tác xúc tiến thương mại, thu hút đầu tư. Bởi “nếu nhà đầu tư vào tỉnh 1- 2 dự án lớn sẽ có ý nghĩa vô cùng”- ông Nguyễn Hoàng Học nói.

Để hỗ trợ sản xuất kinh doanh một cách thiết thực hơn, ông Nguyễn Khắc Nhu- Thường trực HĐND tỉnh- cho rằng thời gian qua, Vĩnh Long đã có khảo sát tình hình hoạt động của DN, cần có đánh giá cụ thể, thống kê, phân loại để biết “sức khỏe” DN kịp thời quan tâm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn.

Nếu Vĩnh Long chưa có năng lực sản xuất mới thì cần quan tâm đến DN đang hoạt động vướng mắc gì, khó khăn gì… phải đánh giá cụ thể để tập trung tháo gỡ cho DN. Ông cũng nêu thực tế vấn đề giải quyết nợ xấu và bày tỏ quan điểm “nếu đã cơ cấu nợ nhiều lần mà DN vẫn không phục hồi, cải thiện được, thì tôi nghĩ đến lúc phải “khai tử”, chứ không nên kéo dài”.

Theo ông, phải đánh giá thực lực, thực tế hoạt động hiện nay của từng DN và tập trung hỗ trợ cho những DN, ngành hàng có điều kiện phát triển. “Hiện tôi biết một số DN có nhu cầu đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ, rất có tâm huyết và tiềm lực phát triển lớn nhưng khó khăn về vốn”- ông Nguyễn Khắc Nhu nói và cho rằng, những DN như vậy rất cần hỗ trợ, nhất là về tín dụng, cơ chế về thuế, chính sách.

Trong GRDP cả năm 2015 được tạm tính, khu vực (I) nông- lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,92%, (II) công nghiệp- xây dựng tăng 12,12%, (III) dịch vụ tăng 7,7% so năm trước. Còn trong cơ cấu GRDP, tỷ trọng các ngành nông- lâm nghiệp và thủy sản 33,37%, công nghiệp- xây dựng 22,75%, dịch vụ 43,88%, được đánh giá là có sự chuyển dịch đúng hướng nhưng tốc độ còn chậm và so với năm trước tỷ trọng khu vực I giảm 1,32%, khu vực 2 tăng 1,38%, khu vực III giảm 0,06%.

Bài, ảnh: TRẦN PHƯỚC

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh