Tranh, tre, lá, cốt ép... là những vật liệu tạm không được xây dựng trong đô thị. Song, các dạng kết cấu này vẫn còn tồn tại trong khu vực đô thị, vừa ảnh hưởng mỹ quan đô thị vừa có nguy cơ mất an toàn về phòng cháy chữa cháy.
Tranh, tre, lá, cốt ép... là những vật liệu tạm không được xây dựng trong đô thị. Song, các dạng kết cấu này vẫn còn tồn tại trong khu vực đô thị, vừa ảnh hưởng mỹ quan đô thị vừa có nguy cơ mất an toàn về phòng cháy chữa cháy.
Những hàng quán xây dựng bằng vật liệu “nhà tranh, mái lá” ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị. |
Vẫn còn tồn tại
Đô thị hóa nhanh, những căn nhà đủ các kích cỡ chen nhau mọc lên kéo theo sự bất chấp quy định, làm ảnh hưởng không nhỏ đến kiến trúc đô thị. Theo ghi nhận, trong nội ô thành phố, không ít ngôi nhà, quán xá có xu hướng tìm về nét xưa, mang tính chất làng quê.
Thay vì ở phố phải xây nhà tường, mái tôn cho kiên cố, phù hợp kiến trúc, tăng vẻ mỹ quan đô thị thì một số người lại cho phố trở nên “dân dã hơn” khi khoác lên mình những mái “nhà tranh, vách lá”, với lý do “cho mát, cho gần gũi với thiên nhiên” dù biết rằng quy định không cho phép. Chỗ này lợp lá một ít, chỗ kia kéo tấm bạt ra đường thêm một tẹo, hành động nhỏ nhưng khiến cho phố bớt đẹp.
Ông Trần Kiến Thức- Đội phó Đội Kiểm tra trật tự xây dựng TP Vĩnh Long cho biết: Hiện nay, tình trạng vi phạm kiến trúc tạm bợ còn khá phổ biến. Vi phạm nhiều nhất là ở Phường 4, Phường 2, Phường 9...
Ghi nhận trong nội ô, một số quán ăn, quán giải khát, từ nơi có quy mô đến nơi ven đường trang bị thêm mái lá, tấm bạt để “quán lạ hơn, đẹp hơn và kéo khách”.
Một chủ quán ăn có không gian tum lá ở Phường 9 giải thích: “Biết là không phép nhưng muốn tìm nét mới lạ cho quán, tìm về nét xưa như vậy sẽ thu hút khách hơn. Với lại quán có trang bị đầy đủ các dụng cụ phòng cháy chữa cháy nên cũng an tâm hơn”.
Trong khi đó, một số chủ quán cũng cho biết, nguyên nhân chỉ có thể thiết kế kiến trúc bằng vật liệu tạm bợ là do mặt bằng thuê trong thời gian ngắn nên khó có thể thiết kế kiến trúc chắc chắn.
“Mấy lần thanh tra xây dựng kiểm tra nhắc nhở và buộc tháo dỡ hoặc chuyển đổi thiết kế kết cấu mới nhưng vẫn còn lựng chựng do thiếu vốn đầu tư và chủ đất còn kỳ kèo hợp đồng. Nếu như sửa sang lại, ốp inox toàn bộ các khung, lợp tôn lên các tum lá thì rất khó, vốn nặng, thêm vào đó chủ đất không ký tiếp hợp đồng thì coi như mất trắng”- một chủ quán giải thích.
Ông Đặng Minh Quân- Phó Phòng Quản lý đô thị TP Vĩnh Long cho biết: Theo quyết định ban hành về quản lý trật tự đô thị của UBND tỉnh ngày 1/12/2005, quy định không được xây dựng các kiến trúc bằng vật liệu tạm (tranh, tre, lá, cốt ép) trong đô thị.
Không được xây thêm, cơi nới chắp vá vào các kiến trúc đối với nhà kiên cố như kiến trúc tạm trên sân thượng, bít kín ban công, lô gia, hành lang trống, hiên, làm thêm mái bám vào kiến trúc hiện hữu hoặc hàng rào. Mặt tường công trình (mặt tiền, tường bên) không được sơn, ốp màu đen. Thời gian qua, tình trạng này vi phạm khá nhiều, chủ yếu là các cơ sở xây lén lút. Điều này rất nguy hiểm vì dễ gây cháy, ảnh hưởng mỹ quan đô thị.
Ông Nguyễn Văn Sơn- Phó Chủ tịch UBND Phường 2 nói: Các trường hợp vi phạm chủ yếu trên địa bàn che mái lá, che bạt, phần lớn nguyên nhân là do người dân không biết quy định. Bên cạnh đó, một số trường hợp vi phạm giải thích là do đất thuê nên không thể xây dựng kết cấu kiên cố.
Có xử lý được dứt điểm?
Theo nhiều ngành chức năng, qua công tác kiểm tra, xử lý tình trạng vi phạm tại một số nơi đã được giảm bớt.
Ông Nguyễn Hoàng Kiếm- Chánh Thanh tra Sở Xây dựng cho biết: Thực hiện nghị định về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng, sở thường xuyên kiểm tra trên các QL: 1A, 53, 54, 57 và các tuyến đường mới mở như đường Trần Đại Nghĩa, đường Bạch Đàn, đường Võ Văn Kiệt,... Qua đó, tình trạng vi phạm cũng được kéo giảm.
Bà Nguyễn Thị Kim Hồng- công chức địa chính, xây dựng Phường 2- cho biết: Trên địa bàn phường vẫn còn một số trường hợp nhà ở, quán xá che bạt, mái lá gây ảnh hưởng mỹ quan đô thị. Phường thường xuyên kết hợp tuyên truyền, nhắc nhở và buộc tháo dỡ đối với các công trình phụ. Gần đây, tình trạng này đã giảm.
Tuy nhiên, vẫn còn một số trường hợp vi phạm trong thời gian dài vẫn chưa được xử lý đến nơi đến chốn và vẫn tồn tại. Ông Trần Kiến Thức cho biết: Khi phát hiện trường hợp vi phạm, đội sẽ lập biên bản xử phạt hành chính và cũng chỉ dừng ở mức đó, bởi công tác cưỡng chế, buộc tháo dỡ còn gặp nhiều khó khăn do hầu hết các trường hợp vi phạm đã thiết kế hoàn chỉnh, người dân không chịu tháo dỡ. Đây là thực trạng chung không chỉ của riêng Vĩnh Long mà còn ở nhiều tỉnh khác.
Ông Đặng Minh Quân kiến nghị địa phương nên nâng cao vai trò, trách nhiệm quản lý tại địa bàn, đồng thời cần tăng cường kiểm tra, siết chặt nắm tình hình hơn nữa, nhanh chóng kịp thời giải quyết các trường hợp vi phạm.
Một kiến trúc tạm thời với những vật liệu tạm bợ không chỉ làm giảm đi giá trị văn hóa, ảnh hưởng đến mỹ quan của một tuyến phố mà còn làm giảm nét đẹp không gian đô thị. Do đó, bên cạnh vai trò quản lý, xử lý của ngành chức năng, người dân cần nâng cao nhận thức về kiến trúc đô thị, bởi nhà có đẹp, phố mới thêm xinh, cảnh quan đô thị sạch đẹp, đời sống vật chất, tinh thần mới ngày càng được nâng lên.
Theo Sở Xây dựng, nhìn chung trên địa bàn tỉnh, đa số là người dân ở đô thị trung tâm xã và chủ thể là công ty, doanh nghiệp, các cơ quan tổ chức hoạt động xây dựng đã nghiêm chỉnh chấp hành các quy định về trật tự xây dựng như xin phép xây dựng, thực hiện về an toàn lao động... Từ đó, góp phần ổn định trật tự xây dựng, giúp công tác quản lý trật tự xây dựng đi vào nề nếp. Tuy nhiên, vẫn còn các chủ đầu tư xây dựng trong khu vực ven thị trấn, thị xã, thành phố khởi công xây dựng khi chưa giấy phép, xây dựng lấn chiếm kinh rạch, đất công cộng, xây trên đất chưa đúng mục đích sử dụng. Ngoài ra, khi xây dựng công trình, thiếu che chắn để bảo vệ an toàn cho người và môi trường xung quanh, trang bị bảo hộ cho người lao động... Tình trạng để vật tư, phương tiện thi công trên lòng đường, vỉa hè vẫn còn xảy ra gây mất an toàn giao thông và đi lại của người dân. |
Bài, ảnh: THẢO NGUYÊN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin